08:04, 23/04/2010

Giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn

Qua 5 năm (2005 - 2009) thực hiện Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giá trị sản xuất CNNT toàn tỉnh đã tăng từ 2.148 tỷ đồng lên 4.959 tỷ đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ 32 mô hình trình diễn kỹ thuật về cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới; giải quyết việc làm cho 24.100 lao động nông thôn...

Qua 5 năm (2005 - 2009) thực hiện Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giá trị sản xuất CNNT toàn tỉnh đã tăng từ 2.148 tỷ đồng lên 4.959 tỷ đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ 32 mô hình trình diễn kỹ thuật về cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới; giải quyết việc làm cho 24.100 lao động nông thôn...

 Mô hình kỹ thuật công nghệ ghép gỗ tạo ra sản phẩm mới của Công ty TNHH Phi Anh.

Tổng nguồn kinh phí khuyến công giai đoạn 2005 - 2009 được phân bổ 2.222 triệu đồng; trong đó khuyến công quốc gia 797 triệu đồng, khuyến công địa phương 1.100 triệu đồng và các nguồn huy động khác 325 triệu đồng. Với nguồn kinh phí này, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn nông thôn mạnh dạn đầu tư, đổi mới phương thức sản xuất, trang thiết bị, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn… Trung tâm đã tổ chức 21 lớp khởi sự DN, nâng cao năng lực điều hành CNNT cho các tổ chức, cá nhân chuẩn bị thành lập DN, trang bị cho chủ DN những kiến thức cơ bản về khởi sự kinh doanh, lập phương án đầu tư, hỗ trợ 32 mô hình trình diễn kỹ thuật về cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới… với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Nhiều mô hình, dự án được Trung tâm hỗ trợ bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh phát triển CNNT như: Mô hình trình diễn sản xuất ngư lưới cụ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Long (Nha Trang); công nghệ ghép gỗ tạo ra sản phẩm mới của Công ty TNHH Phi Anh; sản xuất hạt nhựa PP, PE từ nguồn rác thải địa phương của cơ sở Nguyễn Thị Việt Anh (Nha Trang); sản xuất máy gặt đâïp liên hợp của cơ sở sản xuất và sửa chữa máy nông nghiệp Chín Hạnh (Diên Khánh); sản xuất mộc dân dụng truyền thống của cơ sở mộc dân dụng Phan Tiến (Khánh Vĩnh); cải tiến công nghệ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu gỗ, đá của Công ty TNHH Hiệp Cảnh (Cam Ranh)… Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 1.800 lao động trên địa bàn nông thôn và thu hút vốn đầu tư hơn 31 tỷ đồng, doanh thu tăng thêm gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu cho các cơ sở CNNT, gồm các ngành nghề đan mây, tre lá, bẹ chuối, thêu tranh thủ công, sản xuất đá granite…, vừa giúp các DN nâng cao khả năng hoạt động, có đội ngũ lao động lành nghề, vừa giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Nhờ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều lao động trên địa bàn nông thôn được học nghề thêu tranh thủ công.

Có thể nói, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 134, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã góp phần định hướng cho các cơ sở CNNT phát triển bền vững, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn. Đồng thời có tác động thay đổi đối với cơ sở CNNT trên địa bàn như: Vốn đầu tư hàng năm tăng bình quân trên 6,2 tỷ đồng; doanh thu tăng trên 19,6 tỷ đồng; giải quyết việc làm bình quân 360 lao động nông thôn/năm; trình độ quản lý, khả năng tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước từng bước được nâng lên…

Toàn tỉnh hiện có 5.955 cơ sở CNNT, tăng 1.355 cơ sở so với năm 2005, tăng trưởng bình quân 5 năm 7,23%; giá trị sản xuất CNNT năm 2005 đạt 2.148 tỷ đồng, đến năm 2009 đạt hơn 4.900 tỷ đồng. Năm 2005, có 16.115 lao động làm việc tại các cơ sở CNNT; đến năm 2009 tăng lên 24.100 lao động. Đặc biệt, việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển CNNT đã giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định, góp phần thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động khuyến công cũng còn một số hạn chế. Định mức hỗ trợ cho mỗi đề án theo quy định của Nhà nước còn thấp nên chưa có tác dụng kích thích người dân và DN đầu tư vốn vào phát triển CNNT, đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình; thiếu vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh; thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao… Một số cơ sở, cá nhân thụ hưởng kinh phí khuyến công còn trông chờ vào nguồn hỗ trợ, chưa năng động. Khó khăn nhất là chưa có quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, trong khi đây là vấn đề quan trọng giúp hoạt động khuyến công đi đúng định hướng, theo quy hoạch, tập trung và phát triển ngành nghề nông thôn bền vững.

Thời gian tới, hoạt động khuyến công sẽ tập trung vào các chương trình như: Đào tạo và phát triển ngành nghề truyền thống; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; tư vấn, cung cấp thông tin; hợp tác kinh tế và phát triển các cụm - điểm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT…

CẨM VÂN