Nằm trong chiến lược phát triển huyện đảo Trường Sa, trong tương lai, đảo Đá Tây sẽ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ngay trên biển Đông của nước ta. Khi đó, các sản phẩm thủy sản từ đây sẽ được xuất khẩu đi các nước mà không phải đưa vào đất liền.
Nằm trong chiến lược phát triển huyện đảo Trường Sa, trong tương lai, đảo Đá Tây sẽ trở thành trung tâm (TT) dịch vụ hậu cần nghề cá (DVHCNC) ngay trên biển Đông của nước ta. Khi đó, các sản phẩm thủy sản từ đây sẽ được xuất khẩu đi các nước mà không phải đưa vào đất liền.
Trong chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa) dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 - 2010, chúng tôi đã tới đảo Đá Tây. Là đảo chìm nằm trong quần đảo Trường Sa, đảo Đá Tây có diện tích khá lớn (dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý), cách TP. Nha Trang khoảng 250 hải lý. Do được bao bọc bởi các bãi đá ngầm và san hô nên tạo thành một lòng hồ giữa đảo, độ sâu khá tốt. Với địa thế này, từ nhiều năm qua, ngư dân khu vực Nam Trung bộ đi đánh cá ở quần đảo Trường Sa mỗi khi gặp sóng to, gió lớn đều tìm tới đây trú ngụ.
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây |
Để chủ động nguồn rau xanh phục vụ một phần nhu cầu của quân, dân nơi đây, khu dịch vụ còn đầu tư xây dựng nhà trồng rau, các điểm chăm sóc y tế cơ bản để có thể sơ cứu hoặc điều trị cho những ngư dân gặp nạn. Đặc biệt, huyện đảo Trường Sa cũng rất chú trọng bảo vệ môi trường biển, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho khu hậu cần. Ông Lê Văn Lâm - Trạm trưởng khu DVHCNC đảo Đá Tây cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Tại đây, tàu bè của ngư dân được cung cấp nước ngọt miễn phí, các loại nhiên liệu như dầu máy được bán cho ngư dân bằng với giá trên đất liền…, giúp ngư dân tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tăng thời gian bám biển, tận dụng được thời điểm thuận lợi của ngư trường để khai thác, tăng lợi nhuận cho ngư dân.
Những năm qua, đảo Đá Tây cũng từng bước đẩy mạnh nuôi trồng hải sản. Mới đây, được sự giúp đỡ của Bộ NN-PTNT, dự án thí điểm nuôi cá lồng theo công nghệ “đánh chìm” đã thu được thành công bước đầu. Sau gần 9 tháng nuôi tại đảo, giống cá hồng đen đạt gần 1kg/con, cá chim trắng đạt 0,5kg/con… Kết quả này đã mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi cá biển trên quần đảo Trường Sa. Cũng theo ông Lê Văn Lâm, những năm qua, ngành Thủy sản đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu nhằm khảo sát và phát triển nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao; qua đó xác định được, tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa có 18 họ hải sản với 32 giống và 37 loài, trong đó có các họ cá có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá thu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nghề nuôi cá biển ở đảo Đá Tây nói riêng và huyện đảo Trường Sa nói chung có nhiều tiềm năng. Kết quả khả quan trên sẽ là cơ sở để ngành Thủy sản nghiên cứu, đánh giá và phát triển các dự án không chỉ trên khu vực đảo Đá Tây. Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch UBND huyện đảo, tuy khu DVHCNC ở đảo Đá Tây còn có những khó khăn nhất định, nhưng trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một điểm DVHCNC và xuất khẩu thủy sản ngay trên biển Đông. Sau này, cá đánh bắt được hay cá nuôi đặc sản sẽ được xuất khẩu trực tiếp từ đảo chứ không phải mang về đất liền như hiện nay.
THÀNH LONG