03:04, 09/04/2010

Cần có định hướng thị trường cụ thể

Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp không chỉ quan tâm tới sản xuất mà còn phải có chiến lược đầu tư xây dựng kênh phân phối hàng hóa hợp lý và chuyên nghiệp.

Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp (DN) không chỉ quan tâm tới sản xuất mà còn phải có chiến lược đầu tư xây dựng kênh phân phối hàng hóa hợp lý và chuyên nghiệp. Muốn vậy, trước hết, các DN cần nắm bắt đúng nhu cầu, thị hiếu của thị trường mà mình hướng tới.

. Loại hình phân phối hiện đại phát triển

Thời gian qua, doanh thu thương mại và dịch vụ tại Khánh Hòa tăng trưởng đáng kể. Quý I/2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt hơn 7,4 ngàn tỷ đồng, tăng 33,65% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 28,5% kế hoạch năm. Là trung tâm bán lẻ lớn và hiện đại nhất tỉnh, Trung tâm thương mại (TTTM) Maximark Nha Trang (60 Thái Nguyên, Nha Trang) thu hút hàng chục ngàn lượt khách tới mua sắm mỗi ngày. Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, TTTM Maximark đã nhanh chóng trở thành một điểm phân phối quan trọng trong mạng lưới bán lẻ của tỉnh và tham gia bình ổn thị trường. Hàng hóa ở đây phong phú về thương hiệu, chủng loại, mẫu mã, lại có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn; trong đó, hàng Việt chiếm gần 90%.

 Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng thích mua hàng tại siêu thị
Một số DN trong tỉnh cũng đã có những thay đổi phù hợp trong việc phát triển mạng lưới phân phối, cải thiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng (NTD). Chẳng hạn, để đưa sản phẩm thời trang nam cao cấp đến với NTD, Khatoco đã chọn điểm phân phối trên đường Lý Thánh Tôn, TTTM Maximark... Dòng sản phẩm này có nhiều cải tiến về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu và được chú trọng cả về cách  trưng bày, bố trí gian hàng. Sắp tới, Khatoco tiếp tục phát triển dòng thời trang cao cấp dành cho phụ nữ và trẻ em. Một số DN mạnh trong tỉnh như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Nước khoáng Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang… cũng tích cực tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, được NTD đánh giá cao, với hệ thống phân phối rộng khắp tại các siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn trong tỉnh và vươn ra nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

. Còn nhiều bất ổn, rủi ro

Nhìn chung, mạng lưới phân phối hàng hóa tại Khánh Hòa còn khá manh mún. Số lượng còn ít, quy mô nhỏ lẻ. Các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng chuyên biệt và các sạp bán lẻ tại chợ vẫn chiếm số lượng lớn về doanh số bán lẻ, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi. Chợ là mô hình phân phối bán lẻ truyền thống, nhưng phần lớn chợ hình thành và phát triển mang tính tự phát, phân bố chợ giữa các khu vực lại chưa đồng đều, chưa kể tình trạng “chợ cóc”, chợ tạm mọc tràn lan, quy mô, cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh… tại nhiều chợ chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Phân tích về những bất cập trong phân phối hàng hóa của các DN, đại diện Sở Công thương cho biết: Ngoại trừ một số DN có uy tín lâu năm trên thị trường, phần lớn DN tại Khánh Hòa có quy mô vừa và nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao, hàng sản xuất chưa phong phú, còn nhiều yếu kém trong phân phối. Với các hoạt động xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức, chỉ một số DN lớn có nhận thức đầy đủ và nắm bắt thời cơ để xây dựng kênh phân phối cho sản phẩm của mình. Còn nhiều DN nhỏ vẫn “an phận” kinh doanh theo kiểu “cha truyền con nối”, thiếu thông tin, thiếu am hiểu về thị trường chung khiến khả năng cạnh tranh kém và bị lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt khi thương trường luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Ngoài ra, khi có biến động giá cả, người bán lẻ luôn ở thế bị động, còn nhà phân phối và tổng đại lý (vốn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu sản phẩm) vẫn thu lợi bởi họ có quyền lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm cho mình. Bên cạnh đó, thị trường nông thôn vẫn chưa có sức hút lớn với DN, vị trí hàng Việt Nam còn khá khiêm tốn so với hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng tràn về nhiều.

. Phối hợp truyền thống và hiện đại

Được biết, theo lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ của Chính phủ, từ đầu năm nay, có thêm nhiều DN 100% vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Lựa chọn kênh phân phối hàng hóa hiện đại thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng chuyên biệt là một xu hướng tất yếu của nền kinh tế nằm giúp các DN trong tỉnh nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN cũng cần tăng cường quản lý mạng lưới phân phối truyền thống tại các chợ, cửa hàng và hệ thống bán lẻ. Đối với thị trường nông thôn, DN cần tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân như hàng may mặc, đồ dùng gia đình… Thực tế, trong các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, sự tham gia của các DN trong tỉnh còn rất hạn chế. Có lẽ, khi thâm nhập thị trường nông thôn, các DN cần xây dựng một mạng lưới phân phối sản phẩm đến tay NTD với giá thành hợp lý và chất lượng tốt nhất. Muốn vậy, DN cần điều tra thị hiếu, nhu cầu của NTD nông thôn, có các chương trình quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm để hàng hóa của mình đến với NTD.

Được biết, thời gian tới, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm định hướng, hỗ trợ và tập hợp DN trong các hoạt động: nghiên cứu thị trường và nhu cầu của NTD, tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ với quy mô rộng, tạo điều kiện cho DN khẳng định chỗ đứng trên thị trường nội địa.    

S.D