10:04, 21/04/2010

Bài 1: Khu di tích lịch sử Đền Hùng

 Một tổng thể kiến trúc - tín ngưỡng

Khu bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng ở phía Tây Bắc TP. Việt Trì, thuộc địa phận xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đền Hùng là nơi thờ các vua Hùng - tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Theo Ngọc phả Hùng Vương: Đương thời, các vua Hùng đã cho xây dựng điện ...

° Một tổng thể kiến trúc - tín ngưỡng

Khu bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng ở phía Tây Bắc TP. Việt Trì, thuộc địa phận xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đền Hùng là nơi thờ các vua Hùng - tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Theo Ngọc phả Hùng Vương: Đương thời, các vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại đỉnh Nghĩa Lĩnh. Khi An Dương Vương nối ngôi (năm 258 trước Công nguyên) đã xây dựng đền thờ các vua Hùng. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố - nền móng kiến trúc đền Hùng được xây dựng vào triều vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X). Đến thời Lý - Trần, đền Hùng là một khu di tích khá đẹp ở làng Cổ Tích. Thời giặc Minh xâm lược, đền Hùng bị giặc Minh tàn phá. Sau khi giải phóng đất nước, nhà Lê một lần nữa khẳng định vị trí của đền Hùng, cử Lễ bộ Thượng thư thị sát cụ thể và phong làng Cổ Tích là Dân tưởng tạo lệ, cho miễn thuế, phu phen, tạp dịch để trông nom lăng miếu vua Hùng; viết lại thần tích vào năm Hồng Đức nguyên niên, sao lại vào năm Hoàng Định nguyên niên (1600). Trong các thời kỳ tiếp theo, kiến trúc đền Hùng tiếp tục được tôn tạo.

Khu di tích Đền Hùng nằm trên núi Hùng, còn được gọi là núi Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, núi Cả, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn. Núi Hùng cao nhất vùng: 175m so với mặt nước biển. Các cụ già trong vùng nói rằng, núi Hùng giống như một chiếc đầu rồng hướng về Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo. Núi Vặn cao xấp xỉ núi Hùng (170m), núi Trọc cao 145m, nằm giữa núi Hùng và núi Vặn. Từ xa xưa, 3 đỉnh núi: Hùng, Vặn, Trọc làm thành 3 đỉnh “tam sơn cấm địa”, được nhân dân thờ cúng, bảo vệ nghiêm ngặt. Núi Hùng có đền thờ vua Hùng, núi Trọc có di tích đá cối xay, núi Vặn có di tích cột mốc quốc gia - cây số gốc Việt Nam. Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng có 4 đền (đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng), chùa Thiên Quang và lăng mộ vua Hùng. Đó là một tổng thể kiến trúc - tín ngưỡng, gồm nhiều công trình kiến trúc ở các thời đại khác nhau. Như vậy, kiến trúc đền Hùng sớm nhất từ thời Lý - Trần và được tôn tạo trong nhiều thời kỳ, đến nay còn một kiến trúc khá cổ là gác chuông thời Hậu Lê, còn chủ yếu là kiến trúc thời Nguyễn.

Với tấm lòng tôn kính các vua Hùng, nhiều nơi trong nước cũng lập nơi thờ vua Hùng. Hiện cả nước có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Riêng ở Vĩnh Phú có hơn 600 nơi thờ các vua Hùng và vợ con tướng lĩnh thời Hùng Vương. Ở một số địa phương miền Nam, đồng bào đã lập đền thờ như ở Thảo Cầm viên (TP. Hồ Chí Minh); Bà Rịa - Vũng Tàu, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và cả ở rừng đước Minh Hải. Vua Hùng cũng được đưa sang thờ ở Paris (Pháp) và bang California (Mỹ) do Việt kiều về xin đất ở đền Thượng đem sang thờ…

° Đền Hùng Vương ở Nha Trang - Khánh Hòa

Năm 1971, nhà Nho yêu nước - cử nhân Nguyễn Tạo đã khởi xướng và cùng với 6 vị đồng sáng lập, được sự hưởng ứng tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân, đã xây nên đền Hùng Vương tại 173 đường Ngô Gia Tự, phường Tân Lập, TP. Nha Trang hiện nay.

Trước cổng đền Hùng Vương này, phía trên có 4 chữ: Quốc Tổ Hùng Vương. Bên dưới có 2 câu đối bằng chữ Nôm tạc vào trụ chính:

Nước Tổ bốn ngàn năm văn hiến lưu truyền

Dân con ba mươi triệu anh hùng kế tiếp.

Trong đền có các bức hoành phi và nhiều câu đối bằng chữ Nho do cố cử nhân Nguyễn Tạo phụng tác, được lưu giữ đến nay.

Năm 1989, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một lần đến thăm Khánh Hòa, đến thăm đền Hùng Vương, đã ghi lưu bút: Tôi thân ái chúc những bậc lão thành và anh chị em chủ trương Nhà lưu niệm đền Hùng và Hội bảo vệ Văn hóa truyền thống dân gian ngày càng thêm kết quả thiết thực trong mọi hoạt động đáng khích lệ của mình.

Năm 2009, sau khi đền được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh, Ban quản lý đền Hùng Vương đã quyên góp từ hội viên, xây thêm văn bia Quốc Tổ ghi rõ danh 18 đời Hùng Vương, 2 bức phù điêu nổi, 1 cặp voi và 1 cặp hạc.

ĐINH HỮU LẠC

(*) Trích câu đối ghi tại đền Hùng (Phú Thọ)

Bài 2: Ngày hội văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam