06:04, 14/04/2010

Chủ nhà trọ tùy tiện tăng giá điện

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến “giá điện nhà trọ” mà các chủ nhà áp dụng với người thuê. Nhiều chủ nhà đã tùy tiện thu tiền điện của người thuê nhà với mức giá cao hơn so với quy định, trong khi chủ nhà vẫn được mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang.

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến “giá điện nhà trọ” mà các chủ nhà áp dụng với người thuê. Nhiều chủ nhà đã tùy tiện thu tiền điện của người thuê nhà với mức giá cao hơn so với quy định, trong khi chủ nhà vẫn được mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang.

Với người thuê nhà hiện nay, khi chủ nhà đòi tăng giá điện, họ chỉ có một cách duy nhất: hạn chế sử dụng các thiết bị điện.

Ngày 24-2-2010, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BCT quy định giá bán điện và hướng dẫn điều chỉnh giá bán điện năm 2010. Thực hiện chủ trương hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, khó khăn của Chính phủ, Thông tư trên quy định giá điện sinh hoạt bậc thang theo hướng: 50 kWh đầu tiên giữ ở mức giá 600 đồng/kWh như năm 2009. Các đối tượng là sinh viên, người lao động thuê nhà sẽ được trực tiếp mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành. Nhưng thực tế, người thuê nhà ở TP. Nha Trang đang phải trả tiền điện với mức giá cao hơn  quy định.

° Giá “điện kinh doanh”? 

Chúng tôi đến đường Đoàn Trần Nghiệp - nơi có rất nhiều nhà cho sinh viên thuê và trò chuyện với sinh viên Võ Thành Được (năm 3 Trường Đại học Nha Trang, trọ tại nhà số 22/23 Đoàn Trần Nghiệp). Được cho biết: “Từ nhiều năm nay, các nhà trọ tại khu vực này đều thu tiền điện theo kiểu dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Hiện nay, chúng tôi phải trả tiền điện với giá 2.500 - 3.000 đồng/kWh (trong khi giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất theo quy định mới là 1.890 đồng/kWh). Phòng tôi có 3 người ở, mỗi tháng tiết kiệm lắm cũng mất gần 50 kWh. Tính ra, riêng tiền điện đã hết 125 nghìn đồng/tháng, trong khi với mức tiêu thụ điện năng này, chúng tôi chỉ phải trả vài chục nghìn đồng. Hiện giờ, thời tiết nắng nóng nhưng chúng tôi chỉ dám bật quạt điện một lúc rồi tắt để giảm tối đa tiền điện”. Đây cũng là biện pháp tiết kiệm điện bất đắc dĩ của nhiều sinh viên khác đang ở trọ tại đường Đoàn Trần Nghiệp.

Chị Trần Thị Hạnh - một công nhân đang thuê trọ tại đường Trương Hán Siêu tâm sự: “Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tăng lên, giá điện cũng có sự điều chỉnh nên chủ nhà trọ được dịp “té nước theo mưa”, khiến cho đời sống của công nhân càng khó khăn hơn. Vì vậy, tuy trời nắng nóng nhưng tôi không dám sử dụng quạt điện và tủ lạnh; các thiết bị điện khác chỉ sử dụng lúc cần thiết để tiết kiệm tối đa tiền điện”.

Tại nơi thuê trọ của các sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, vấn đề “giá điện nhà trọ” cũng tương tự. Trong vai sinh viên đi tìm thuê nhà, chúng tôi được nghe một chủ nhà trọ trên đường Hòn Nghê “phán”: “Phòng trọ 3 người giá 400 nghìn đồng, điện 2.000 đồng/kWh, nước 8.000 đồng/m3, thích thì thuê, không trả giá!”. “Người thuê mà có ý kiến thì chủ nhà nói ngay: Mời đi tìm nhà khác mà ở!” - sinh viên Võ Thành Được cho chúng tôi biết thêm.

Lý giải về việc tăng giá này, các chủ nhà trọ cho rằng, giá điện tăng nên người thuê nhà phải trả thêm tiền cho mỗi kWh điện mà họ sử dụng là tất nhiên. Xem ra, sinh viên, người lao động đi thuê nhà khó mặc cả được với chủ nhà về giá tiền điện.

° Làm sao khống chế?

Tìm hiểu thêm qua Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, chúng tôi được biết, Thông tư số 08/2010/TT-BCT quy định đối với trường hợp cho thuê nhà sinh hoạt, để ký hợp đồng mua điện, chủ nhà phải xuất trình giấy đăng ký tạm trú của người thuê nhà. Tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện duy nhất. Trường hợp sinh viên, người lao động thuê nhà có thời hạn hợp đồng từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc ủy quyền cho đại diện người thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện; cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú) được tính là một hộ sử dụng điện để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính tiền điện. Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình giấy đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người thuê làm căn cứ tính định mức khi thanh toán tiền điện…   

Qua trao đổi với chúng tôi, nhiều sinh viên, người lao động thuê nhà cho biết, do số người ở trọ không phải luôn ổn định nên sẽ khó khăn khi tính định mức thanh toán. Bên cạnh đó, về mặt tâm lý, hiếm có chủ nhà trọ nào lại “nhiệt tình” khai báo với ngành Điện về số người thuê nhà mình để xin định mức điện cho người thuê; bởi thực tế, chỉ cần khéo che giấu là có thể hưởng chênh lệch đáng kể giữa mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang theo quy định và mức giá “điện kinh doanh” mà họ tự ý áp đặt cho người thuê!

Việc cho phép người thuê nhà được hưởng giá điện sinh hoạt bậc thang là chính sách rất có ý nghĩa đối với người lao động có thu nhập thấp, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng để nội dung văn bản trên đi vào cuộc sống, rất cần sự sâu sát của nhiều cơ quan và chính quyền địa phương, trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chủ nhà cho thuê thu tiền điện của người thuê nhà với giá cao nhằm trục lợi.

BÍCH LA