06:05, 02/05/2010

Hướng đi tích cực trong dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Với mục tiêu bình quân mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập...

Với mục tiêu bình quân mỗi năm sẽ đào tạo nghề (ĐTN) cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn (LĐNT), tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, Đề án ĐTN cho LĐNT đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956) sẽ mang lại những triển vọng mới cho LĐNT cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng.

Đề án 1956 sẽ mang lại thay đổi tích cực cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Dạy nghề may ở Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956 ngày 27-11-2009, phê duyệt Đề án "ĐTN cho LĐNT đến năm 2020". Khánh Hòa là một trong số ít các địa phương được chọn thí điểm thực hiện đề án này. Theo tính toán, để chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo hướng lao động dịch vụ - du lịch 40%; công nghiệp - xây dựng 31%; nông - lâm - thủy sản 29%, số lao động cần phải chuyển khỏi khu vực nông nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2020 sẽ là 147.440 người, nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN đến cuối năm 2020 là 60%. Trước mắt, giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh sẽ phải chuyển đổi khoảng 68.635 lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp. Trong đó, dự báo khoảng 18.870 người có nhu cầu ĐTN. Để thực hiện Đề án 1956, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh như: Diên Khánh, Cam Ranh, Cam Lâm, Vạn Ninh và nâng cấp các trung tâm dạy nghề tại địa phương nhằm đảm bảo thực hiện dạy nghề theo 3 cấp trình độ. Song song với đó, các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các biện pháp giảm nghèo của địa phương, nhất là dạy nghề cho người nghèo có nhu cầu học nghề.

Mới đây, đoàn công tác của Tổng cục Dạy nghề (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB-XH) do đồng chí Nghiêm Trọng Quý - Phó Tổng cục trưởng dẫn đầu, đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành để bàn biện pháp triển khai những nội dung của Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các đại biểu đều nhất trí Đề án 1956 thực sự là một hướng đi tích cực trong dạy nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều LĐNT chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình đô thị hóa. Đây là một đề án lớn về quy mô (kinh phí thực hiện 26.000 tỷ đồng), dài về thời gian thực hiện và là một "cú hích" trong nâng cao chất lượng lao động, tay nghề kỹ thuật và giải quyết việc làm cho LĐNT. Các đại biểu cũng đã trình bày những khó khăn trong việc dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nếu không giải quyết rốt ráo sẽ là trở ngại không nhỏ trong việc triển khai đề án.

Ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Việc Khánh Hòa được chọn là tỉnh thí điểm triển khai thực hiện Đề án 1956 là vinh dự đặc biệt. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực tế, đó là: Đầu vào các trường dạy nghề còn thấp; cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề xuống cấp; đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu, nhất là trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng thêm những cơ sở dạy nghề mới". Từ thực tế của một cơ sở dạy nghề, ông Trần Tịnh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh nêu ý kiến: "Có nhiều LĐNT sau khi học nghề đã tìm được việc làm nhưng chỉ làm một thời gian ngắn lại bỏ việc. Vậy, việc làm đối với những người này phải được hiểu như thế nào? Thời gian qua, việc dạy nghề cho LĐNT thường xuyên phải tổ chức các lớp học ở cơ sở, nhưng theo yêu cầu, tất cả các biểu mẫu, sổ sách, giấy tờ đều phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ LĐ-TB-XH, nếu sai sót sẽ không thể quyết toán. Đây thực sự là một khó khăn đối với các lớp học như thế này…". Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ: "Vấn đề huy động người đi học thực sự gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống do điều kiện đi lại khó khăn, thu nhập hàng ngày của người dân thấp; thói quen ỷ lại; tâm lý lo ngại sau khi đi học không tìm được việc làm…". Còn ông Nguyễn Văn - Trưởng phòng Đào tạo - Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH) băn khoăn: "Việc dạy nghề cho LĐNT yêu cầu cần giáo viên đủ tiêu chuẩn là rất khó. Hiện nay, cán bộ làm công tác chuyên trách mảng dạy nghề ở huyện, xã chưa có". Chia sẻ với các đại biểu một số kinh nghiệm của các địa phương làm thí điểm khác đã triển khai đề án này, đồng chí Nghiêm Trọng Quý nêu rõ: "Đề án 1956 huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị trên tinh thần học nghề là quyền và nghĩa vụ của người lao động; ĐTN theo hướng chất lượng. Với trách nhiệm của một tỉnh thí điểm, Khánh Hòa cần tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT; nhu cầu sử dụng LĐNT của các doanh nghiệp; năng lực ĐTN của các cơ sở dạy nghề, qua đó, chọn huyện điểm, xã điểm, mô hình điểm để triển khai Đề án".

Với những nội dung được quy định cụ thể, chi tiết, đồng bộ, Đề án 1956 được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ vào công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng LĐNT trong cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng.

NHÂN TÂM