03:04, 02/04/2010

Sống lại những ngày tháng Tư lịch sử

35 năm trôi qua, nhưng với những người đã từng tham gia giải phóng Khánh Hòa, tháng Tư năm 1975 là những ngày không thể nào quên. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Khánh Hòa, xin được lắng lại với ký ức của một số cựu chiến binh về những ngày hào hùng ấy…

35 năm trôi qua, nhưng với những người đã từng tham gia giải phóng Khánh Hòa, tháng Tư năm 1975 là những ngày không thể nào quên. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Khánh Hòa, xin được lắng lại với ký ức của một số cựu chiến binh về những ngày hào hùng ấy…

* Từ Phượng Hoàng đến Nha Trang

 Đại tá Nguyễn Quang Lâm

Chiều 1-4, chiến tuyến đèo Phượng Hoàng bị quân ta đập tan. Đại bộ phận các đơn vị dừng lại thu dọn chiến trường, giải quyết thương binh, tử sĩ. Riêng Trung đoàn 24 - đơn vị đang ở gần Lam Sơn - Dục Mỹ nhất, được lệnh tấn công căn cứ này của địch.

Lam Sơn là Trung tâm huấn luyện quân chủ lực; Dục Mỹ là trường đào tạo biệt động quân với quân số hàng nghìn người. Sau khi chiến tuyến Phượng Hoàng thất thủ, quân địch ở đây đã chạy hết về Ninh Hòa, Hòn Khói và Nha Trang. Sau vài loạt đạn pháo, bộ đội ta đã vào căn cứ địch như đi vào chỗ không người. Không một tiếng súng chống trả. Quang cảnh Lam Sơn - Dục Mỹ lúc đó thật hoang tàn. Nhà cửa trống vắng, bàn ghế ngả nghiêng, đường đi bừa bộn súng đạn, áo quần, mũ mão… của lính ngụy vội vứt lại để kịp tháo chạy. Sau khi vào Lam Sơn, Dục Mỹ, chỉ huy Sư đoàn giao cho Trung đoàn 66, Trung đoàn 25 và Trung đoàn 95 Mặt trận mới tăng cường ở lại chiếm giữ và tiếp tục giải quyết chiến trường đèo Phượng Hoàng; các đơn vị khác xốc lại đội hình, dưới sự dẫn đầu của Trung đoàn 24, tiến vào thị trấn (TT) Ninh Hòa. Bộ Chỉ huy tiền phương Sư đoàn gồm Sư đoàn trưởng Hồ Đệ, Chính Ủy Lã Ngọc Châu, Tham mưu trưởng Vũ Đình Thước trực tiếp đi theo Trung đoàn 24. Ban Chỉ huy Trung đoàn 24 từ chiến tuyến Phượng Hoàng đã chia làm 2: Trung đoàn trưởng Vũ Tài và Phó Chính uỷ Nguyễn Quang Lâm đi theo mũi chủ công; Chính Ủy Hòa và Trung đoàn phó Việt chỉ huy một cánh khác. Đến cầu Suối Cát, cách TT Ninh Hòa khoảng 3 - 4km, tuy lực lượng địa phương cho biết địch đã bỏ chạy, nhưng do có tin địch đang lập phòng tuyến trong TT để cố thủ, nên đơn vị tạm dừng để trinh sát nắm tình hình.

Đêm 1-4, TT Ninh Hòa mất điện. Đường vắng tanh, nhà cửa đóng kín. Các trinh sát nhận định: Có thể địch xua dân đi sơ tán để rảnh tay “sống chết” với ta. Nhưng càng đi sâu xem xét, càng chẳng thấy gì. Bộ đội trinh sát quyết định hỏi dân thì được biết địch đã bỏ chạy từ sáng. Cùng trong đêm 1-4, Huyện ủy Ninh Hòa bắt liên lạc được với chỉ huy Sư đoàn thông báo tình hình nhiều nơi, nhân dân địa phương đã nổi dậy giành chính quyền. Huyện còn vận đôïng bà con quyên góp lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội. Trước tình hình đó, chỉ huy Sư đoàn quyết định: 5 giờ sáng 2-4 tấn công vào TT Ninh Hòa.

