Khu tái định cư Láng Chai (xã Cam Phước Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa) nằm trong dự án di dời để xây dựng hồ chứa nước Tà Rục. Từ khi triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhiều hộ dân trong vùng giải tỏa đã đổi đời vì có trong tay một số tiền lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện những nỗi lo. Lo vì không mấy gia đình nghĩ cách làm đồng vốn sinh sôi, nảy nở…
Khu tái định cư (TĐC) Láng Chai (xã Cam Phước Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa) nằm trong dự án di dời để xây dựng hồ chứa nước Tà Rục. Từ khi triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC, nhiều hộ dân trong vùng giải tỏa đã đổi đời vì có trong tay một số tiền lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện những nỗi lo. Lo vì không mấy gia đình nghĩ cách làm đồng vốn sinh sôi, nảy nở…
Trường tiểu học được khẩn trương xây dựng tại Khu tái định cư Láng Chai |
Từ trung tâm xã, rẽ về phía Tây Bắc khoảng 2km, Khu TĐC Láng Chai hiện ra trước mắt chúng tôi như một khu phố. Những dãy nhà TĐC nằm san sát nhau đã và đang được xây dựng. Nơi đây có điện đường, có tên đường hẳn hoi. Đây là một trong những khu TĐC mà theo chúng tôi là kiểu mẫu, bởi cơ sở hạ tầng như: điện, nước máy, đường, trường học… đều đầy đủ và kiên cố.
Theo dự án, toàn bộ 157 hộ đồng bào dân tộc Raglai (với gần 770 khẩu) từ xóm 9, thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây được di dời về sống ở khu TĐC này. Khi triển khai xây dựng khu TĐC, nhiều chính sách có lợi cho người dân cũng được thực hiện nhanh chóng. Nhà nước hỗ trợ 16,5 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà. Ngoài ra, Nhà nước cũng thực hiện chính sách “đất đổi đất”. Bởi lẽ, do đặc thù trước đây, đồng bào Raglai ở xóm 9, thôn Văn Sơn vẫn còn nhiều hộ sống chung với nhau trong một ngôi nhà; nhưng khi chuyển đến nơi ở mới, mỗi hộ đều được tách riêng để xây nhà. Đối với những hộ mới tách, do trước đó không có nhà, đất hoặc không đủ diện tích đất để đổi, Nhà nước đã linh động cấp bù để các hộ thuộc diện này đủ tiền mua một lô đất diện tích 400m2, với giá 12 triệu đồng/lô. Các trường hợp có đất nhiều hơn, khi về Khu TĐC Láng Chai, chính quyền cũng thực hiện khấu trừ diện tích đất cũ 400m2 để cấp một lô đất mới xây dựng nhà, số đất cũ còn thừa được đền bù bằng tiền mặt. Chính sách hợp lý, hợp tình như trên đã tạo điều kiện cho người dân sớm có nhà ở ổn định và kiên cố; người dân rất phấn khởi, nhanh chóng dọn về nơi ở mới. Ông Bo Bo Tấn Thành - người dân Khu TĐC Láng Chai cho biết: “Hồi trước, ở xóm 9, người dân sống rất khổ. Nhiều hộ không có nhà, phải ở chung với nhau, cũng không có đất sản xuất. Sau khi triển khai dự án hồ chứa nước Tà Rục, người dân được chuyển về đây, sống trong nhà mới khang trang, nhiều hộ có diện tích đất lớn cũng được đền bù nên còn có vốn làm ăn”.
Lần đầu tiên trong đời, nhiều gia đình được cầm trong tay một số tiền lớn. Bà con có tiền để góp thêm vào xây dựng những ngôi nhà khang trang, mua sắm nhiều phương tiện, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền cho gia đình. Điển hình như gia đình ông Bo Bo Tấn Thành được nhận đền bù 280 triệu đồng. Ông đã trích hơn 80 triệu đồng để xây dựng nhà và mua sắm, chi tiêu trong gia đình… Hiện nay, ông gửi ngân hàng 150 triệu đồng để dành làm vốn. Ông Nguyễn Quang Thông - Trưởng thôn Văn Sơn cho biết: “Nhiều người dân nhận được tiền đền bù từ dự án đã góp thêm vào để xây nhà đẹp, sắm xe máy và nhiều đồ nội thất trong gia đình. Người dân đã thật sự đổi đời từ khi về Khu TĐC Láng Chai. Hiện nay, người dân đang mong muốn chính quyền địa phương sớm tu sửa Trung tâm Học tập cộng đồng để có nơi sinh hoạt”.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng Khu TĐC Láng Chai đã ổn định. Ngoài hệ thống điện, nước máy, giao thông, nơi đây cũng đã xây dựng được trường mầm non phục vụ 4 nhóm tuổi và trường tiểu học quy mô 5 phòng để đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao dân trí. Tuy nhiên, nỗi lo trước mắt là chuyện người dân có thay đổi được cách nghĩ, cách làm khi nhận được số tiền lớn hay không? Ông Trần Đình Lập - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết: “Do giá đền bù ổn định nên Khu TĐC Láng Chai đã sớm được xây dựng để người dân định cư. Nhưng người dân khu TĐC này trước nay chỉ chủ yếu làm nương rẫy. Bây giờ, bỗng nhiên có một khoản tiền lớn; điều đó sinh ra hiện tượng tiêu dùng không tính toán, lười làm việc, thích ăn chơi. Khi mới nhận được tiền đền bù, các hộ dân đã gửi vào ngân hàng với tổng số tiền khoảng 9 tỷ đồng, còn hiện nay, đã rút ra hơn một nửa”.
Được biết, nhiều hộ gia đình ở đây được đền bù với số tiền lớn, có gia đình nhận gần 1 tỷ đồng! Số tiền quá lớn, lại có một cách nhanh chóng, đã làm nảy sinh suy nghĩ: “Trước kia, không có tiền vẫn sống được, vậy thì giờ cứ hưởng thụ đi rồi tính sau”. Dự báo được vấn đề này nên khi triển khai hỗ trợ tiền xây dựng nhà hoặc mua đất, Nhà nước đều giao trực tiếp cho chủ đầu tư hoặc giao cho Ban đền bù để tránh tình trạng người dân chưa quen quản lý nhiều tiền, sẽ dùng tiền tiêu xài phung phí, dễ dẫn đến tình trạng hết tiền mà vẫn không có nhà để ở.
Trên con đường vào khu TĐC, chốc chốc, chúng tôi lại bắt gặp cảnh những thanh niên phóng xe máy vèo vèo mà không hề đội mũ bảo hiểm. Chạnh nghĩ, cứ đà này, liệu người dân ở Khu TĐC Láng Chai có đổi đời thực sự khi mà cách nghĩ vẫn chưa đổi?
ĐẠI HẢI