10:04, 05/04/2010

Niềm vui chiến thắng quá lớn

Sinh ra và lớn lên ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, nhưng từ tuổi thanh niên đến khi xế chiều, ông Nguyễn Đình Chi (tổ dân phố Bãi Giếng 4, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo cách mạng, theo Đảng trên vùng đất mới - thị xã Cam Ranh.

Sinh ra và lớn lên ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, nhưng từ tuổi thanh niên đến khi xế chiều, ông Nguyễn Đình Chi (tổ dân phố Bãi Giếng 4, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo cách mạng, theo Đảng trên vùng đất mới - thị xã Cam Ranh.

“Niềm vui chiến thắng quá lớn, tôi và đồng đội đã thức 3 đêm liền” - ông Chi (trái) chia sẻ.

Là con trưởng trong một gia đình có 6 anh chị em, ông Nguyễn Đình Chi sớm giác ngộ lý tưởng mà thế hệ cha anh theo đuổi. Những năm 60 thế kỷ XX, khi phong trào phản chiến trên dải đất miền Trung sục sôi, chàng trai Nguyễn Đình Chi đã hòa mình vào những phong trào đấu tranh ấy. Năm 1969, Khu ủy điều động ông về tăng cường cho tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa). Ngày đặt chân đến vùng đất Suối Hòa, Suối Tân, thị xã Cam Ranh (nay là xã Cam Hòa, Cam Tân, huyện Cam Lâm), ông vừa tròn 24 tuổi. Lúc ấy, cơ sở cách mạng tại hầu hết địa phương trên địa bàn thị xã gần như “trắng”, một số nhỏ lẻ thì yếu, không vững chắc. Ông Chi và 3 đồng chí khác được Khu ủy phân công đã lập thành đội vũ trang tuyên truyền, xây dựng những cơ sở cách mạng trong dân, từ đó phối hợp cùng các đơn vị quân đội triển khai nắm giữ địa bàn, diệt những tên ác ôn “nợ máu” với nhân dân, với cách mạng.

Với chủ trương “Đi giữ dấu, nấu giữ khói, nói đủ nghe, che ánh sáng”, cứ khi màn đêm xuống, ông và đồng đội lại “xâm nhập” làng để tuyên truyền, vận động bà con đi theo cách mạng. Ban ngày, đội lại rút về căn cứ. Có những lần, ban ngày, đội vũ trang tuyên truyền phải cải trang thành dân bản địa “xuống núi” tiếp cận đồng bào. Những lần “xuống núi” như thế hết sức nguy hiểm, vì rất dễ bị địch phục kích hoặc bủa vây. Nhưng đội tuyên truyền của ông vẫn kiên trì thực hiện công việc mà Đảng giao phó. Cứ thế, từ năm 1969 đến 1973, ông Chi cùng đồng đội xây dựng được chi bộ Đảng đầu tiên ở khu vực Suối Hòa, thị xã Cam Ranh. Chi bộ có 3 đảng viên sống “hợp pháp” trong dân. Tuy chỉ có duy nhất một chi bộ Đảng, nhưng đây là thành công không chỉ của ông và đồng đội mà còn thấm máu của biết bao người dân Suối Hòa.

Trong suốt thời gian hoạt động trong lòng địch, ngoài vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đội vũ trang tuyên truyền còn phối hợp với một số đơn vị quân đội diệt được 6 tên ác ôn có “nợ máu” với nhân dân, với cách mạng. Các cơ sở cách mạng hoạt động trong lòng địch được giữ vững và ngày càng phát triển.

Ông Chi kể: Năm 1973, khi đang hoạt động ở xã Lập Định, căn hầm bí mật mà ông cùng đồng đội trú ẩn bỗng dưng bị chảy nước xối xả mặc dù trời không mưa. Đoán có chuyện chẳng lành, cả đội tiếp tục cố thủ trong hầm. Nhưng khoảng 10 phút, nước chảy vào hầm ngày càng nhiều, ông và đồng đội quyết định “ngoi” khỏi hầm để chiến đấu. Vừa lên đến cửa hầm, đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu thì cả đội bật cười vì chỉ thấy 3 - 4 đứa trẻ đang dội nước vào ống thông hơi để… bắt chuột!

Cuối tháng 3-1975, tin chiến thắng lan khắp các chiến trường, cũng là lúc ông cùng đội vũ trang tuyên truyền nhận lệnh chuẩn bị tiếp quản chính quyền ở một số địa phương trên địa bàn thị xã Cam Ranh. Chiều 30-3-1975, thấy địch bắt đầu rút chạy khỏi một số xã trên địa bàn, tối cùng ngày, ông cùng đồng đội xuống tiếp quản xã Cam Tân và tổ chức họp dân, vận động nhân dân giao nộp vũ khí… Đến ngày 3-4-1975, thị xã Cam Ranh đã được giải phóng hoàn toàn. “Niềm vui chiến thắng quá lớn, tôi và đồng đội đã thức trắng 3 đêm liền” - ông Chi xúc động kể lại.

THÀNH LONG