03:05, 24/05/2010

Hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ Hè Thu

Đúng như dự báo, hiện tượng El Ninno đã gây khô hạn nghiêm trọng trên địa bàn cả nước. Đối với Khánh Hòa, tuy vụ Đông Xuân nguồn nước tương đối dồi dào nhưng đến vụ Hè Thu 2010, tình hình cung ứng nước bị sụt giảm nghiêm trọng.

Đúng như dự báo, hiện tượng El Ninno đã gây khô hạn nghiêm trọng trên địa bàn cả nước. Đối với Khánh Hòa, tuy vụ Đông Xuân (ĐX) nguồn nước tương đối dồi dào nhưng đến vụ Hè Thu (HT) 2010, tình hình cung ứng nước bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ nhỏ, mực nước xuống dưới mực nước chết (MNC), không đủ lượng nước cung cấp cho sản xuất. Tình hình này buộc các đơn vị cung cấp nước và các địa phương phải thu hẹp diện tích sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và dự phòng kế hoạch bơm chuyền nước cứu lúa…

 Mực nước tại các công trình thủy lợi sụt giảm nghiêm trọng. (Trong ảnh tại Trạm bơm Cầu Đôi, Diên Khánh)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, hiện nay, mực nước các hồ chứa trong tỉnh đang sụt giảm nghiêm trọng, thấp hơn cùng kỳ 4 - 7m, lượng nước hao hụt 40 - 50%. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Thủy lợi, mực nước đo được ngày 15-5 tại các hồ chứa như sau: Hồ Đá Bàn (Ninh Hòa), so với cùng kỳ, mực nước từ 57,76m giảm xuống còn 54,40m tương ứng lượng nước trong hồ từ 44,8 triệu m3 giảm xuống còn 28,96 triệu m3. Các hồ chứa khác lượng nước cũng suy giảm tương ứng: Eakrongrou từ 601m giảm xuống còn 593m (tương đương 23,81 triệu m3 giảm xuống còn 7,59 triệu m3); Am Chúa từ 34,9m giảm xuống còn 30,61m (tương đương 4,35 triệu m3 giảm xuống còn 1,97 triệu m3); Láng Nhớt từ 2,05m giảm xuống còn 1,11m (tương đương 2,05 triệu m3 giảm xuống còn 1,11 triệu m3); Cam Ranh từ 32,03m giảm xuống còn 28,47m (tương đương 22,18 triệu m3 giảm xuống còn 13,8 triệu m3); Suối Hành từ 30,34m giảm xuống còn 28,58m (tương đương 5,49 triệu m3 giảm xuống còn 4,01 triệu m3)… Đặc biệt, hồ Suối Trầu (Ninh Hòa), mực nước xuống dưới MNC. Một số hồ nhỏ có dung tích từ 1 triệu m3 nước trở xuống đã không còn khả năng tưới như hồ: Cây Bứa, Bà Bác (Vạn Ninh)… Bên cạnh đó, nguồn nước từ các đập dâng được điều tiết chủ yếu từ các hồ chứa nên cũng chịu chung số phận thiếu nước. Hiện nay, một số đập dâng không còn khả năng tưới là: Phước Mỹ, Đồng Tròn (Ninh Hòa), Giỏ Tá (thị xã Cam Ranh)…