Mờ sáng 2-4, sau loạt đạn tín hiệu, đại bộ phận Trung đoàn 24, đi đầu là xe tăng hùng dũøng, theo sau là bộ binh rồi xe chở bộ đội, xe kéo pháo theo Quốc lộ 21 cùng bộ đội từ một số hướng khác, vận động qua cánh đồng, làng mạc, tiến vào Ninh Hòa và thọc sâu xuống Quốc lộ 1. 12 giờ ngày 2-4, Ninh Hòa hoàn toàn giải phóng. Trung đoàn 24 và môït số đơn vị khác của Sư đoàn 10 được lệnh thầøn tốc tiến vào Nha Trang. Trước giờ hành quân, Bộ chỉ huy tiền phương Sư đoàn quán triệt: Địch đã tan rã nên trên đường hành quân, các đơn vị chỉ được phép tiêu diệt những vị trí địch ngoan cố chống trả, không được bắn bừa bãi. Sư đoàn giao nhiệm vụ: Trung đoàn 24 tăng cường Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 28, 1 đại đội xe tăng 4 chiếc và pháo cao xạ vào Nha Trang. 14 giờ ngày 2-4, với sự chỉ đường của cán bộ ta từ Nha Trang ra đón, Trung đoàn vượt qua đèo Rù Rì, vào đến chân núi Sạn (nay là khu vực chợ Vĩnh Hải) rồi dừng lại chờ công binh khắc phục sự cố cầu Xóm Bóng bị địch ném bom đêm 29-3. Trong lúc đó, các đơn vị còn lại của Trung đoàn 24 và Trung đoàn 25, 28 theo Cải lộ tuyến Quốc lộ 1 tiến về Diên Khánh và Cam Lâm, Cam Ranh.

Sau khi khắc phục xong cầu Xóm Bóng, hướng đơn vị vào Nha Trang lại hành quân tiếp. Trên Quốc lộ 1 lúc này, nhân dân đứng 2 bên đường đông nghịt, vẫy cờ hoa chào mừng bộ đội. 17 giờ, đơn vị đầu tiên cùng xe tăng do Thiếu tá Đặng Văn Vy, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 273 chỉ huy đến trạm thông tin ngã tư Quốc lộ 1 và đường Trần Quý Cáp. Dừng lại ở đây không lâu, đơn vị lại nhận lệnh hành quân. Tiểu đoàn 1 và 2 gia nhập đội hình của Sư đoàn vào giải phóng Cam Ranh. Tiểu đoàn 5, 6 ở lại tiếp quản Dinh Tỉnh trưởng (trụ sở UBND tỉnh hiện nay), Sở chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy (khu vực Quảng trường 2-4 hiện nay), khu Kho 100 (đối diện công viên Phù Đổng hiện nay). Lúc này, các mục tiêu trên địa bàn thị xã, ta đều đã làm chủ. Ngày 3, 4, 5-4-1975, Tiểu đoàn 1, 2, 4 vào giải phóng Cam Ranh được lệnh quay lại Nha Trang. Từ ngày 3 đến 6-4-1975, các đơn vị của Trung đoàn 24 cùng Đảng bộ và nhân dân thành lập và củng cố chính quyền địa phương ở thị xã Nha Trang.

Ngày 7-4-1975, Sư đoàn 10 nhận lệnh rời Khánh Hòa vào Nam chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trung đoàn 24, 28 theo đường 450 lên Đà Lạt; Trung đoàn 66, 25 và 95 theo Quốc lộ 21 quay lại Buôn Ma Thuột, dọc đường 14, 13 thần tốc vào hợp điểm tại hướng Đông Bắc Sài Gòn.

NGUYỄN XUÂN (Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 10 tại Nha Trang)

