04:05, 27/05/2010

Mía chết khát!

Hàng trăm héc-ta mía non mới “bung” lên sau vụ thu hoạch đang nằm “phơi mình” dưới trời nắng gắt, trong đó không ít diện tích mía mới được trồng từ chương trình chuyển đổi giống mía mới.

Hàng trăm héc-ta mía non mới “bung” lên sau vụ thu hoạch đang nằm “phơi mình” dưới trời nắng gắt, trong đó không ít diện tích mía mới được trồng từ chương trình chuyển đổi giống mía mới. Nhiều nông dân lo lắng, cứ kiểu thời tiết này kéo dài, bao nhiêu tiền của, công sức của họ coi như bỏ. Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để chống hạn ngoài việc chờ mưa.

Ông Bùi Chưa - khuyến nông viên (KNV) xã Cam Hiệp Bắc đưa chúng tôi đến cánh đồng Núi Một với bạt ngàn mía non. Mới 9 giờ sáng nhưng đồng mía tỏa sức nóng hầm hập. Nhiều lá mía giống gốc héo quay quắt, có lá cháy chuyển sang màu vàng. Đáng ngại hơn, những ruộng mía mới trồng chỉ thấy đất trống, đọt non bắn lên thưa thớt.

Nắng hạn kéo dài đe dọa sự phát triển của cây mía, đặc biệt là các giống mía mới

Giữa trời nắng gắt, ông Lê Văn Long (Trung Hiệp 2, Cam Hiệp Bắc) xới lại hàng để tìm ngọn mía xem chúng thế nào. Đọt mới đưa xuống hôm nào, nay đã héo hắt. Ông đầu tư 5 sào mía hết 12 triệu đồng nhưng kết quả hầu như không có gì ngoài những ngọn mía héo. Cả ruộng mía chỉ thấy lác đác vài đọt non, hầu như toàn bộ mía ngọn đều bị “tê liệt” dưới trời nắng gắt. Ông lắc đầu vì một vụ mía thất bát… Còn ông Phạm Thanh Bình (Trung Hiệp 1) cho biết, nếu trời tiếp tục nắng hạn thì rất ít hy vọng vào sự phục hồi của ruộng mía mới trồng. Ông Bình xuống giống từ giữa tháng 3 âm lịch với diện tích 1,6ha, khi có cơn mưa đầu mùa xuất hiện. Tổng số tiền mà ông đầu tư vào ruộng mía này (cày, rạch hàng, phân, giống, công) là 35 triệu đồng, bình quân 2,1 triệu đồng/sào (1.000m2); nhưng hiện nay, tỷ lệ mọc chỉ đạt 30 - 40%. Ông khẳng định, nếu nắng hạn kéo dài, toàn bộ số ngọn sẽ chết, ruộng mía không thể hồi phục. Anh Nguyễn Văn Thao (Trung Hiệp 1) nhìn ruộng mía xót xa: “Từ cơn mưa đầu mùa, tôi đã đưa giống xuống, cứ nghĩ mía lên đẹp, nào ngờ…”. Vừa nói, anh vừa chỉ tay vào ruộng mía chỉ thấy toàn trơ màu đất. Vụ mía này, anh Thao đầu tư 1ha giống mía mới K88. Anh nhẩm tính: 9 bao phân hết 4,5 triệu đồng; 27 thiên mía hết 12 triệu đồng, tiền cày, tiền công…, tất cả hết 20 triệu đồng; thế nhưng xem chừng “xôi hỏng bỏng không”. Theo anh Thao, việc chống hạn cứu mía rất khó. Trong khu vực cũng có nông dân đào ao, tuy nhiên vào mùa này, để thuê xe múc đến đào ao không dễ, chỉ một vài hộ nên xe múc không muốn đi.

Theo UBND xã Cam Hiệp Bắc, từ cơn mưa đầu mùa tháng 3 âm lịch, nông dân đã xuống giống mía, phần lớn là các giống mía mới như: K84, K88… được hỗ trợ từ chương trình nhân giống mía mới của huyện. Tuy nhiên, từ đó đến nay, trên địa bàn không có mưa, nắng hạn kéo dài làm cho ngọn mía không phát triển, tỷ lệ mọc chỉ đạt 70 - 80%. Đối với địa bàn Cam Hiệp Bắc, ruộng mía chủ yếu sống nhờ “nước trời”; do vậy khó có thể bơm tưới cho mía. Một số khu vực có mực nước ngầm dâng cao, nhiều hộ đào ao, vét giếng bơm tưới cho mía nhưng số lượng còn hạn chế. Ông Bùi Chưa cho biết, đến nay, toàn xã có 82 hộ xuống giống với diện tích 33ha; trong đó có 46ha với 90 hộ đăng ký đầu tư trồng các giống mía mới. Theo chương trình hỗ trợ giống của tỉnh, mức hỗ trợ đầu tư là 2 triệu đồng/ha đối với giống K84-200, 4 triệu đồng/ha giống K88. Hiện nay, do nắng hạn nên tỷ lệ mía mọc rất thấp, bình quân 30 - 40%.

Ông Trịnh Minh Tể - KNV xã Cam Hiệp Nam cho biết, khó có thể đánh giá được khả năng mọc của cây mía. Hiện tỷ lệ mọc của mía tơ chỉ đạt 50%. Tuy nhiều đọt mía chưa chết nhưng đã có biểu hiện héo rũ, sáng hút sương đêm, ngọn xanh, nhưng đến gần trưa thì héo quay quắt. Nếu đà này kéo dài sang tháng 6, khả năng mía không thể hồi phục. Nông dân xã Cam Hiệp Nam đã xuống giống hơn 78ha, nhưng tình hình nắng hạn còn diễn biến phức tạp. Giải pháp của xã là vận động người dân trồng mía nạo vét giếng, ao… để bảo vệ cây mía, đặc biệt là bảo vệ nguồn giống dự trữ. Nếu các giống mía mới chết đi, khó có thể tìm nguồn bổ sung, nếu có thì cũng đã lỡ thời vụ.

Với đặc thù địa hình phức tạp, nhiều vùng khan hiếm nước, cây mía Cam Lâm từ lâu vẫn dựa vào “nước trời” với diện tích lên tới hàng ngàn héc-ta. Do vậy, khi nắng hạn kéo dài, người nông dân chỉ còn cách trông mưa. Huyện Cam Lâm đang chỉ đạo các xã vận động người dân nạo vét ao hồ, giếng nước để tập trung chống hạn. Tuy nhiên, việc đào giếng trong mùa hạn rất khó, do mực nước ngầm giảm thấp, đồng thời đòi hỏi kinh phí lớn; trong khi đó, hầu hết các hộ dân đã vay mượn, đầu tư tiền của, công sức cho vụ mía, vì vậy rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện nay, nguồn giống hỗ trợ cho chương trình chuyển đổi giống mía mới rất quan trọng, làm nền tảng để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía ở Cam Lâm trong thời gian tới. Vì vậy, nếu số giống mới này không được bảo vệ sẽ gây khó khăn cho chương trình phát triển giống mía mới, đồng thời cũng không còn nguồn giống thay thế vì đã lỡ thời vụ.

HOÀI AN