Trong chiến tranh, ngành Giao thông vận tải Khánh Hòa luôn đi trước một bước để đảm bảo hậu cần cho các chiến dịch. Trong thời bình, ngành cũng đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Trong chiến tranh, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Khánh Hòa luôn đi trước một bước để đảm bảo hậu cần cho các chiến dịch. Trong thời bình, ngành cũng đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân. 35 năm sau ngày Khánh Hòa giải phóng, ngành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới đường giao thông hiện nay tăng gần 5 lần so với năm 1975, mặt đường được nhựa hóa 53%, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm.
Sau 35 năm, đường biển Khánh Hòa trở thành tuyến đường du lịch vào loại đẹp nhất của Việt Nam. |
Qua 35 năm, mạng lưới đường giao thông hiện nay ở Khánh Hòa tăng gần 5 lần so với năm 1975, mặt đường được nhựa cứng hóa 53%. Nhiều con đường, cây cầu được làm mới và mở rộng như: Tỉnh lộ (TL) 9, TL8, Khánh Lê - Lâm Đồng, Đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng, đường lên Hòn Bà, đường ra Đầm Môn, cầu Bình Tân, cầu Trần Phú… là những thành tựu ghi dấu sự đổi thay, phát triển trên quê hương Khánh Hòa. Từ năm 2006 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 về chiến lược kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: “Xây dựng kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước”, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển GTVT giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2020. Đến nay, đường từ Nha Trang đi các huyện đều là đường nhựa, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, các tuyến đường nội thị, nội thành được nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt các khu đô thị.
Một trong những thay đổi quan trọng là tại 2 cửa ngõ chính vào TP. Nha Trang: Cửa ngõ phía Bắc với các tuyến 2-4 (chỉ giới 32m) và tuyến ven biển Vĩnh Lương - Trần Phú nối dài (chỉ giới 26m). Cửa ngõ phía Nam với các tuyến 23-10 (chỉ giới 30m), đường Suối Cát - Phước Đồng (chỉ giới 35m), sân bay Cam Ranh - Sông Lô - Bình Tân (chỉ giới 35 - 60m) nay là Đại lộ Nguyễn Tất Thành. Các cầu lớn, hiện đại được xây dựng, nâng cấp như: cầu Bình Tân qua sông Cửa Bé (dài 304m), cầu Trần Phú qua sông Cái (dài 450m). Năm 2008, hoàn thành đường Phạm Văn Đồng nối với Quốc lộ 1A (xã Vĩnh Lương); đường vòng Núi Chụt tạo thành tuyến đường ven biển dài 25km, trở thành tuyến đường du lịch vào loại đẹp nhất của Việt Nam. Đặc biệt, tuyến Khánh Lê - Lâm Đồng hoàn thành đã rút ngắn được 90km khoảng cách Nha Trang đi Đà Lạt, tạo thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế và du lịch giữa 2 thành phố.
Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông nông thôn cũng phát triển mạnh mẽ, hàng ngàn kilomet đường, hàng trăm cầu, cống, ngầm tràn được làm mới, nâng cấp đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, từng bước đổi mới bộ mặt nông thôn hiện nay. Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 21 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về phát triển giao thông miền núi, vùng sâu, vùng xa, song song với đường Ninh Phước - Ninh Vân (huyện Ninh Hòa), Sở GTVT đã triển khai dự án cầu qua sông Hàm Leo (huyện Khánh Sơn). Dự án hoàn thành đã nối huyện Khánh Sơn với huyện Bắc Ái (tỉnh Ninh Thuận) tạo nên tuyến giao thông mới, khắc phục tình trạng huyện Khánh Sơn chỉ có TL9 bị cô lập khi có lũ lớn.
Cùng với đường bộ, đường thủy nội địa, sự phát triển của tuyến đường sắt qua tỉnh, sự phát triển của sân bay quốc tế Cam Ranh cũng như hệ thống cảng biển, đặc biệt là Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã mở ra cơ hội mới, vận hội mới, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, việc triển khai 8 tuyến xe buýt nội thị, đầu tư hơn 1.000 xe khách chất lượng cao thay thế xe cũ, hơn 700 xe taxi, 500 tàu thuyền chở khách với tổng trị giá gần 3.000 tỷ đồng đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu của xã hội. Có thể nói, sự phát triển trong lĩnh vực vận tải đã mang lại diện mạo mới, văn minh hơn, hiện đại hơn cho ngành GTVT đang trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong phát triển nguồn nhân lực, ngành đã quản lý đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô, tàu thuyền cho hơn 300 ngàn lượt người, kiểm định kỹ thuật cho hơn 100 ngàn lượt xe cơ giới.
Sau 35 năm, những thành tựu mà cán bộ, công nhân viên ngành GTVT đạt được khẳng định một giai đoạn trưởng thành và phát triển vượt bậc của tỉnh. Ngành GTVT tự hào với những kết quả đạt được khi từng giai đoạn phát triển của ngành gắn với những đổi thay, phát triển của tỉnh, xứng đáng là ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn của tỉnh trong công cuộc xây dựng CNXH.
NHÃ UYÊN