03:04, 02/04/2010

Những thay đổi đáng tự hào

 35 năm trước, ngành Y tế Khánh Hòa hoạt động trong điều kiện thiếu thốn trăm bề do phải đối phó với những khó khăn vì dịch bệnh sau chiến tranh. Với quyết tâm vượt khó, với nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, ngành đã từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu trở thành một trong những đơn vị có nhiều thành tích của ngành Y tế Việt Nam, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nhân dân.

35 năm trước, ngành Y tế Khánh Hòa hoạt động trong điều kiện thiếu thốn trăm bề do phải đối phó với những khó khăn vì dịch bệnh sau chiến tranh. Với quyết tâm vượt khó, với nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, ngành đã từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu trở thành một trong những đơn vị có nhiều thành tích của ngành Y tế Việt Nam, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nhân dân.

Khó khăn ban đầu

Ngày Khánh Hòa vừa giải phóng, toàn tỉnh có 6 huyện, thị (106 xã, phường, thị trấn) với số dân khoảng hơn 640 nghìn người. Gánh trên vai trách nhiệm CSSK cho người dân sau chiến tranh, thời gian đầu, ngành Y tế đã gặp không ít khó khăn: cả tỉnh chỉ có 3 cơ sở y tế tuyến tỉnh (490 giường bệnh) với thiết bị y tế nghèo nàn; tuyến huyện chỉ có những phòng khám ọp ẹp với 190 giường bệnh, trang thiết bị lạc hậu, một số bệnh viện (BV) vốn trước đây là cơ sở dã chiến phục vụ chiến tranh; tuyến xã chỉ có 51/106 xã có trạm y tế (TYT) với 103 giường bệnh. Nhưng khó khăn nhất là nguồn nhân lực, toàn tỉnh không có bác sĩ (BS) có trình độ trên đại học, chỉ có 54 BS trở về từ chiến khu, hay được miền Bắc chi viện, một số là sinh viên vừa tốt nghiệp, số còn lại là BS của chế độ cũ. Trong khi đó, nhu cầu CSSK của người dân lại khá cao do dân số phát triển mạnh, tỷ lệ phát triển dân số lúc bấy giờ hơn 3,3%, tỷ suất sinh thô là 40,7‰, tỷ suất tử tới 7,6‰…

Triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

BS Trương Tấn Minh, Giám đốc Sở Y tế nhớ lại: “Sau ngày giải phóng, hậu quả về môi trường sau cuộc chiến thật nặng nề, dịch tả, dịch hạch, sốt rét, sốt xuất huyết, sốt bại liệt… hoành hành khắp nơi; trong khi đó mạng lưới y tế cơ sở có những khoảng trống rất lớn, các BV xuống cấp trầm trọng, thuốc men, trang thiết bị thiếu thốn trăm bề”. Điều đáng sợ nhất là bệnh sốt rét - sốt rét ác tính hoành hành, trở thành nỗi ám ảnh của người dân vùng núi, vùng kinh tế mới. Năm 1975, toàn tỉnh có hơn 15 nghìn người mắc sốt rét, hơn 1 nghìn người mắc sốt rét ác tính, trong đó có 247 người chết. Chỉ có 32% trẻ em trong tỉnh được tiêm chủng; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiếm 72%…

… Những đổi thay hôm nay

Tuy khó khăn như vậy, nhưng với sự quan tâm sâu sát của chính quyền tỉnh, và việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các dự án, ngành Y tế tỉnh đã từng bước khắc phục những khó khăn, đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo và thu hút thêm nguồn nhân lực và nâng cao trình độ chuyên môn. Vì thế đến năm 2000, phần lớn khó khăn được giải quyết, tuyến tỉnh đã tăng lên 6 BV. ngoài BV Đa khoa, tỉnh còn đầu tư cho các BV chuyên khoa Lao, Tâm thần, Da liễu, Phục hồi chức năng… Nguồn nhân lực cũng phát triển đáng kể, từ 370 người đã tăng lên 1.383 người tỷ lệ BS/10 nghìn dân từ 1,19 năm 1975 đã tăng lên 3,94 vào năm 2000. Do đó, số lượt người được khám chữa bệnh cũng tăng lên đáng kể, số người điều trị sốt rét giảm, chỉ còn 75 người mắc sốt rét ác tính vào năm 2000, một số dịch bệnh khác đã giảm đáng kể hoặc đã được loại trừ.

Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh được xây mới và đi vào hoạt động năm 2009.

Đến nay, Khánh Hòa có 9 huyện, thị, thành phố với 140 xã, phường, thị trấn có TYT, đảm bảo hoàn thành tốt công tác y tế công cộng, CSSK ban đầu cho nhân dân trong tỉnh. Năm 2009, tỷ lệ phát triển dân số chỉ còn 1,04%; toàn tỉnh chỉ có 6 trường hợp mắc sốt rét ác tính và 1 người chết; hơn 97% trẻ em đã được tiêm chủng; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống còn 15,84%. Các cơ sở y tế có từ năm 1975 đến nay đã được phá dỡ và xây mới hoàn toàn từ tuyến xã, huyện đến tuyến tỉnh. Bên cạnh BV Đa khoa tỉnh với quy mô 750 giường, các BV chuyên khoa khác như: BV Da liễu, BV Lao và bệnh phổi, BV Tâm thần, BV Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và các BV tuyến huyện… đã và đang dần dần được nâng cấp và phát triển. Đội ngũ nhân lực cũng có những bước phát triển mạnh mẽ: tỷ lệ BS đạt 5,55/10 nghìn dân; hơn 330 BS có trình độ trên đại học; Trường Cao đẳng Y tế hàng năm đào tạo hàng nghìn sinh viên, đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành và trong tương lai sẽ trở thành Đại học Y dược Khánh Hòa.

Riêng BV Đa khoa tỉnh đã trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, phối hợp với các BV tuyến Trung ương, các BV lớn ở TP. Hồ Chí Minh, cũng như đưa BS tu nghiệp ở nước ngoài trở về triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên môn cao như: thay khớp háng, khớp gối toàn phần; thẩm phân phúc mạc; phẫu thuật nội soi, cột sống, ung thư; tim mạch can thiệp, chụp MRI… giải quyết một khối lượng lớn bệnh nhân mà trước đây phải chuyển vào điều trị ở TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống y tế xã/phường cũng đang dần hoàn chỉnh theo chuẩn y tế quốc gia. Cuối năm 2009, toàn tỉnh đã xây mới và đưa vào sử dụng 70 TYT xã/phường theo chuẩn quốc gia y tế xã bằng nguồn vốn Tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ, xây dựng 12/14 TYT bằng nguồn vốn đối ứng của tỉnh và đã đưa vào sử dụng 5/14 TYT; thực hiện dự án đầu tư 32 TYT bằng nguồn vốn xổ số kiến thiết mà UBND tỉnh đã phê duyệt ngày 3-9-2009… phấn đấu đến cuối năm 2010, 100% xã/phường có TYT, 100% đạt chuẩn quốc gia y tế xã…

Tuy nhiên, theo BS Trương Tấn Minh, khó khăn lớn nhất của ngành hiện nay vẫn là bài toán về nhân lực. Sự quá tải của các BV tuyến tỉnh, thành lập các BV mới, BV tư trong thời gian tới… sẽ cần rất nhiều nhân lực, trong khi đó công tác đào tạo cán bộ chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chính sách thu hút nhân lực của tỉnh không cạnh tranh lại với các tỉnh khác, lương cán bộ thấp… đã khiến cho việc thu hút nhân lực đi vào vòng luẩn quẩn và chưa có bước đột phá. Vì thế, thời gian tới, ngành Y tế sẽ ưu tiên vấn đề đào tạo nhân lực theo hướng: Đào tạo theo địa chỉ, đào tạo lại về quản lý và chuyên môn để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; phối hợp với Trường Đại học Y dược Huế mở phân hiệu Đại học Y dược Huế tại Khánh Hòa… Làm được như vậy mới hy vọng tìm ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu CSSK nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. 

MINH THIẾT