05:05, 05/05/2010

“Bài toán” chưa có lời giải

Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, những năm qua, định mức phân bổ ngân sách cho sự nghiệp y tế của tỉnh Khánh Hòa quá thấp. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành, đặc biệt trong việc thu hút nhân tài.

Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, những năm qua, định mức phân bổ ngân sách (ĐMPBNS) cho sự nghiệp y tế (YT) của tỉnh Khánh Hòa quá thấp. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành, đặc biệt trong việc thu hút nhân tài (THNT). Tìm hiểu, chúng tôi được biết, so với các tỉnh khác trong khu vực và một số tỉnh lân cận, ĐMPBNS của Khánh Hòa cho lĩnh vực YT còn thấp. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, Khánh Hòa không có nguồn nào để chi thêm, bởi đã nhiều năm qua, ngân sách tỉnh luôn trong tình trạng thiếu hụt, mất cân đối thu, chi.

° Hầu hết định mức phân bổ ngân sách của các tỉnh đều cao hơn Khánh Hòa

Tiến sĩ Trương Tấn Minh, Giám đốc Sở YT cho biết, thực hiện Thông báo số 64/TB-UBND ngày 27-2-2010 của UBND tỉnh về kết luận tại cuộc họp nghe các đơn vị báo cáo về chế độ hỗ trợ, thu hút cán bộ y tế (CBYT), vừa qua, Sở YT đã phối hợp với các Sở: Tài chính, Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tổ chức chuyến đi học tập kinh nghiệm về tài chính YT, xây dựng ĐMPBNS cho ngành YT giai đoạn 2010 - 2012, xã hội hóa y tế (XHHYT), các chính sách THNT và một số chính sách khác tại các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Bình Thuận. Sau chuyến đi, đoàn nhận thấy, hầu hết ĐMPBNS của các tỉnh đều cao hơn Khánh Hòa. Cụ thể, đối với hệ điều trị, nếu như ở Khánh Hòa, BVĐK tỉnh được cấp 25 triệu đồng/giường bệnh/năm, thì Long An là 43 triệu đồng, BR-VT: 42 triệu đồng, Bình Thuận: 62 triệu đồng (số liệu tham khảo do Sở YT cung cấp: Phú Yên 31 triệu đồng, Bình Định 27 triệu đồng, Bình Dương 32,5 triệu đồng, Đà Nẵng 32 triệu đồng). Đối với BV chuyên khoa: Khánh Hòa 23 triệu đồng, BR-VT 42 triệu đồng, Long An 40 triệu đồng, Bình Thuận 56 triệu đồng (số liệu tham khảo do Sở YT cung cấp: Phú Yên 23 triệu đồng, Bình Định 24 triệu đồng, Bình Dương 29,5 triệu đồng, Đà Nẵng 28,5 triệu đồng). Đối với BV tuyến huyện ở đồng bằng: Khánh Hòa 23 triệu đồng, BR-VT 35 triệu đồng, Long An 39 triệu đồng, Bình Thuận 56 triệu đồng (số liệu tham khảo do Sở YT cung cấp: Phú Yên 24 triệu đồng, Bình Định 22 triệu đồng, Bình Dương 36,4 triệu đồng, Đà Nẵng 27 triệu đồng. Đối với hệ dự phòng tuyến tỉnh: Khánh Hòa 28 triệu đồng/biên chế/năm, Long An 40 triệu đồng, BR-VT 50 triệu đồng, Bình Thuận 60 triệu đồng (số liệu tham khảo: Phú Yên 27,12 triệu đồng, Bình Định 26 triệu đồng, Đà Nẵng 28 triệu đồng).

Về chế độ đãi ngộ, THNT, thời gian qua, các tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách rất hấp dẫn; nổi bật là phụ cấp lương từ 30 - 100% tiền lương hàng tháng cho CBYT. Chế độ đãi ngộ cũng phong phú hơn về nội dung; số tiền hỗ trợ cũng cao hơn. Trong khi tại Khánh Hòa, việc thực hiện Nghị quyết 05/2008/NQ-HĐND về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và THNT còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí để thực hiện hầu như phải lấy từ kinh phí thường xuyên của đơn vị. Ngoài ra, các tỉnh còn có chế độ hỗ trợ 1 lần cho bác sĩ (BS) mới ra trường về công tác tại địa phương. Kinh phí đào tạo CBYT tại các tỉnh khoảng 5 tỷ đồng/năm; ngoài hỗ trợ học phí, sinh viên còn được trợ cấp tiền sinh hoạt hàng tháng. Trong khi tại Khánh Hòa, kinh phí cấp cho đào tạo chỉ 135 triệu đồng (năm 2008), 900 triệu đồng (2009) và 1,8 tỷ đồng (2010). Các chính sách khác như: sử dụng nguồn cải cách tiền lương (CCTL), hợp đồng theo Nghị định 68, các tỉnh cũng có sự thông thoáng hơn, như: sau khi đã sử dụng nguồn CCTL để tăng lương theo quy định của Nhà nước, số còn lại, các đơn vị được mượn để sử dụng, khi có nhu cầu tăng lương, các đơn vị tự cân đối trả lại; hợp đồng theo Nghị định 68 được giao và cấp kinh phí (ở Khánh Hòa, các đơn vị chưa được cấp khoản này).

