Tiếp bước những đơn vị bộ đội vào giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa có bộ phận tiếp quản thuộc Khu ủy Khu V. Tuy không trực tiếp tham gia đánh địch, nhưng họ có vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình vùng vừa được giải phóng; giải quyết các vấn đề hậu chiến; chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xây dựng chính quyền nhân dân…
Tiếp bước những đơn vị bộ đội vào giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa có bộ phận tiếp quản thuộc Khu ủy Khu V. Tuy không trực tiếp tham gia đánh địch, nhưng họ có vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình vùng vừa được giải phóng; giải quyết các vấn đề hậu chiến; chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xây dựng chính quyền nhân dân… Chúng tôi xin giới thiệu hồi ức của ông Huỳnh Đức Tâm, nguyên Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, một trong những người đầu tiên tiếp quản Nha Trang lúc bấy giờ:
Bãi biển Nha Trang (ảnh minh họa). |
Tôi chỉ kể lại những gì tôi thấy, tôi biết vì công việc là của mọi người cùng làm chứ không riêng gì ai, tất cả đều vì sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ngày đó, tôi là một thành viên trong đoàn cán bộ thuộc Khu ủy Khu V đi tiếp quản thị xã Pleiku (Gia Lai). Sau khi có quyết định của Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam trong mùa khô 1975, đoàn của tôi nhận được thông báo của đồng chí Bùi Sang - Phó Bí thư Khu ủy Khu V truyền lệnh của Khu ủy giao nhiệm vụ cho đoàn trực tiếp xuống tiếp quản thị xã Nha Trang chứ không quay trở về Đà Nẵng như kế hoạch đã định. Nhận lệnh, đoàn của tôi gồm 10 người do đồng chí Nguyễn Chánh làm trưởng đoàn, tôi làm phó đoàn đi ô tô qua Kon Tum, Buôn Ma Thuột, theo đường 21 xuống Ninh Hòa. Đến đèo Phượng Hoàng, đoàn phải dừng lại một ngày trên đèo để chờ trận đánh giữa bộ đội chủ lực của ta với Lữ dù 3 của địch kết thúc. Chiều 1-4-1975, đoàn xuống tiếp quản Ninh Hòa. Lúc này, ngụy quân, ngụy quyền đã tháo chạy hết. Các thành viên trong đoàn vào nhà tù để thả các chiến sĩ cách mạng của ta bị giam giữ.
Sáng 2-4, đoàn từ Ninh Hòa chạy thẳng về thị xã Nha Trang. Cảnh vật làng mạc dọc đường đi tan hoang xơ xác. Vào đến đèo Rù Rì mới thấy không khí nhộn nhịp hơn, hai bên đường có những người dân mang cờ, khẩu hiệu chào đón bộ đội. Đến Nha Trang, đoàn được phân công tiếp quản khu vực quận 1 (nay thuộc các phường Xương Huân, Lộc Thọ, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Phương Sài, Phương Sơn, Ngọc Hiệp, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hải). Đoàn mang tên Ủy ban Quân quản (UBQQ) quận 1; tôi được bầu làm Bí thư Ban cán sự Đảng quận 1 kiêm Chủ tịch UBQQ. Để nắm rõ tình hình địa bàn và đảm bảo triển khai công việc được thuận lợi, chúng tôi tìm gặp đồng chí Nguyễn Thị Đo - một cán bộ hợp pháp thời bấy giờ. Từ đó, các thành viên bắt liên lạc với những cơ sở cũ của ta nhằm tiến hành xây dựng Ban tự quản ở địa phương. Tiếp đó, UBQQ tập hợp anh em kháng chiến để tạo lực lượng tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Cùng với đó, UBQQ còn cấp phát lương thực cứu đói cho nhân dân ở những vùng đói kém, thiếu thốn; tập hợp ngụy quân, ngụy quyền, yêu cầu ra đăng ký và giao nộp vũ khí; kiểm kê tài sản, phương tiện, tiền bạc, lương thực…; thực hiện đổi tiền cho dân… Tất cả những công việc đó tưởng chừng rất đơn giản nhưng để thực hiện được không hoàn toàn dễ dàng. Bởi quân địch, tuy đã thất bại và tháo chạy nhưng vẫn còn những phần tử chống đối nuôi âm mưu phá hoại, nếu không cẩn thận, chúng có thể gây tổn hại đến tài sản và tính mạng của người dân. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác liên lạc với cơ sở nên UBQQ đã kịp thời phát hiện được những tên ác ôn, những kẻ ngoan cố không ra đầu thú và những chỗ cất giấu vũ khí… Các thành viên trong UBQQ rất lưu tâm đến vấn đề lựa chọn những người có tinh thần trách nhiệm cao, thực sự liêm khiết để giao phó việc quản lý khối tài sản của Nhà nước, đảm bảo không để xảy ra thất thoát. Và UBQQ đã làm được điều này thông qua những hạt nhân cơ sở của mình. Những việc làm của UBQQ đã tạo điều kiện cần thiết cho việc thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời mấy tháng sau đó.
Có một kỷ niệm khá thú vị mà tôi còn nhớ: Năm 1973, chiến sự còn rất ác liệt, tôi có dịp đến Ninh Hòa thăm bạn. Khi chia tay, người bạn bảo: “Lần đầu bạn đến Khánh Hòa nhưng mình chưa mời bạn đi Nha Trang chơi được. Hẹn bạn lần sau trở lại mình sẽ dẫn bạn đến Nha Trang. Và điều tưởng chừng khó thực hiện ấy đã thành sự thật khi 2 năm sau đó, tôi trở lại Khánh Hòa, thăm Nha Trang, cũng là lúc thành phố được giải phóng. Và mảnh đất, con người Nha Trang hiền hòa, nhân hậu đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Được có mặt ở Nha Trang từ những ngày đầu giải phóng, tôi thấy diện mạo thành phố mình đổi thay nhiều lắm. Đường phố, nhà cửa được xây dựng đàng hoàng, khang trang, đời sống người dân ngày càng khấm khá. Sau giải phóng, thế hệ chúng tôi cũng đã nghĩ: hướng phát triển của Nha Trang chính là du lịch, nhưng trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới như bây giờ thì chưa ai hình dung tới. 35 năm sau giải phóng, Nha Trang - Khánh Hòa đã có những bước chuyển thật mạnh mẽ…
NHÂN TÂM (ghi)