* Cam Ranh: Địch kháng cự yếu ớt

Ông Đỗ Đức Bôn 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Khánh Hòa sẽ tạo “bàn đạp” chi viện để giải phóng Phan Rang. Tại mặt trận Khánh Hòa, khí thế quân ta càng thêm phấn chấn khi Buôn Ma Thuột được giải phóng. Quân chủ lực theo Quốc lộ 21 từ Tây Nguyên xuống tham gia giải phóng Khánh Hòa. Ngoài Sư đoàn 10, Tiểu đoàn Bộ binh 470 Khánh Hòa, một lực lượng không kém phần quan trọng là đặc công. Bằng những phương án chiến đấu thần tốc, nhanh nhạy, Tiểu đoàn Đặc công 407 (Quân khu 5) đã góp sức giải phóng Khánh Hòa. Ông Đỗ Đức Bôn - nguyên Trung đội trưởng Trinh sát của Tiểu đoàn 407 (nay là cán bộ hưu trí phường Cam Lộc, thị xã Cam Ranh), người dẫn mũi tiến công vào bán đảo Cam Ranh kể: Khi cuộc chiến đấu đến giai đoạn quyết định, Tiểu đoàn 407 đang ở khu vực Khánh Sơn được điều động lên đường tham gia đánh địch ở Dục Mỹ (Ninh Hòa). Sau đó, Tiểu đoàn được lệnh của Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đưa Đại đội 1 và 3 theo đường 21 xuống Nha Trang để chuẩn bị tiếp quản. Số còn lại gồm: Tiểu đoàn bộ, Đại đội 2, 4, 5, 6 tiến hành ém quân sẵn ở bìa rừng chân núi Tà Lĩa (khu vực từ Khánh Sơn xuống Cam Ranh) để chuẩn bị tiếp quản Cam Ranh. Đại đội 2 và 4 có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ bán đảo và sân bay Cam Ranh; một số đại đội khác có nhiệm vụ tiếp quản toàn bộ đặc khu Cam Ranh, cùng với Ủy ban Quân quản thu chiến lợi phẩm, đảm bảo an toàn cho dân…

Ngày 31-3 và 1-4, Tiểu đoàn 407 đã áp sát mục tiêu, cùng với Ủy ban Quân quản Khánh Hòa do ông Trần Hanh (lúc này là Tỉnh đội trưởng) và ông Bùi Văn Liên (lúc này là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 407) tổ chức phát động nhân dân “diệt ác trừ gian”. 3 giờ sáng 2-4-1975, Tiểu đoàn 407 tiến gần hơn vào thị xã Nha Trang. Đúng 4 giờ 45, các lực lượng và nhân dân đồng loạt vùng lên, địch bỏ chạy tán loạn. 8 giờ sáng, Nha Trang hoàn toàn được ta làm chủ.

Ở khu vực bán đảo Cam Ranh địch kháng cự yếu ớt. Bị thất thủ trên nhiều địa bàn, số binh lính còn lại ở bán đảo Cam Ranh cho máy bay ném bom phản công ở khu vực này, khiến ta và địch phải giằng co nhiều giờ. Tiểu đoàn Đặc công 407 phải đánh từng bước dọc cầu Long Hồ, sân bay Cam Ranh, sau đó mới tiến dần được vào bán đảo Cam Ranh. Đến 10 giờ sáng 3-4, ta làm chủ hoàn toàn bán đảo Cam Ranh - căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

L.H.T (Ghi)

 

* Ninh Hòa, Vạn Ninh: Ngày chiến thắng vui như ngày hội

Ông Hồ Quốc Ái, 78 tuổi, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 470 Tỉnh đội Khánh Hòa thời kỳ 1975 say sưa kể: “Đơn vị nhận chỉ thị của Tỉnh ủy giải phóng Khánh Hòa trong lúc tình hình chiến trường đang dồn dập, bộ đội ta thắng như chẻ tre, chuẩn bị tiến xuống Ninh Hòa. Cũng trong lúc này, mệnh lệnh từ Quân khu 5 chỉ đạo đơn vị “hiệp đồng theo tiếng súng”, ai nấy đều phấn khởi nhưng cũng lo bởi địch còn rất mạnh. Chiều 29-3, tại căn cứ Đá Bàn (Ninh Hòa), đơn vị hạ quyết tâm và làm lễ xuất quân về đồng bằng, phối hợp cùng lực lượng địa phương giải phóng các xã phía Tây Ninh Hòa. Những ngày cuối tháng 3, đơn vị vẫn chưa có lệnh nổ súng nhưng tin chiến thắng bay về dồn dập, ai nấy đều nức lòng…

 Ông Hồ Quốc Ái đang huấn luyện quân sự bắn súng bộ binh những ngày đầu giải phóng.

