07:04, 20/04/2010

Nghiên cứu, chế tạo tàu 2 thân vỏ composite

Từ đầu năm đến nay, Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy Đại học Nha Trang đã hạ thủy nhiều mẫu tàu mới. Theo ông Đinh Đức Tiến, Phó Giám đốc, sắp tới, Viện sẽ tập trung thực hiện dự án cấp Bộ “Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo tàu 2 thân (catamaran) vỏ composite phục vụ du lịch biển”.

Từ đầu năm đến nay, Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy (NCCTTT) Đại học Nha Trang đã hạ thủy nhiều mẫu tàu mới. Theo ông Đinh Đức Tiến, Phó Giám đốc, sắp tới, Viện sẽ tập trung thực hiện dự án cấp Bộ “Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo tàu 2 thân (catamaran) vỏ composite phục vụ du lịch biển”.

. Hạ thủy nhiều mẫu tàu mới

Tàu chở hàng lạnh Minh Phú trong giai đoạn hoàn thành chuẩn bị hạ thủy.
Mới đây, Viện NCCTTT hạ thủy tàu lặn Long Phú 16 theo đơn hàng của Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú. Tàu Long Phú 16 có chiều dài 13,5m, rộng 3,4m, cao 1,5m, sức chở 30 người. Với tốc độ 10 hải lý/giờ, Long Phú 16 mất 40 phút cho chuyến hành trình từ bến tàu Bảo Đại đến Hòn Mun. Tàu có thiết kế kết cấu đặc thù để lắp đặt các thiết bị chuyên dụng cho việc lặn biển đầy đủ và an toàn; sàn thao tác rộng, thuận tiện cho hướng dẫn viên hướng dẫn du khách thao tác lặn biển.

Trước đó, Viện NCCTTT đã hạ thủy tàu chở nước bằng vật liệu composite, với tên gọi Hậu Điển 01. Tàu được làm theo đơn đặt hàng của một công ty nuôi tôm giống ở Cà Ná (Bình Thuận). Vì nguồn nước nơi trại nuôi tôm giống của công ty này không đảm bảo điều kiện vệ sinh nên Công ty phải lấy nguồn nước sạch cách trại nuôi khoảng 7km. Theo đơn hàng, Viện đã chế tạo tàu chở nước Hậu Điển 01 với khoang làm két liền vỏ. Tàu gồm 3 khoang, chứa được 70m3. Giữa các khoang có van thông nhau, có thể điều khiển lượng nước theo yêu cầu. Tàu có trang bị hệ thống van thông biển để có thể lấy nước biển trực tiếp vào tàu. Khi mở van, nước biển tự động tràn vào. Khi mực nước biển và mực nước trong tàu ngang nhau, van sẽ tự đóng. Tàu còn trang bị hệ thống bơm công suất 40m3/giờ để chuyển nước từ tàu lên bờ. Hệ thống nhiên liệu có khả năng đảm bảo cho tàu hoạt động 60 giờ liên tục. Đảm bảo độ bóng và kín theo yêu cầu, chạy ổn định, Hậu Điển 01 vượt sự trông đợi của khách hàng khi có thể chạy được 5 - 6 chuyến/ngày, trong khi yêu cầu ban đầu của khách hàng chỉ khoảng 2 chuyến/ngày. Nước biển sạch chở từ các vùng biển cách bờ khoảng 7 đến 10 hải lý góp phần giải quyết tình trạng tôm giống nhiễm bệnh do nguồn nước ven bờ bị ô nhiễm. Hậu Điển 01 là chiếc tàu đầu tiên trong seri tàu cung ứng nước biển sạch cho các trại tôm gióng khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận.

Ngoài ra, Viện NCCTTT đã thử nghiệm hạ thủy thành công tàu 2 thân vỏ composite với sức chở 25 người. Con tàu này dài 8,5m, rộng 3,5m, cao 1,2m, chủ yếu để thử nghiệm kiểm tra các thông số kỹ thuật, chuẩn bị cho dự án cấp Bộ “Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo tàu 2 thân (catamaran) vỏ composite phục vụ du lịch biển”.

.  Tập trung cho tàu 2 thân vỏ composite

Theo ông Đinh Đức Tiến, Phó Giám đốc Viện NCCTTT, thời gian tới, Viện sẽ tập trung vào dự án chế tạo tàu 2 thân (catamaran) dài 17m, sức chở hơn 100 người. Dự án do ông làm chủ nhiệm.

Ở Việt Nam hiện nay, ngành du lịch biển dùng nhiều loại tàu cao tốc một thân, hoạt động với chi phí năng lượng khá cao, kém an toàn và thẩm mỹ. Tàu 2 thân sẽ khắc phục được các nhược điểm trên vì có sức cản thân tàu nhỏ, độ an toàn cao, ít lắc, mặt boong khai thác rộng và có chi phí sử dụng thấp nhất trong các loại tàu cao tốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ có tàu 2 thân vỏ hợp kim nhôm. Loại tàu này có tốc độ đạt tương đối cao nhưng vẫn còn nhược điểm là rất ồn và gặp sóng cấp 5 - 6 không chạy được vì bị sóng “vỗ bụng”. Vì vậy, khi thực hiện dự án cấp Bộ “Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo tàu hai thân (catamaran) vỏ composite phục vụ du lịch biển”, Viện NCCTTT phải khắc phục được những nhược điểm ấy.

Ông Đinh Đức Tiến cho biết: Khó khăn đầu tiên là phải khắc phục được hiện tượng giao thoa giữa sóng tạo ra từ hai thân tàu. Khi xảy ra hiện tượng này, ưu điểm về tốc độ của tàu hai thân so với tàu thông thường sẽ bị hạn chế. Khó khăn thứ hai là thi công kết cấu phức tạp nhất của tàu hai thân (kết cấu cầu nối), đảm bảo độ bền cơ học (chịu được tác động đồng thời của các tải trong uốn, xoắn và va đập). Giải pháp công nghệ chế tạo và tính toán hợp lý các kích thước là biện pháp khắc phục nhược điểm và khó khăn trên. Trong dự án này, ngoài công nghệ trát lớp bằng tay thông thường khi thi công vật liệu composite, dự án còn vận dụng công nghệ thi công tiên tiến trên thế giới hiện nay. Đó là công nghệ hút chân không để gia công những khu vực yêu cầu độ bền cao; công nghệ thi công kết cấu 3 lớp để thi công những khu vực yêu cầu giảm rung động; công nghệ thi công kết cấu composite cốt lưới thép để thi công những khu vực yêu cầu độ bền, độ dai và va đập cao. Hiện nay, Viện NCCTTT đã hoàn chỉnh bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật để Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá và phê duyệt. Việc thử nghiệm và hạ thủy tàu 2 thân vỏ composite với sức chở 25 người là tiền đề tốt để Viện hoàn thành dự án này.

Tại các nước có công nghệ đóng tàu phát triển, công nghệ chế tạo tàu thủy hai thân vỏ composite đã rất phát triển. Tuy nhiên ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào về thiết kế - chế tạo tàu hai thân vỏ composite được công bố. Với giá thành dự kiến chỉ bằng 60% sản phẩm nhập ngoại cùng loại, việc chế tạo thành công tàu hai thân bằng composite sẽ góp phần đa dạng các loại hình sản phẩm phục vụ du lịch biển.

TƯỜNG LINH