Trường Đại học Nha Trang vừa tổ chức hội nghị về đổi mới quản lý giáo dục bậc đại học giai đoạn 2010 - 2012. Với 14 tham luận được trình bày, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến công tác quản lý, chất lượng giáo dục...
Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT) vừa tổ chức hội nghị về đổi mới quản lý giáo dục bậc ĐH giai đoạn 2010 - 2012. Với 14 tham luận được trình bày, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến công tác quản lý, chất lượng giáo dục ĐH được đặt ra.
. Nhiều sinh viên không thích học, vì sao?
Đổi mới quản lý giáo dục bậc đại học cần phải đồng bộ. (Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Khoa Chế biến, Trường Đại học Nha Trang) |
Các bản tham luận tại hội nghị cũng chỉ ra 7 vấn đề liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo (ĐT) hiện nay gồm: Chương trình ĐT, nội dung chương trình các môn học, phương thức truyền tải kiến thức cho SV, giáo trình tài liệu học tập, cách đánh giá kết quả học tập, công tác xây dựng cơ sở vật chất và công tác tổ chức quản lý SV. Các đại biểu nhận định chương trình ĐT hiện nay đã rất cũõ, các học phần kinh điển chiếm tỷ trọng khá lớn, chương trình chưa bắt nhịp được với sự phát triển của đất nước và xã hội. Về nội dung chương trình các môn học, lâu nay ít được bổ sung và cập nhật, nội dung một số môn học chưa gắn liền với mục tiêu ĐT. Về phương thức truyền tải, cách dạy của chúng ta hiện vẫn áp dụng lối “độc thoại cổ truyền”, thầy thao thao giảng còn SV hoặc là cặm cụi ghi chép hoặc bị “ru ngủ”. Cách dạy này không những không tạo được khả năng kích thích học của SV, mà còn tạo cho các em một sức ỳ khá lớn. Sự nhầm lẫn trong quan niệm về giáo trình, sách tham khảo và bài giảng đã dẫn đến tình trạng ai cũng viết giáo trình, tài liệu giảng dạy, ngay cả những giảng viên chưa đủ thời gian tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cũng tham gia viết mà thực chất là chỉ sao chép lại kiến thức từ một hoặc vài giáo trình đã có sẵn. Điều này dẫn đến hệ lụy là giảng viên nào cũng coi bài giảng của mình như một loại cẩm nang mà mọi SV đều phải có nếu muốn thi đạt hoặc muốn môn học của mình đạt kết quả cao. Chính vì thế, nhiều SV chẳng cần đến lớp học, lao tâm khổ tứ tham khảo tài liệu khác. SV chỉ cần vài ngàn đồng photo lại bài giảng của thầy coi như đã có “bảo bối” cho việc thi cử. Về cách đánh giá kết quả học tập, thầy Vũ Văn Xứng cho rằng, cách thi của chúng ta còn nhiều bất cập: Thi quá nhiều, môn nào cũng thi mà kiến thức lại được SV nhồi nhét vội vàng trong mấy ngày ôn với mục đích tối thượng là để lấy điểm và đạt điểm cao; chính vì vậy, SV không thể nhớ lâu và sâu.
Về công tác xây dựng cơ sở vật chất: hiện nay vẫn còn mang tính cát cứ, tùy tiện trong quản lý sử dụng, việc đầu tư chưa mang tính đồng bộ.
Minh họa cho một phần vấn đề này, thầy Trần Quang Ngọc - Viện Công nghệ sinh học và môi trường cho biết, công tác quản lý của các phòng thí nghiệm, thực hành hiện nay còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa có tính chuyên nghiệp. Việc khai thác và sử dụng tài sản thiết bị mới dừng ở việc quản lý và sử dụng đơn thuần mà chưa có sự chăm lo, bảo dưỡng và khai thác hết tần suất của nó. Do thiếu sự phối hợp giữa các phòng thí nghiệm nên vẫn còn tình trạng thiếu giả tạo quá nhiều tài sản thiết bị; trong khi đó có nhiều tài sản, thiết bị vẫn chỉ được sử dụng có tính cục bộ…
Đổi mới quản lý giáo dục đại học - bắt đầu từ đâu?
Để nâng cao chất lượng dạy - học, ngoài các ý kiến cho rằng phải giải quyết rốt ráo các vấn đề nêu trên, nhiều đại biểu đề xuất: Cần phân công nhiệm vụ đào tạo hợp lý để vừa đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng nhân lực vừa từng bước bồi dưỡng cán bộ chuyên môn đầu ngành; tạo điều kiện cho giảng viên đi thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chuyên ngành ít nhất 1 lần (7 - 15 ngày)/2 năm; chuẩn hóa và đảm bảo đủ giáo trình cho các phần cốt lõi; tăng cường hình thức đánh giá kết quả học tập bằng trắc nghiệm khách quan và thí điểm cho SV đăng ký chọn giảng viên đối với một số học phần có nhiều giảng viên phụ trách; xây dựng quy định quản lý ở cấp khoa… Ngoài ra, thầy Vũ Ngọc Bội - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường cho rằng, cần phải thúc đẩy mô hình kết hợp ĐT và nghiên cứu khoa học.
Đi vào vấn đề công tác SV, thầy Trần Văn Thuần - Phó Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐHNT cho rằng: Công tác SV cũng là một trong những khâu quan trọng của việc nâng cao chất lượng ĐT. Vì thế, công tác này cũng cần phải được đổi mới ở các mặt như: Tổ chức và quản lý SV nội trú, ngoại trú, các hoạt động ngoại khóa; cơ chế phối hợp trong công tác SV; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công tác quản lý SV; công tác SV cần đưa về một đầu mối; thay đổi công tác trao đổi thông tin 2 chiều giữa nhà trường với SV…
BÁ NGHĨA