08:04, 23/04/2010

Bài 2: Ngày hội văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Hàng năm, vào dịp 10-3 âm lịch, đồng bào khắp nơi về đền Hùng trẩy hội, thắp hương dâng lễ tổ tiên, tưởng nhớ công đức to lớn của các vua Hùng dựng nước. Đền Hùng và lễ hội đền Hùng đã trở thành tâm thức của người Việt, trở thành biểu tượng, điểm hội tụ ý chí cộng đồng người Việt Nam với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Bài 2: Ngày hội văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Lễ hội Đền Hùng.
Ảnh minh họa
Hàng năm, vào dịp 10-3 âm lịch, đồng bào khắp nơi về đền Hùng trẩy hội, thắp hương dâng lễ tổ tiên, tưởng nhớ công đức to lớn của các vua Hùng dựng nước. Đền Hùng và lễ hội đền Hùng đã trở thành tâm thức của người Việt, trở thành biểu tượng, điểm hội tụ ý chí cộng đồng người Việt Nam với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngược dòng lịch sử, từ xa xưa, tổ tiên ta đã xây dựng đền Hùng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương với những diễn xướng dân gian khá phong phú, độc đáo như lấy tiếng hú, chạy địch, trình voi, ngựa và vui nhất là rước chúa gái, diễn trò bách nghệ. Nhiều đời vua cho dân địa phương miễn thuế, phu phen, tạp dịch để trông nom lăng miếu vua Hùng và hàng năm cho cử chức sắc về triều đình, được nhà vua ban gạo nếp, tiền bạc về làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và mở hội đông vui.

Trong Ngọc phả Hùng Vương, có nêu những sự kiện truyền thuyết hay chính sử tô đậm những câu chuyện về vua Hùng. Đời Hùng Huy Vương đánh giặc Ân, xuất hiện người anh hùng làng Gióng. Đời Hùng Duệ Vương có câu chuyện công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử. Cũng đời vua này có chuyện An Dương Vương đánh Triệu Đà, có cuộc hôn nhân Tản Viên - Ngọc Hoa và sau đó là một loạt chuyện Tản Viên dạy các nghề cho dân, làm cho đất nước ngày càng thịnh vượng… Từ đó, từ đời này đến đời khác, con cháu về đền Hùng hương khói để tưởng nhớ tổ tiên có công dựng nước, làm nên nền văn minh sông Hồng nổi tiếng và tạo nên phong tục người Việt.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng lên dự Giỗ Tổ năm đầu tiên (1946). Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn rất quan tâm đến việc giáo dục các thế hệ hướng về cội nguồn dân tộc. Ngày 18-9-1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô, Bác đã vào dâng hương tại đền Hùng và nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong (Sư đoàn 308). Bác căn dặn bộ đội phải khắc ghi công lao của các vua Hùng và trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong công cuộc bảo vệ đất nước:

Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước

Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Do tính chất quan trọng của khu di tích, năm 1963, Bộ Văn hóa đã xếp hạng di tích quốc gia. Năm 1967, Chính phủ quyết định xếp hạng khu rừng Đền Hùng là rừng cấm quốc gia. Từ năm 1969, nhân dân ta quyên góp xây dựng công quán, Nhà nước đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương, đường điện, đường giao thông, hệ thống nước, sửa chữa đền miếu, trồng rừng cây sinh cảnh, tổ chức bảo vệ khu di tích, rừng cấm và tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia. Hàng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng quy mô hơn, dài ngày hơn và nội dung phong phú hơn. Ngày 6-1-2001, Chính phủ ra Nghị định số 82/2001/NĐ-CP quy định về các ngày lễ lớn, trong đó chính thức lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch là ngày Quốc lễ. Giỗ Tổ Hùng Vương vào các năm chẵn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, còn các năm lẻ do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức.

Năm 2010, ngày Giỗ Tổ và lễ hội Đền Hùng được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong 10 ngày (từ 14 đến 23-4, tức từ ngày 1 đến 10-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì và các vùng lân cận (tỉnh Phú Thọ) diễn ra các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, triển lãm, thể thao, du lịch và các trò chơi dân gian tiêu biểu. Tại các tỉnh, thành phố khác, lễ hội Đền Hùng sẽ được tổ chức tại các khu vực có di tích đền thờ Hùng Vương không quá 2 ngày.

Tại Khánh Hòa, hàng năm, ngày Giỗ Tổ đều do UBND phường Tân Lập và Ban quản lý Đền Hùng Vương tổ chức tại Đền Hùng Vương - 173 đường Ngô Gia Tự, Nha Trang. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh có chủ trương giao cho TP. Nha Trang phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hàng năm tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm tại Đền Hùng Vương ở Nha Trang, mời lãnh đạo tỉnh tham dự.

Năm nay, Khánh Hòa tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương chính lễ vào ngày 23-4 (tức mùng 10-3 âm lịch). Trước đó, từ 16 giờ ngày 22-4, diễn ra Lễ cáo yết - Nam quan tế cổ truyền. Sáng 24-4 làm lễ tạ. Trong ngày chính lễ, đúng 7 giờ, đoàn dự lễ sẽ xuất phát từ UBND phường Tân Lập,

theo thứ tự được quy định, diễu hành về trước Đền Hùng Vương - Nha Trang để hành lễ. Khi đoàn đến nơi thì bắt đầu múa lân - rồng và ổn định vị trí cho các đoàn dự lễ Dâng hương chuẩn bị vào lễ. Múa rồng - lân xong thì lễ bắt đầu. 8 giờ là lễ dâng hương, sau đó là lễ tế, rồi nhân dân đến dâng hương cho đến hết ngày.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam về Giỗ Tổ để tỏ lòng hiếu kính tổ tiên, cũng là để nhân thêm tình yêu thương con người, xứ sở, niềm tin vào cộng đồng dân tộc Việt Nam; là biểu hiện cao đẹp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là tín ngưỡng cả nước thờ chung Đức Quốc Tổ. Càng tự hào về lịch sử dân tộc, chúng ta càng đồng tâm hiệp lực, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu; biết ơn sâu sắc công đức của các vua Hùng đã khai phá, lập nên vùng đất quê hương; ghi nhớ công ơn những người đã có công xây dựng và đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước; góp phần nâng tinh thần ngày Giỗ Tổ trở thành động lực to lớn để phát triển văn hóa, truyền thống và sức mạnh Việt Nam. 

ĐINH HỮU LẠC

(*) Trích câu đối ghi tại đền Hùng (Phú Thọ).