Mùa mưa đang đến gần cũng là lúc quần thể véc-tơ sốt xuất huyết, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Điều này rất dễ gây nên dịch sốt xuất huyết. Thời gian qua, người dân và các cơ quan chức năng huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã thực hiện nhiều biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này
Mùa mưa đang đến gần cũng là lúc quần thể véc-tơ sốt xuất huyết (SXH), muỗi truyền bệnh SXH gia tăng. Điều này rất dễ gây nên dịch SXH. Thời gian qua, người dân và các cơ quan chức năng huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã thực hiện nhiều biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Vệ sinh các dụng cụ chứa nước là một trong những biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. |
Ông Nguyễn Phú Khuê - Đội phó Đội Y tế dự phòng huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Đợt dịch SXH năm 2009, tại thị trấn Khánh Vĩnh có 165 bệnh nhân phải nhập viện. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 3 ca mắc SXH. Sở dĩ số ca mắc SXH giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là do năm nay nắng nóng kéo dài đã làm giảm sự gia tăng quần thể muỗi truyền SXH. Ngoài ra, ý thức phòng bệnh của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, năm 2010, tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp, việc trữ nước sinh hoạt nếu không được vệ sinh định kỳ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát SXH”.
Được biết, để chủ động phòng, chống SXH, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện SXH trong cộng đồng, tổ chức nhiều nhóm cộng tác viên tuyên truyền phòng, chống SXH. Mỗi cộng tác viên phụ trách theo dõi, giám sát dịch bệnh SXH thường xuyên tại 80 hộ, mở các lớp tập huấn phòng, chống SXH tại cộng đồng. Ngoài ra, còn phát tờ rơi cho các gia đình, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống SXH trong các buổi sinh hoạt cộng đồng… Năm nay, huyện Khánh Vĩnh đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, phương tiện, nhân lực… để sẵn sàng đối phó khi có dịch SXH xảy ra.
Để phòng, chống SXH, nhiều địa phương ở Khánh Vĩnh đang tích cực tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp như: Tổ chức nhiều đợt diệt muỗi, diệt bọ gậy; khơi thông cống rãnh, loại bỏ những nơi nước đọng; vận động người dân ngủ màn ở nhà và ngay cả khi đi rừng; tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi; mặc quần áo dài tay vào ban đêm; phát quang bụi rậm xung quanh nơi ở; dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà ở; thả cá bảy màu vào các vật chứa nước trong nhà; dọn vệ sinh môi trường; hủy các vật phế thải có thể chứa nước như: chai lọ vỡ, ống bơ, gáo dừa… lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến…
Theo ông Lê Phán - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, bệnh SXH rất nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Có nhiều yếu tố gây nên sự gia tăng của SXH như: Thời tiết thay đổi sẽ làm gia tăng quần thể véc-tơ SXH; tập quán trữ nước của người dân là điều kiện thuận lợi cho quần thể muỗi truyền SXH gia tăng; sự thờ ơ của người dân trong việc phòng, chống SXH cũng sẽ là điều kiện thuận lợi khiến dịch bùng phát… Trong khi đó, dịch SXH không theo bất cứ một chu kỳ, thời gian nào. Dịch có thể đến bất cứ lúc nào nên người dân cần phải chủ động phòng, chống.
SXH là dịch bệnh nguy hiểm. Ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng, chống SXH, khi người bệnh phát hiện có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, phát ban hoặc có các biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng và tử vong.
BÍCH LA