08:04, 07/04/2010

Mừng vui ngày trở về…

Trong đoàn quân tiến về giải phóng Nha Trang ngày ấy, có một người con của vùng đất Khánh Hòa - ông Nguyễn Lương. Sau này, ông còn giữ nhiều trọng trách khác (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa) và có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển Khánh Hòa. Khi được hỏi kỷ niệm về những ngày lịch sử tháng 4-1975, ông xúc động hồi tưởng…

Trong đoàn quân tiến về giải phóng Nha Trang ngày ấy, có một người con của vùng đất Khánh Hòa - ông Nguyễn Lương. Sau này, ông còn giữ nhiều trọng trách khác (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa) và có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển Khánh Hòa. Khi được hỏi kỷ niệm về những ngày lịch sử tháng 4-1975, ông xúc động hồi tưởng…

Sinh năm 1930 ở vùng quê Ninh Đông (Ninh Hòa, Khánh Hòa) có truyền thống anh hùng cách mạng, năm 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Lương đã sớm giác ngộ, một lòng theo cách mạng. Suốt 30 năm hoạt động, kiên cường bám trụ trên mảnh đất quê hương, không ít lần ông bị kẻ thù tìm diệt, suýt chết khi đi liên lạc, xây dựng cơ sở; cái chết cận kề nhưng ông vẫn luôn giữ trọn niềm tin vào lý tưởng cách mạng. Ông nhớ lại: “Một đêm trăng sáng tháng 7-1960, tôi cùng một đồng chí của mình vào Ninh An, Ninh Thọ để bắt liên lạc, xây dựng lại cơ sở. Chưa kịp mừng thì hàng loạt đạn tiểu liên nhắm thẳng vào chúng tôi bắn xối xả; đồng chí đi cùng bị trúng đạn ở bụng, ngực và đã hy sinh, còn tôi bị đạn xuyên qua gối, bắp vế. Sau lưng đã nghe tiếng địch truy sát, tôi vừa lết vừa kéo theo một nhành cây để xóa dấu vết; phải mất hơn 10 giờ, tôi mới đến được Hòn Hấu, cách đó vài km”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Lương mãi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Rót ly nước trà mời khách, ông kể tiếp về những ngày Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng: “Tháng 3-1975, từ miền Bắc, tôi và anh Lê Tụng được giao nhiệm vụ về gấp Khánh Hòa để tham gia giải phóng nông thôn Khánh Hòa. 2 giờ khuya ngày hôm sau, chúng tôi cùng đoàn công tác của Khu ủy qua Kon Tum, rồi đến Pleiku, tại đây chúng tôi tiếp nhận thêm một số cán bộ của Khu ủy tăng cường cho lực lượng giải phóng Khánh Hòa. Đoàn về Buôn Ma Thuột rồi đi Khánh Dương trên 1 chiếc xe tải. Chúng tôi đến Khánh Dương khi Sư đoàn 10 chuẩn bị tấn công “lá chắn thép” của địch trên đèo Phượng Hoàng. Ngày 1-4, sau 3 ngày đêm, quân chủ lực của ta chọc thủng phòng tuyến đèo Phượng Hoàng. Ngồi trên xe tải theo đoàn quân chủ lực của ta tiến về đồng bằng, lòng tôi vui rộn rã. Chỉ ít giờ nữa thôi, chúng tôi sẽ cùng đoàn quân giải phóng về đến mảnh đất quê hương. Qua các trung tâm huấn luyện: Lam Sơn, Dục Mỹ, trường hạ sĩ quan… của địch, đoàn quân giải phóng tiến đến đâu, địch cuống cuồng bỏ chạy tán loạn đến đó. Tôi gặp lại nhiều anh em cán bộ của Ninh Hòa, xa nhau chưa lâu nhưng gặp lại nhau trong ngày quê hương được giải phóng, chúng tôi cứ rưng rưng nước mắt, không nói nên lời. Tôi còn nhớ như in, ngày chúng tôi tiến về huyện đường Ninh Hòa, khắp các ngả đường đổ về trung tâm, nhân dân đứng chật 2 bên đường đón chào bộ đội, người mang lương thực, thực phẩm, người mang nước, trái cây…; tất cả tình cảm đều dành cho đoàn quân giải phóng. Nhiều anh em lái xe ở Ninh Hòa tình nguyện đưa chúng tôi và bộ phận tiền phương của Tỉnh ủy cùng với Sư đoàn 10 tiến vào Nha Trang. 14 giờ chiều 2-4, đoàn quân giải phóng vượt đèo Rù Rì vào đến chân Núi Sạn, rồi dừng lại chờ công binh khắc phục sự cố cầu Xóm Bóng bị địch ném bom đêm 29-3. Sau khi cầu Xóm Bóng được khắc phục, quân giải phóng tiến vào tiếp quản Dinh Tỉnh trưởng, Sở Chỉ huy Quân đoàn 2 của địch, khu Kho 100… các mục tiêu khác trên địa bàn ta đã hoàn toàn làm chủ. Từ ngày 3 đến 5-4-1975, đoàn quân giải phóng tiếp tục tiến vào giải phóng và tiếp quản Cam Ranh. Tại Nha Trang, từ ngày 3 đến 6-4-1975, Đảng bộ, quân và dân ta đã thành lập và củng cố chính quyền địa phương”.

Kể đến đây, ông xúc động tâm sự: “Tôi thật may mắn khi được cùng với Sư đoàn 10 từ Buôn Ma Thuột theo đường 21 (nay là Quốc lộ 26) tiến về giải phóng Ninh Hòa, vào tiếp quản Nha Trang rồi đi Cam Ranh. Suốt 30 năm hoạt động cách mạng tôi chỉ mơ có ngày quê hương được giải phóng, vậy là đã thành hiện thực. Ngày chiến thắng vui như ngày hội, ai nấy đều mừng vui khôn xiết”.

Khi tôi xin phép ra về, ông còn đọc cho tôi nghe bài thơ mà ông viết khi tròn 60 năm tuổi Đảng: 60 tuổi Đảng đã rồi/Còn 3 năm nữa tuổi đời 80/Hiếu trung giữ vẹn mười mươi/Một lòng theo Đảng sáng ngời niềm tin. Đã 35 năm trôi qua, người chiến sĩ cộng sản ấy tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn nhiệt huyết. Cả cuộc đời ông gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương đất nước. Ông mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

BÍCH LA