Từ thực tế trên, Sở YT kiến nghị tỉnh tăng định mức kinh phí cho các đơn vị trong ngành theo từng năm có bù trượt giá để giúp các đơn vị có điều kiện hoàn thành tốt công tác. Sở cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho CBYT, hỗ trợ 1 lần cho BS, dược sĩ (DS) về địa phương công tác. Theo đó, BS, DS được hỗ trợ 10 triệu đồng/người nếu nhận công tác tại đồng bằng, 15 triệu đồng/người nếu nhận công tác ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; thạc sĩ, BS nội trú được hỗ trợ 17 triệu đồng/người; BS, DS chuyên khoa 1 hỗ trợ 14 triệu đồng/người; BS, DS chuyên khoa 2 hỗ trợ 22 triệu đồng/người; hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập cho các sinh viên đang học BS, DS; hỗ trợ tiền thuê nhà cho CBYT 700.000 đồng/người/tháng cho đến khi có nhà công vụ. Bên cạnh đó, tăng kinh phí đào tạo cho ngành YT lên 5 tỷ đồng/năm; cho phép các đơn vị sử dụng nguồn CCTL còn lại sau khi đã bù lương tăng thêm tại đơn vị; cấp kinh phí cho các đối tượng hợp đồng theo Nghị định 68 thuộc các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập.

° Sẽ trình UBND tỉnh xem xét bổ sung cho ngành khoảng 10 tỷ đồng trong năm 2010

Theo bà Võ Thị Tuyết Na - Giám đốc Sở Tài chính, ĐMPBNS cho lĩnh vực YT phụ thuộc vào định mức phân bổ của Trung ương, đồng thời dựa trên tổng quỹ tiền lương của ngành tại thời điểm tính định mức phân bổ, kết hợp với số thu viện phí để lại cho ngành và công tác XHHYT. Vì vậy, việc Sở YT sử dụng ĐMPBNS năm 2010 (theo mức lương 650.000 đồng) của các địa phương để so với ĐMPBNS năm 2007 của Khánh Hòa (mức lương 350.000 đồng) để kết luận “hầu hết ĐMPBNS của các tỉnh đều cao hơn Khánh Hòa” là chưa có cơ sở vững chắc vì: tổng quỹ tiền lương của các địa phương khác nhau; số thu viện phí để lại cho ngành khác nhau; mức độ XHHYT cũng khác nhau.

Theo bà Na, nếu tính ĐMPBNS cho sự nghiệp YT ở Khánh Hòa năm 2010 theo mức lương tối thiểu 650.000 đồng, thì 1 giường bệnh ở Khánh Hòa được cấp 42 triệu đồng/năm (đối với BVĐK tuyến tỉnh), ngang với Long An, BR-VT và chỉ thấp hơn Bình Thuận. Tuy nhiên, TS. Trương Tấn Minh cho rằng, kinh phí dành cho việc tăng lương từ 350.000 đồng lên 650.000 đồng phần lớn cũng lấy từ nguồn phát triển quỹ lương của các đơn vị trích để lại. Trong năm 2010, kinh phí để thực hiện CCTL cho cán bộ, nhân viên ngành YT là hơn 24,5 tỷ đồng. Nếu số tiền này chỉ dành riêng cho hệ điều trị hiện nay với 2.592 giường bệnh thì mỗi giường cũng chỉ tăng thêm 9,5 triệu đồng, BVĐK tỉnh được 34,5 triệu đồng/giường bệnh/năm. Số tiền được tính tăng thêm này cũng là tiền trong quỹ tăng lương của các BV chứ không phải tiền ngân sách cấp bổ sung, và kinh phí này cũng chỉ đủ trả lương cho CBYT, còn các chi phí hoạt động khác trong BV vẫn phụ thuộc vào nguồn thu viện phí, trong khi tiền thu viện phí (theo giá Nhà nước quy định tại NĐ 95) rất thấp; sau khi trừ tiền thuốc, máu, hóa chất, vật tư tiêu hao, BV còn phải trích 35% để dành cho quỹ phát triển tăng lương của đơn vị, vì vậy BV không còn đủ kinh phí để hỗ trợ cho CBYT, đặc biệt là các BS, DS trẻ mới ra trường đang công tác tại BV. Thực tế này đã gây khó khăn cho việc thu hút và giữ BS ở lại công tác lâu dài tại địa phương.

