04:05, 26/05/2010

Nỗi khổ… xe buýt giờ cao điểm - “bài toán” chưa có lời giải

Tình cờ đi xe buýt vào một buổi trưa nắng gắt cuối tháng 5, chúng tôi mới hiểu được sự vất vả của người dân khi đi xe buýt vào giờ cao điểm.

Tình cờ đi xe buýt vào một buổi trưa nắng gắt cuối tháng 5, chúng tôi mới hiểu được sự vất vả của người dân khi đi xe buýt vào giờ cao điểm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Những ngày chưa nghỉ Hè, em Đoàn Hải Tuyền - học sinh Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Hiền (TP. Nha Trang) chọn xe buýt làm phương tiện đến trường và trở về nhà sau khi tan học. Từ ngày nghỉ Hè, Tuyền thường đến Nhà sách Phương Nam để đọc sách. Do bố mẹ bận đi làm nên em thường chọn xe buýt để đi và về. Ngồi đợi xe buýt tại trạm cạnh khu vực Mả Vòng, Tuyền cho biết: “Lúc chưa nghỉ Hè, ngày nào em cũng đi xe buýt đến trường. Đến lúc tan trường trở về nhà, các bạn lên xe buýt rất đông, không nhanh chân sẽ không lên xe kịp, có bạn chen lấn còn bị té ngã. Nhiều lúc, em phải đi chuyến kế tiếp cho đỡ chật hơn”. Còn chị Nguyễn Thị Hạnh, ở phường Phước Long (TP. Nha Trang) - một hành khách tôi gặp trên tuyến xe buýt từ Mả Vòng về Bình Tân tâm sự: “Đi xe buýt sợ nhất là giờ cao điểm. Khi ấy, người lên, người xuống chen lấn nhau rất vất vả. Trời thì nắng nóng, xe chật ních người, không thở nổi…”.

Hiện nay, Công ty Dịch vụ vận tải Khánh Hòa (DVVT KH) có 44 chiếc xe buýt hoạt động trên 6 tuyến, gồm: Tuyến Bình Tân - Lê Hồng Phong - Thành (cự ly 18km), tuyến Bình Tân - Trần Phú - Thành (cự ly 18km), tuyến chợ Đầm - Sông Lô (cự ly 15km), tuyến Dương Hiến Quyền - Nguyễn Thiện Thuật - Cầu Đá (cự ly 13km), tuyến cầu Trần Phú - Tô Hiến Thành - Hòn Rớ 1 (cự ly 12km) và tuyến Bến xe phía Nam - chợ Lương Sơn (cự ly 15km). Tùy theo cự ly, tần suất xe hoạt động và lượng khách, Công ty DVVT KH bố trí xe phù hợp cho từng tuyến. Tuy nhiên, vào các giờ cao điểm, do số lượng hành khách rất đông nên dễ xảy ra tình trạng chen lấn, đứng chen chúc nhau trên xe (xe chỉ có 55 chỗ ngồi nhưng lại chở rất nhiều người).

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Trọng - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty DVVT KH cho biết: “Vào các giờ cao điểm: buổi sáng từ 6 - 6 giờ 30, buổi trưa từ 10 - 13 giờ, buổi chiều từ 14 - 18 giờ là những lúc học sinh đi học, công nhân đi làm và trở về nên lượng hành khách tăng đột biến. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở TP. Nha Trang mà các thành phố khác trong cả nước cũng tương tự”.

Được biết, vào giờ cao điểm, Công ty DVVT KH đã bố trí khoảng 5 - 10 phút/chuyến trên tất cả các tuyến xe buýt. Tuy nhiên, tần suất hoạt động của các xe buýt như vậy vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mặt khác, tâm lý nôn nóng muốn đến đích sớm, hành khách lại chen nhau lên xe càng khiến cho việc đi xe buýt vào những lúc này càng trở nên khó khăn, vất vả hơn bao giờ hết.

Giải quyết tình trạng này là việc không dễ dàng đối với Công ty DVVT KH. Theo ông Trọng, việc tăng chuyến trong giờ cao điểm khó khả thi, bởi với số lượng xe hiện có của Công ty không thể chạy bổ sung vào giờ cao điểm. Chỉ có một cách duy nhất là mua thêm xe để tăng chuyến. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu mua thêm xe thì lại gặp khó khăn trong bài toán hiệu quả kinh tế, bởi xe chỉ chạy tập trung vào giờ cao điểm, còn lúc bình thường thì “nằm không”.

Sử dụng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng là giải pháp giúp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Nhưng vấn đề đặt ra là chất lượng của các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng trên địa bàn TP. Nha Trang hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đang ngày một tăng cao, nhất là trong các giờ cao điểm. Với tình trạng chen lấn mỗi khi đi xe buýt như hiện nay, rất khó để thuyết phục người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Chính vì vậy, để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách, đảm bảo an toàn suốt chặng đường trong giờ cao điểm, Công ty DVVT KH phải luôn chú trọng công tác bảo dưỡng xe đúng định kỳ, luôn nhắc nhở nhân viên và tài xế xe buýt nhã nhặn, lịch sự với hành khách…

THỦY BA