Trước sức tấn công như vũ bão của quân chủ lực ta, địch ở Ninh Hòa (bảo an, biệt kích, dân vệ…) vốn rất hiếu chiến đều trở nên rệu rã tinh thần. Bọn đầu sỏ ngụy quân, ngụy quyền bỏ công sở, đơn vị tháo chạy. Ngày 1-4, quận Ninh Hòa đã không còn chính quyền Sài Gòn. Tàn quân ngụy và một số phần tử bất hảo lợi dụng thời điểm “vô chính phủ” ra sức cướp bóc, hôi của. Đêm 1-4, cả Ninh Hòa vang rền tiếng súng nhưng cơ sở của ta kịp thời cho biết đó là quân ngụy bắn để lấy tinh thần trước khi bỏ chạy. Sáng 1-4, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta tấn công phá hủy tuyến tử thủ của địch trên đèo Phượng Hoàng, diệt gọn Lữ đoàn dù ngụy, thẳng tiến về giải phóng Ninh Hòa. Sư đoàn 10 quân giải phóng đã cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng trên nóc trụ sở chính quyền quận Ninh Hòa. Lúc này, các đơn vị cùng các lực lượng cách mạng và quần chúng đồng loạt nổi dậy giải phóng Ninh Hòa và Vạn Ninh. Trên khắp các nẻo đường đổ về trung tâm, nhân dân vẫy chào bộ đội và lực lượng cách mạng. Ai nấy đều hân hoan trong ngày chiến thắng. Đơn vị của ông Ái là đơn vị bộ đội địa phương đầu tiên của tỉnh vinh dự giải phóng Ninh Hòa và Vạn Ninh. 

Sau khi liên lạc với chính quyền và lực lượng vũ trang Ninh Hòa và Vạn Ninh, đơn vị nhanh chóng bắt tay vào thành lập Ủy ban Quân quản, ổn định tình hình trật tự, trị an. Những ngày đầu giải phóng, thật khó tả hết niềm sung sướng, tự hào, tình cảm chan hòa của nhân dân đối với bộ đội. Hàng ngày, người dân đem lương thực, thực phẩm đến cho bộ đội đóng quân trong làng nhiều đến nỗi không dùng hết…

Ông Ái tâm sự: “Nghĩa tình đồng chí, đồng bào trong những năm tháng đó thật là sâu nặng, không thể nào phai. Nhớ về ngày 2-4 năm ấy, tôi không thể nào quên”.

Q.V (Ghi)

* Nha Trang: Ai nấy đều vui mừng khôn xiết

“Theo chỉ đạo của Khu ủy, Khánh Hòa phải tập trung lực lượng ra phía Bắc 2 huyện (Vạn Ninh và Ninh Hòa) để phối hợp với chiến trường Tây Nguyên. Tỉnh ủy đã quyết định tách văn phòng Tỉnh ủy thành 2 bộ phận. Lúc bấy giờ, tôi là chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa, được phân công theo dõi công tác vùng địch và chỉ định làm Bí thư chi bộ bộ phận văn phòng tiền phương ở Bắc Khánh. Văn phòng hồi đó có khoảng 10 người, trong đó có ông Võ Cứ - quyền Bí thư Tỉnh ủy, ông Triết Giang - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và một số người khác…

Còn nhớ đêm hành quân vượt đường 21 trong khoảng tháng 3. Lúc đó, khoảng 12 giờ đêm, ta bị pháo từ căn cứ Dục Mỹ bắn ra xối xả. Tất cả phải nằm rạp xuống ẩn núp ở con suối có nhiều gộp đá lớn. May là không ai bị thương vong. Giao liên tiếp tục dẫn đường. Chiều hôm sau, đến căn cứ của lực lượng Bắc Khánh (Ninh Hòa) ở phía Tây Đập Đá Bàn hiện nay, vừa ổn định chỗ ở, anh em văn phòng cơ yếu, điện đài phải làm việc ngay để liên lạc với Khu ủy và bộ phận văn phòng phía Nam. Một bộ phận được phân công đi với lãnh đạo Huyện ủy Ninh Hòa, đội công tác và lực lượng vũ trang xuống các xã Ninh An, Ninh Thọ vào ban đêm để lấy lương thực, thực phẩm cho chiến dịch.

 Ông Phan Ngọc Minh (thứ 2 từ phải sang) với các ông trong bộ phận điện đài của Văn phòng tiền phương năm 1975.

Ngay sau đó, có lệnh điều ông Võ Cứ trở lại cánh Nam cùng ông Năm Phổ từ Khu ủy vào chỉ đạo tại Khánh Hòa.

