Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại Nha Trang; lớn lên, ông đi nhiều nơi để học tập chuẩn bị cho ngày kiến thiết quê hương. Ngày Nha Trang được giải phóng, ông đang tu nghiệp tại Liên Xô, song trong sâu thẳm con người mình, ông vẫn mong muốn có một ngày được trở về phục vụ và đóng góp cho Khánh Hòa thân yêu.
Kỳ 1: Công nghiệp mía đường Khánh Hòa có khả năng tiến lên hiện đại bằng tự lực cánh sinh
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại Nha Trang; lớn lên, ông đi nhiều nơi để học tập chuẩn bị cho ngày kiến thiết quê hương. Ngày Nha Trang được giải phóng, ông đang tu nghiệp tại Liên Xô, song trong sâu thẳm con người mình, ông vẫn mong muốn có một ngày được trở về phục vụ và đóng góp cho Khánh Hòa thân yêu.
Ông Nguyễn Thiết Hùng (nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), sinh ngày 10-10-1940, tại Nha Trang. Ông may mắn được sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống cách mạng. Ngay từ thời thơ ấu, ông đã cùng gia đình bôn ba nhiều nơi theo kháng chiến. Cũng chính vì thế, ngọn lửa cách mạng sớm được khơi dậy trong ông. Tuy được Đảng đưa ra miền Bắc đào tạo cán bộ nguồn để chuẩn bị xây dựng miền Nam sau ngày thắng lợi nhưng đã 2 lần, ông xin được đi B để chiến đấu giải phóng quê hương. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông không được chấp nhận. Năm 1966, ông tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng và tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Nông nghiệp. Sau một thời gian dài tu nghiệp và giảng dạy, năm 1985, ông chính thức chuyển sang công tác tại Sở Thủy sản và bắt đầu chặng đường đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Suốt thời gian dài công tác tại tỉnh, ở mỗi cương vị lãnh đạo, ông đều để lại những dấu ấn nhất định. Khi được hỏi về những gì ông hài lòng trong công cuộc xây dựng Khánh Hòa phát triển, ông đã bộc bạch:
“Trong cuộc đời công tác, tôi chưa làm được gì nhiều cho tỉnh, cho đất nước, nhưng những vấn đề tôi trăn trở vẫn là những vấn đề của thời đại. Tôi tự hào tư duy của mình đã không lạc hậu so với tư duy của nhân loại hiện đại trong chiều sâu, song với chức vụ không lớn nên tôi chỉ có thể thực hiện một số việc trong quyền hạn cho phép. Tôi hiểu rằng, mức sống của nhân dân mình còn quá thấp nên cần phải chăm lo phát triển kinh tế. Đồng thời, cần nắm chắc các tiềm năng tái tạo và không tái tạo của đất nước, tranh thủ khai thác nhanh chóng các tiềm năng tái tạo với tư duy là khai thác nhiều hơn, tốt hơn. Những tiềm năng tái tạo được phải phát triển mạnh mẽ và chất lượng hơn. Có vậy đất nước mới phát triển bền vững. Đối với các tiềm năng không tái tạo được phải sử dụng tiết kiệm, khoa học. Quá trình khai thác nguồn tiềm năng này đồng thời cũng là quá trình nghiên cứu tìm cái mới thay thế bền vững.
Trong cuộc đời công tác của mình, có khá nhiều điều để tôi hài lòng, tuy nhiên, có hai việc mà tôi cảm thấy tự hào nhất, đó là Chương trình phát triển mía đường và phủ điện nông thôn. Về Chương trình mía đường, Khánh Hòa với tính tích cực riêng của mình đã chủ động xây dựng Chương trình mía đường phát triển một cách mạnh mẽ. Tôi tự hào về nền công nghiệp non trẻ, đầy tinh thần tự lực tự cường; tất cả các đoàn công tác của Trung ương về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hầu hết đều được đưa đến thăm nhà máy đường (NMĐ). Tôi còn nhớ có lần đồng chí Trần Đức Lương vào thăm các NMĐ của chúng ta, do thấy được hiệu quả từ mô hình mà chúng ta đạt được nên sau khi trở về Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp với các bộ, ngành Trung ương, có mời Chủ tịch UBND tỉnh và anh Liêm (hiện nay là Giám đốc NMĐ Cam Ranh) cùng dự. Kết luận của cuộc họp là xây dựng riêng một chương trình cơ khí đường quốc gia với mục tiêu tự thiết kế và chế tạo các NMĐ công suất từ 500 tấn mía/ngày trở lên, đồng thời tiến cử đồng chí Liêm làm Chủ nhiệm chương trình này.
Khi thấy được những tiềm năng của chương trình mía đường, tôi đã khuyến khích đồng chí Liêm suy nghĩ và tiếp tục phát triển mía đường địa phương. Nhìn cung cách làm ăn và khả năng công nghệ của đồng chí Liêm, tôi hy vọng công nghiệp mía đường Khánh Hòa có khả năng phát triển tuần tự, tiến lên hiện đại bằng tự lực cánh sinh. Tôi cảm thấy đồng chí Liêm có khả năng nghiên cứu, nắm được công nghệ mía đường hiện đại của thế giới, từng bước sẽ hiện đại hóa ngành mía đường Khánh Hòa và quốc gia.
Chính từ sự tin tưởng đó, cùng với tài năng của đồng chí Liêm nên trong một thời gian ngắn, tỉnh chúng ta đã có một ngành mía đường hùng hậu. Mía đường Khánh Hòa đã tự thiết kế và xây dựng thành công 3 NMĐ hiện đại: Diên Khánh công suất 400 tấn mía/ngày, Ninh Hòa công suất làm việc thực tế 2.500 tấn mía/ngày và Cam Ranh 8.000 tấn mía/ngày.
Chương trình mía đường Khánh Hòa đang phát huy tác dụng, ngày càng có ý nghĩa trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong công nghiệp hóa Khánh Hòa. Hiện nay, diện tích đất trồng mía đã xấp xỉ với diện tích đất trồng lúa. Với điều kiện tự nhiên của Khánh Hòa, có khả năng trong tương lai, cây mía sẽ chiếm vị trí đầu bảng về diện tích. Nếu lãnh đạo các thế hệ tiếp theo tiếp tục quan tâm đến cây mía thì cây công nghiệp này sẽ là một trong những cây công nghiệp đóng góp quan trọng cho sự phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp trong tương lai…”.
LAM ĐIỀN
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Thiết Hùng)
Kỳ 2: Nếu chịu khó tìm tòi, vẫn có thể làm được những công trình hạ tầng trong điều kiện khó khăn