Hiện nay, do thời tiết khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang trong tình trạng báo động. Để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đang triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hiện nay, do thời tiết khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang trong tình trạng báo động. Để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đang triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Tuy nhiên, do đặc thù các loại rừng ở Khánh Hòa phân tán, địa hình hiểm trở, công tác PCCCR đang gặp không ít khó khăn.
. Tất cả đã sẵn sàng
Kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở Ninh Hòa (Khánh Hòa). |
Theo báo cáo của Ban chỉ huy về các vấn cấp bách trong bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR, toàn tỉnh hiện có hơn 202.587ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên có 166.467,5ha, rừng trồng 36.120,2ha. Qua kiểm tra thực tế, các địa phương xác định có 20.000ha rừng đang có nguy cơ xảy ra cháy cao, tập trung chủ yếu ở các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh và thị xã Cam Ranh… Để chủ động BVR trong mùa khô, ngay từ đầu năm, các địa phương, đơn vị chủ rừng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách PCCCR. Bên cạnh kiện toàn Ban chỉ đạo PCCCR các cấp, công tác tuyên truyền thực hiện các quy ước BVR cũng đã được triển khai sâu rộng đến 205 thôn ở 97 xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương, đơn vị chủ rừng đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, hệ thống phát thanh các huyện, xã thực hiện các chuyên mục, phóng sự về BVR; xây dựng các biển báo cấm, pa-nô, áp phích, tờ rơi để tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia PCCCR. Mặt khác, chuẩn bị lực lượng xung kích tại chỗ và phương tiện, hậu cần để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Toàn tỉnh đã thành lập 409 tổ, đội xung kích với 4.120 thành viên tham gia PCCCR; trong đó, các đơn vị chủ rừng Nhà nước, các doanh nghiệp thành lập 55 tổ với 545 người tham gia, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy. Các địa phương, đơn vị chủ rừng đã và đang tiến hành làm mới, phát dọn 144km đường băng cản lửa nhằm khoanh vùng, khống chế và hạn chế đến mức thấp nhất diện tích cháy. Ngoài sự tham gia tích cực của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các địa phương đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng. Theo thống kê của các địa phương, trong quý I/2010, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng với diện tích 3,2ha, mức độ thiệt hại khoảng 50%.
. Còn nhiều bất cập
Có thể nói, công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành và các địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: địa hình hiểm trở, nguồn kinh phí không đủ để xây dựng các công trình hồ, đập, đường giao thông ở các khu vực có rừng, nhiều đám cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Đó là do người dân ở ven rừng thường xuyên đốt nương làm rẫy, nhất là khu vực tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ngoài ra, nhiều vụ cháy rừng do các đối tượng vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đốt than hoặc cố tình đốt rừng để khai thác phế liệu sắt. Thực tế, hầu hết diện tích rừng đều nằm trên các địa bàn xung yếu, địa hình phức tạp nên các xe cứu hỏa không thể tiếp cận. Khi xảy ra cháy rừng, phương tiện chữa cháy chủ yếu vẫn là các dụng cụ thô sơ như: cào, rựa, nhánh cây, bình bơm cá nhân… nên việc khống chế đám cháy lây lan không đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng, cá nhân khi tham gia trồng rừng chưa chú trọng đầu tư các công trình PCCCR như: hồ nước, đập, hệ thống đường ống, đường giao thông đến các khu vực rừng trồng, rừng tự nhiên nên công tác PCCCR chưa phát huy hiệu quả. Mặt khác, việc thực hiện giao đất, khoán rừng trên địa bàn tỉnh đến từng hộ dân đạt tỷ lệ không cao. Hiện nay, có hơn 80% diện tích rừng được giao cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước, nhưng có không ít diện tích còn bị bỏ trống hoặc khai thác không hiệu quả. Ngoài ra, thời gian nhận giao khoán rừng trong vòng 5 năm là quá ngắn, trong khi các nguồn lợi để nhân dân có thể “sống được với rừng” không nhiều. Thời gian qua, việc tiến hành bóc tách đất rừng từ các lâm trường giao cho dân sản xuất ở các địa phương thực hiện quá chậm, số diện tích đất được bóc tách từ các lâm trường đã được người dân canh tác từ trước, việc giao đất này chỉ là hợp thức hóa. Do thiếu đất sản xuất nên tình trạng đốt nương làm rẫy dẫn đến cháy rừng diễn ra khá phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh.
Để công tác PCCCR phát huy hiệu quả, các cấp chính quyền cần rà soát lại diện tích đất sản xuất, giúp người dân sống ven rừng thâm canh những loại cây trồng có giá trị kinh tế nhằm hạn chế tình trạng đốt rừng làm nương rẫy. Nên thực hiện việc giao đất, khoán rừng gắn với trách nhiệm PCCCR. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng cần tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào rừng, kiên quyết đưa những hộ dân sinh sống trái phép ra khỏi rừng, cấm tuyệt đối việc dùng lửa và các dụng cụ khác để săn bắt thú rừng và khai thác lâm sản trái phép.
CHÂU AN KHÁNH