Khó khăn của ngành YT đã rõ, nhưng theo bà Na, từ năm 2007 đến nay, ngân sách tỉnh luôn trong tình trạng mất cân đối quá lớn. Năm 2009 có tăng thu, sau khi dành 50% thực hiện CCTL, 50% còn lại chưa đủ bù đắp các khoản chi tạm ứng của các năm 2007, 2008, 2009 chuyển sang, vì vậy khi xây dựng dự toán năm 2010, ngân sách phải cắt giảm các khoản chi mua sắm, sửa chữa mà các địa phương, đơn vị đề nghị (khoảng hơn 20 tỷ đồng) và một số nhiệm vụ chi chưa bố trí đủ kinh phí theo nhu cầu (khoảng 64,9 tỷ đồng). Cụ thể: Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo thiếu 30% (12,3 tỷ đồng), Quỹ Khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi thiếu 30% (7,5 tỷ đồng), mua bảo hiểm YT cho hộ cận nghèo thiếu 50% (8 tỷ đồng), chi bảo hiểm YT tăng 1% thiếu 50% (4 tỷ đồng), chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp thiếu 50% (4 tỷ đồng), trợ giá xe buýt (8 tỷ đồng), kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính (21,1 tỷ đồng). Bà Na cũng cho biết, riêng ngành YT, dự kiến 6 tháng cuối năm, Sở Tài chính sẽ trình UBND tỉnh xem xét bổ sung cho ngành khoảng 10 tỷ đồng, tương ứng 4 triệu đồng/giường bệnh từ nguồn dự kiến tăng thu năm 2010.

Trả lời câu hỏi “Tại sao Khánh Hòa là tỉnh có số thu ngân sách lớn trong khu vực nhưng những năm qua, ngân sách tỉnh luôn mất cân đối, thu không đủ chi, hoạt động gì cũng khó khăn về kinh phí”, bà Na cho biết, tuy Khánh Hòa có số thu ngân sách lớn nhưng tốc độ tăng thu nội địa chậm hơn thu xuất nhập khẩu, trong khi nguồn ngân sách địa phương lại phụ thuộc vào thu nội địa. Theo bà Na, do năm 2007, Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách cho tỉnh quá cao (hơn 4.100 tỷ đồng), tỉnh thực hiện không đạt nên phải “treo nợ” (206 tỷ đồng), sau đó được Trung ương giảm 60% còn 82 tỷ đồng. Số nợ này phải trừ vào những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, các chương trình kích cầu theo Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh cũng chiếm kinh phí khá lớn (như công tác chăm sóc người nghèo: chuẩn nghèo của tỉnh luôn cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương, vì thế số người nghèo của tỉnh nhiều hơn, phải dành nhiều tiền hơn để chi bảo hiểm YT, chuyển nguồn sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo vay để thoát nghèo), những nguồn thu vượt đều bổ sung vào các chương trình này nên không còn kinh phí bổ sung cho YT. Tại các BV, tình trạng quá tải cũng là gánh nặng cho ngân sách. Đơn cử như BVĐK tỉnh, theo kế hoạch, BV có 750 giường, ngân sách chỉ cấp kinh phí cho từng ấy giường, nhưng do BV luôn quá tải nên số giường thực tế của BV thường là 900 - 1.000 giường. Số giường dôi ra này chưa được cấp kinh phí trong khi bệnh nhân đến, BV vẫn phải điều trị, vì thế BV luôn gặp khó khăn. Bà Na cho rằng, ngân sách tỉnh cần xem xét cấp bù khoản này nhằm giảm bớt khó khăn cho BV.

Theo bà Na, so với các tỉnh, ĐMPBNS của tỉnh cho sự nghiệp YT tuy thấp nhưng không phải là quá thấp. Trong bối cảnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh công tác XHH để huy động thêm nhiều nguồn lực cho sự nghiệp YT, nếu chỉ trông chờ nguồn ngân sách cấp phát thì rất khó cải thiện cho ngành. Khi ngân sách của tỉnh có hạn thì không chỉ ngành YT, mà nhiều lĩnh vực khác như Giáo dục, Hành chính… cũng gặp khó khăn.

NGỌC KHÁNH