Tiếp tục hải trình, tàu HQ-936 đưa đoàn công tác tới thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn). Người từ đất liền ngỡ ngàng khi thấy quần đảo Trường Sa có những ngôi làng với mái ngói đỏ tươi, cư dân quần tụ.
Tiếp tục hải trình, tàu HQ-936 đưa đoàn công tác tới thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn). Người từ đất liền ngỡ ngàng khi thấy quần đảo Trường Sa có những ngôi làng với mái ngói đỏ tươi, cư dân quần tụ. Bên cạnh những ngôi nhà của cư dân còn có những cột thu - phát sóng điện thoại, trụ năng lượng sạch (pin mặt trời, quạt gió) “mọc” khắp đảo... Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho Trường Sa Lớn sau 35 năm giải phóng.
Cách đảo Trường Sa Lớn gần 3 hải lý, chỉ huy tàu thông báo đoàn công tác chuẩn bị cập đảo. Lúc này, các thành viên trong đoàn đều tập trung lên boong tàu để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thủ phủ huyện Trường Sa - vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tàu HQ-936 tiến gần đến cầu cảng, nhiều quân và dân trên đảo ra tận cầu cảng để đón đoàn. Sau ít phút tàu cập cảng, ông Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đã lên thăm đảo. Những nụ cười trìu mến và cả những cái bắt tay thật chặt giữa quân, dân trên đảo với các thành viên đoàn dường như không rời.
Hệ thống năng lượng sạch (pin mặt trời, quạt gió) “mọc” quanh đảo Trường Sa Lớn. |
Trung tá Trịnh Văn Long - Phó Chỉ huy trưởng Quân sự đảo Trường Sa Lớn cho biết, từ năm 2009, quân và dân trên các đảo đã được sử dụng nguồn năng lượng sạch cung cấp qua hệ thống phát điện từ nắng và gió Trường Sa. Hệ thống phát điện giúp quân và dân trên đảo “giải nhiệt” cơn khát từ bao đời. Có điện, người dân được sử dụng các thiết bị nghe nhìn như: đài, ti vi. Vì thế, những thông tin thời sự, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được quân và dân trên đảo thường xuyên cập nhật. Thị trấn Trường Sa nay đã “thay da đổi thịt” rõ rệt. Đảo Trường Sa Lớn hôm nay không những vững về kinh tế mà còn mạnh về quốc phòng.
Dọc về phía Nam thị trấn Trường Sa là khu dân cư khá bề thế, đông đúc. Những hộ dân ở đây sở hữu căn nhà rộng đến 200m2 khang trang với đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết như: điện thoại, ti vi, quạt điện... Tại đây, ông Võ Lâm Phi cùng các thành viên trong đoàn đã ân cần thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình trên đảo. Chị Nguyễn Thị Hạnh - một trong những cư dân đến từ huyện Cam Lâm cho biết, thời gian qua, cuộc sống của người dân trên đảo đã phát triển khá nhanh; đặc biệt hơn 1 năm nay, các gia đình trên đảo được sử dụng điện từ nguồn năng lượng sạch. Ngoài ra, các phương tiện như: điện thoại, ti vi… đều được trang bị nên người dân liên lạc và nắm bắt thông tin từ đất liền khá thuận tiện. Chị nói như khoe: “Cũng như các gia đình trên đảo, nhà tôi giờ chỉ còn thiếu chiếc tủ lạnh để bảo quản thức ăn nữa là đủ bộ”.
Với gia đình chị Bùi Thị Nhung, cuộc sống ở Trường Sa so với miền quê Cam Lâm rất tốt. Chị cho biết, sau ngày ra đảo để làm công tác “gieo chữ”, chị còn được giao trọng trách làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thị trấn Trường Sa. Theo chị, tại thị trấn Trường Sa, do có nguồn hải sản phong phú nên hầu hết các gia đình vẫn giữ nghề đi biển; nhờ đó có thu nhập ổn định, cuộc sống thêm sung túc.
Theo Trung tá Trịnh Văn Long, đối với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, khoảng cách hàng trăm hải lý với đất liền giờ đây dường như được rút ngắn. Trên đảo bây giờ đã có hệ thống thu - phát sóng điện thoại, giúp cán bộ, chiến sĩ thêm gần gũi hậu phương, gia đình. Đến Trường Sa Lớn hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự đổi thay từng ngày, từng giờ. Từ nơi xóm nhỏ, những tiếng chó sủa, gà gáy, hay những đàn gia súc, gia cầm... ngày càng sinh sôi nảy nở trên “quần đảo bão tố”. Ngoài ra, trên đảo, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày càng trồng nhiều hơn những cây xanh, rau xanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Trung tá Trịnh Văn Long nhấn mạnh, rồi đây, cư dân từ đất liền ra sinh sống, lập nghiệp trên đảo sẽ ngày một nhiều. Các xóm nhỏ sẽ ngày càng đông đúc và phát triển.
THÀNH LONG