06:04, 12/04/2010

Vượt mục tiêu đề ra

Hơn 4 năm qua, ngành Công nghiệp thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) đã tranh thủ được tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển. Bên cạnh các chính sách thu hút đầu tư, địa phương còn có những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp...

Hơn 4 năm qua, ngành Công nghiệp (CN) thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) đã tranh thủ được tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển. Bên cạnh các chính sách thu hút đầu tư (ĐT), địa phương còn có những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng CN địa phương vượt mục tiêu đề ra.

° Tăng trưởng khá

 Chế biến gỗ ghép tại Công ty TNHH Phi Anh.
Cam Ranh là địa phương có tiềm năng để phát triển CN. Đây cũng là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Những năm qua, ngành CN được địa phương xác định là ngành chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Chính vì vậy, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, giải quyết khó khăn để các DN ĐT phát triển sản xuất. 4 năm qua, toàn ngành phát triển mới 313 cơ sở sản xuất CN, với tổng vốn ĐT gần 1.105,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4.025 lao động (LĐ). Đặc biệt, nhiều nghề mới được hình thành và phát triển như: chế biến (CB) cà phê, CB gỗ vườn, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, CB vật liệu xây dựng. Các lĩnh vực CN, tiểu thủ CN đã từng bước tạo việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập cho người LĐ, góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu LĐ.

Để đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành CN, hàng năm, Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh đào tạo hơn 1.000 học viên có trình độ sơ cấp và trung cấp. Nhờ đó, LĐ nông thôn có tay nghề được làm việc trong các nhà máy chiếm tỷ trọng ngày càng cao. 4 năm qua, nhờ ĐT đúng hướng, tốc độ tăng trưởng CN bình quân đạt 22%/năm, cao hơn so với mục tiêu đề ra (mục tiêu tăng 20%); trong đó, giá trị sản xuất CN năm 2009 tăng gấp 2,06 lần so với năm 2005. Cơ cấu CN trên địa bàn đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực CN quốc doanh và khu vực CN có vốn ĐT nước ngoài. Cụ thể: 4 năm qua, CN quốc doanh và CN có vốn ĐT nước ngoài tăng lên 36,4%, còn CN ngoài quốc doanh đã giảm từ 100% xuống còn 63,6%.

Bên cạnh sự nỗ lực của thị xã, nhiều chính sách khuyến công của Trung ương và tỉnh đã được đưa về hỗ trợ cho một số DN, đào tạo nghề cho LĐ địa phương, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo DN… Trong đó, Cam Ranh đã được triển khai 4 mô hình trình diễn mang lại giá trị kinh tế và ý nghĩa xã hội to lớn gồm: công nghệ CB gỗ ghép tại Công ty TNHH Phi Anh; công nghệ sản xuất muối phủ bạt che mưa ô kết tinh tại Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh; công nghệ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty TNHH Hiệp Cảnh; mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm mới gạch xây dựng, gạch lát ngoại thất từ nguyên liệu bột đá và bụi đá của Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang… Từ những mô hình này, địa phương có thêm hàng trăm LĐ được giải quyết việc làm. Hiện nay, thu nhập bình quân của người LĐ trong ngành CN cao hơn thu nhập bình quân chung của toàn thị xã.

° Những cơ hội mới

Hiện nay, trên địa bàn Cam Ranh có nhiều dự án ĐT sản xuất CN và xây dựng hạ tầng khu CN lớn. Trong đó, Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh đã hoạt động giai đoạn 1 với số vốn ĐT là 604 tỷ đồng, có chức năng đóng mới và sửa chữa tàu thủy công suất từ 20 đến 100 ngàn tấn. Hiện nay, nhà máy đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 LĐ. Trong tương lai, nhà máy sẽ ĐT giai đoạn 2, nâng tổng vốn ĐT lên 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nhà máy Xi măng Cam Ranh có công suất 500 ngàn tấn/năm cũng đang chuẩn bị hoạt động vào cuối tháng 4-2010… Mặt khác, trong chiến lược phát triển CN, Cam Ranh còn được quy hoạch 2 khu CN phía Nam và Bắc Cam Ranh. Trong đó, Khu CN Bắc Cam Ranh chú trọng sản xuất CN sạch như: may mặc, lắp ráp các sản phẩm điện tử… Đối với Khu CN Nam Cam Ranh sẽ chú trọng phát triển đa ngành, mà trọng tâm là CN đóng tàu, thiết bị phụ trợ CN đóng tàu, chế tạo máy… Đây là những khu CN không chỉ mang lại giá trị kinh tế riêng của Cam Ranh mà còn cho cả tỉnh Khánh Hòa. Một khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng CN của địa phương. Để đẩy nhanh tiến độ ĐT các khu CN, theo bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cam Ranh: Trong thời gian tới, địa phương sẽ kịp thời giải quyết các vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng khu CN Nam và Bắc Cam Ranh. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tất cả các loại hình DN, hộ gia đình, cá nhân ĐT phát triển sản xuất. Địa phương cũng sẽ duy trì các vùng nguyên liệu hiện có để cung ứng cho sản xuất CN; cải tạo giống cây trồng, tạo năng suất và chất lượng cao phục vụ cho hoạt động CB trên địa bàn.

Trong giai đoạn mới, mục tiêu mà Cam Ranh hướng tới là phấn đấu giá trị sản xuất CN tăng bình quân hơn 17%/năm. Để có được tốc độ tăng trưởng bền vững, địa phương đang tiếp tục đề ra những giải pháp phát triển các nhóm ngành CN chủ lực như: đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí điện tử; CN CB thủy sản xuất khẩu; CB đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu; CB nông sản; sản xuất vật liệu xây dựng.

HOÀNG TRIỀU