Theo kế hoạch, diện tích sản xuất lúa HT toàn tỉnh là 18.600ha. Hiện nay, mực nước các sông, suối và hồ chứa xuống thấp, nếu không có mưa tiểu mãn bổ sung nguồn nước thì sẽ xảy ra hạn hán nghiêm trọng một số nơi trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, diện tích không đưa vào sản xuất vụ HT do thiếu nước lên đến gần 1.450ha và có thể hơn; trong đó: Vạn Ninh: 57ha (nguồn nước Suối Luồng và Suối Lớn); Ninh Hòa: 646ha (nguồn Suối Trầu, đập Cùng, Đồng Tròn, Phước Mỹ); Diên Khánh: 360ha (nguồn Am Chúa, Láng Nhớt, Cây Sung); Khánh Vĩnh: 300ha (các đập dâng); Khánh Sơn: 32ha (đập dâng nhỏ) và thị xã Cam Ranh: 55ha (đập Giỏ Tá). Dự kiến, diện tích bơm tát chống hạn lên đến 3.000ha.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, trong thời gian gần, khả năng có mưa là rất hiếm. Dự báo cuối tháng 5 và 6, sẽ xuất hiện 2 - 3 đợt nắng nóng, mỗi đợt kéo dài 3 - 4 ngày; lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) so với cùng kỳ, tổng lượng mưa ở đồng bằng 50 - 100mm, miền núi 100 - 150mm, tập trung chủ yếu nửa đầu tháng 6 nhưng nhiệt độ không khí lại cao hơn cùng kỳ, phổ biến 29 - 300C (thấp nhất 25 - 260C, cao nhất 36 - 380C) xảy ra vào cuối tháng 6. Chế độ thủy văn trong tháng 5 và 6, dòng chảy tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, lượng nước thiếu hụt 30 - 70% so với TBNN…

Trước tình hình đó, các công ty Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi (QLVKTCTTL) cùng các địa phương đang rà soát kế hoạch tưới tiêu, đồng thời quyết định giảm hay chuyển đổi diện tích sản xuất. Theo ông Đinh Văn Mỹ - Phó Giám đốc Công ty QLVKTCTTL Bắc Khánh Hòa, hạn hán kéo dài đã dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất vụ HT. Hiện nay, một số hồ chứa đã xuống dưới MNC, một số diện tích không thể triển khai vụ HT. Phương án của Công ty là khoanh vùng, không sản xuất đại trà. Đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, thống nhất kế hoạch vào ngày 10-6 tới. Ông Đào Văn Lương - Trưởng Phòng NN-PTNT Vạn Ninh cho biết, đến nay, huyện đã gieo sạ 1.300/3.400ha diện tích vụ HT. Nếu không có mưa tiểu mãn, diện tích phải chuyển đổi sang cây trồng khác hơn 1.000ha. Hiện nay, mực nước một số hồ và đập dâng đã xuống dưới MNC như: Hồ Đá Đen (xã Xuân Sơn), đập dâng Sông Mỏ, đập Vinh Hòe (xã Vạn Phú)… Các xã phía Bắc huyện cơ bản đủ nguồn nước do có hồ Hoa Sơn đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều xã thiếu nước sản xuất cục bộ như: Vạn Khánh, Vạn Phước (hồ Bà Bác), Vạn Thọ (hồ Suối Lớn); khó khăn nhất là các xã: Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Phú, Vạn Bình và thị trấn Vạn Giã. Huyện đang triển khai kế hoạch chống hạn, chuyển đổi cây trồng ít dùng nước như: bắp lai, bí đỏ…; đồng thời dự trù kinh phí nạo vét kênh mương dẫn nước cứu lúa… Còn Phòng NN-PTNT Ninh Hòa cho biết, diện tích gieo sạ vụ HT hơn 1.000ha/7.600ha. Hiện nay, hồ Suối Trầu (cung cấp nước cho các xã: Ninh Xuân, Ninh Bình, Ninh Hưng…) đã không còn khả năng tưới. Tình hình này khiến 650ha lúa vụ HT phải bỏ hoang, không thể sản xuất và cũng không thể chuyển đổi sang bất cứ loại cây trồng khác. Huyện đang triển khai phương án chống hạn, chủ yếu là điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm chứ không đặt vấn đề chuyển đổi cây trồng. Công ty QLVKTCTTL Bắc Khánh Hòa dự trù kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, phối hợp với huyện triển khai bơm chuyền trong trường hợp xấu nhất.

Q.V