05:04, 01/04/2010

Nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh để phát triển

35 năm sau ngày giải phóng, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, sau 30 năm tái lập huyện, kinh tế Vạn Ninh đã có nhiều bước tiến đáng kể.

35 năm sau ngày giải phóng, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, sau 30 năm tái lập huyện, kinh tế Vạn Ninh đã có nhiều bước tiến đáng kể.

Khai thác và chế biến khoáng sản là một trong những thế mạnh của công nghiệp Vạn Ninh.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, UBND Cách mạng khu Trung Trung bộ ban hành quyết định hợp nhất 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh; huyện Vạn Ninh được hợp nhất với huyện Ninh Hòa thành huyện Khánh Ninh. Sau 4 năm hợp nhất, đến năm 1979, Chính phủ ban hành quyết định thành lập 2 huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa. Là địa phương chịu tàn phá nặng nề của chiến tranh; thiên tai, địch họa thường xuyên xảy ra, những ngày đầu tái lập huyện, Vạn Ninh đã gặp không ít khó khăn, thách thức trên con đường xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, với quyết tâm chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đã tập trung tiến hành công cuộc cải tạo, đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương.

Những năm qua, đặc biệt từ khi cả nước tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1986), kinh tế huyện có chuyển biến đáng kể, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tăng giá trị sản xuất. Năm 1989, toàn huyện xây dựng 20 hợp tác xã và 1 tập đoàn sản xuất, đưa hơn 90% nông dân đi vào làm ăn tập thể theo sự quản lý tập trung, kết hợp đầu tư kịp thời các chương trình kinh tế - xã hội ở nông thôn như: khai hoang phục hóa, phát triển thủy lợi nhỏ, cơ giới hóa nông nghiệp, kiên cố hóa kênh mương, đầu tư giống cây trồng…, góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp (bình quân tăng 3,85%/năm); tổng sản lượng lương thực tăng từ 14.167 tấn (năm 1979) lên 43.595 tấn (năm 2008). Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp tăng từ 5% (năm 1979) lên 33% (năm 2008). Kinh tế hải sản chuyển dịch theo hướng nuôi trồng các loại hải, đặc sản có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu sản phẩm hàng hóa, ngành nghề được chuyển đổi từ hình thức khai thác sang nuôi trồng là chính nhằm tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 7 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và hơn 4.000 hộ gia đình nuôi trồng hải sản như: ngọc trai, cá bốp, tôm sú, tôm hùm, ốc hương, hải sâm… tạo ra sự đa dạng về mặt hàng hải sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện cũng không ngừng tăng cao. Tốc độ tăng trưởng CN-TTCN bình quân đạt 10%/năm, trong đó chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến và khai thác như: chế biến gỗ, hạt điều, vật liệu xây dựng… Đặc biệt, từ khi Khu Kinh tế Vân Phong chính thức khởi động, huyện đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều dự án đầu tư xây dựng lớn đã và đang được triển khai như: Dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Khu Công nghiệp Vạn Thắng… tạo động lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của địa phương. Vì vậy, những năm qua, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện tăng bình quân 20%/ năm. Riêng năm 2008, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng gấp 400 lần so với năm 1979. Nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có quy mô lớn đang được chính quyền địa phương gấp rút triển khai như: Dự án điện nông thôn, hồ chứa nước Hoa Sơn, bê tông hóa đường giao thông nông thôn…

Cùng với tốc độ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa thể thao của huyện cũng được phát triển toàn diện. Hệ thống trường lớp được phát triển mạnh và kiên cố hóa. Mạng lưới y tế huyện, xã được tăng cường. Phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội càng ngày càng đi vào chiều sâu. Hệ thống chính trị xã hội địa phương ngày càng ổn định, tạo tiền đề cơ bản cho sự phát triển.

Có thể nói, 30 năm qua, nhất là trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Vạn Ninh đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của mình để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Đây là những lợi thế để Vạn Ninh tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

THIÊN BẢO