Lúc này trên chiến trường Tây Nguyên, quân ta thắng giòn giã, địch rút chạy xuống đèo Phượng Hoàng và cũng bị tiêu diệt. Những ngày cuối tháng 3-1975, ông Triết Giang và Nguyễn Văn Thặng được lệnh vào quận Ninh Hòa tiếp quản chỉ đạo chung. Các ông giao cho tôi tạm thời phụ trách bộ phận Văn phòng tiền phương và sẵn sàng chờ lệnh.

Khoảng 8 giờ sáng 2-4-1975, anh em liên lạc từ Ninh Hòa đưa 2 chiếc xe GMC và Jeep vào đón anh em chúng tôi tại Đá Bàn. Ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Đây là giây phút hạnh phúc nhất. 12 giờ trưa 2-4-1975 về đến Ninh Hòa, các lãnh đạo tỉnh giao cho tôi đưa toàn bộ anh em bộ phận văn phòng tiền phương, cơ yếu, điện đài cùng lên xe bộ đội chủ lực vào Nha Trang gặp các ông lãnh đạo là Lê Tụng và Nguyễn Lương.

Đến Nha Trang, chợ Đầm còn đang cháy. Chúng tôi được bố trí ở tại phòng làm việc của Lý Bá Phẩm. Mọi thứ ở đây đều được anh em giữ nguyên theo đúng lệnh của cấp trên. 7 giờ sáng 3-4-1975, nhận lệnh mới của chỉ huy chiến dịch, tôi được phân công dẫn đường cùng bộ đội đi trên 2 chiếc xe Jeep cắm cờ Mặt trận giải phóng miền Nam, xuất phát từ Tỉnh đường lên Diên Khánh để bắt liên lạc. Đến cầu Dứa, tôi gặp anh em cơ sở, đảng viên hợp pháp cùng hàng trăm người dân ra đường chào đón.

Mấy ngày sau, Tỉnh ủy quyết định điều tôi tăng cường về Nha Trang để xây dựng chính quyền quân quản. Tôi được bổ sung vào làm ủy viên quân quản quận 1, về phường Vạn Thắng và Vạn Thạnh để xây dựng chính quyền.

B.K (Ghi theo lời kể của ông Phan Ngọc Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Thị ủy viên, chuyên viên văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa thời chống Mỹ)

Phía Bắc Khánh Hòa: Chăm lo công tác cán bộ

Năm nay, ông Ngô Dưỡng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã 78 tuổi. Nhớ lại những thời khắc lịch sử tháng 4-1975, ông Ngô Dưỡng kể: Khi ấy, Thường vụ Khu ủy chỉ thị tập trung giải phóng cho được Bắc Khánh Hòa. Là Ủy viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tôi được Tỉnh ủy phân công cùng đồng chí Võ Cứ (Quyền Bí thư Tỉnh ủy) đi với đoàn tiền phương tham gia giải phóng Bắc Khánh Hòa. Mất 1 ngày đường núi, chúng tôi ra tới căn cứ Đá Bàn. Ngay lúc đó, Khu ủy điện vào yêu cầu đoàn tiền phương phải bám Nha Trang. Ở lại 1 đêm, sáng sớm, đồng chí Võ Cứ và chúng tôi lên đường. Theo người dẫn đường, chúng tôi xé rừng đi mất 1 ngày dưới trời mưa tầm tã. Đến Khánh Dương (Đắc Lắc) thì trời tối. Gặp lúc Sư đoàn 10 ở Buôn Ma Thuột đánh xuống, chúng tôi, một số bắt xe những người đi đường, một số theo xe bộ đội xuống. Đến Nha Trang khoảng 2 giờ chiều 2-4-1975, đã thấy cờ xí treo rợp trời, vũ khí người dân nhặt chất đống ngay chân tượng đài 2-4 hiện nay. Ban Tổ chức Tỉnh ủy phân công tôi chọn địa điểm đóng cơ quan. Vì làm công tác tổ chức nên chúng tôi có nhiệm vụ tiếp nhận những đoàn cán bộ ở ngoài Bắc phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mới giải phóng, rất thiếu cán bộ nên việc tìm cán bộ rất khó khăn. Chúng tôi tập trung lo sắp xếp, điều động cán bộ sao cho phù hợp tình hình lúc bấy giờ.

K.N (Ghi)