03:04, 02/04/2010

Gặp nữ phát thanh viên đầu tiên trong ngày giải phóng

21 giờ các ngày Thứ hai, tư, sáu và 12 giờ Thứ ba, Chủ nhật hàng tuần, người dân Nha Trang - Khánh Hòa lại háo hức mở đài AM và FM để được nghe giọng đọc trầm ấm của chị Cao Thị Hương (thường gọi là Cao Hương) trong chuyên mục kể chuyện đêm khuya. Với giọng đọc trầm ấm, truyền cảm, chị đã đem đến cho khán giả hàng ngàn câu chuyện về thân phận, cuộc sống của con người trong chiến tranh hay thời bình. Ít ai biết, chị là phát thanh viên (PTV) đầu tiên đọc bản thông báo của Ban Quân quản Khánh Hòa ngày Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng.

21 giờ các ngày Thứ hai, tư, sáu và 12 giờ Thứ ba, Chủ nhật hàng tuần, người dân Nha Trang - Khánh Hòa lại háo hức mở đài AM và FM để được nghe giọng đọc trầm ấm của chị Cao Thị Hương (thường gọi là Cao Hương) trong chuyên mục kể chuyện đêm khuya. Với giọng đọc trầm ấm, truyền cảm, chị đã đem đến cho khán giả hàng ngàn câu chuyện về thân phận, cuộc sống của con người trong chiến tranh hay thời bình. Ít ai biết, chị là phát thanh viên (PTV) đầu tiên đọc bản thông báo của Ban Quân quản Khánh Hòa ngày Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng.

 Chị Cao Hương trong một chương trình thu âm ở Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa

Tôi gặp chị trong một buổi thu âm tại đài. câu chuyện chị đọc hôm ấy nói về cuộc tổng tiến công đại thắng mùa xuân năm 1975. Vẫn với giọng đọc truyền cảm và cách xử lý kỹ thuật phù hợp với cốt truyện, chị dẫn dắt người nghe trở về thời kỳ oanh liệt, hào hùng của những trận đánh như thác đổ của quân và dân ta trong đợt tổng tiến công giải phóng đất nước. Hỏi chuyện về ngày 2-4-1975 - ngày chị được chọn là PTV đầu tiên đọc bản thông báo của Ban Quân quản và cũng là ngày đưa chị đến với nghề PTV - chị bồi hồi kể: “Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4-1975 ở Nha Trang, tình hình vô cùng hỗn loạn, ngụy quân, ngụy quyền trên đường rút chạy nổ súng bừa bãi, một số lợi dụng sự hỗn loạn để cướp bóc. Là thành viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng Nha Trang, tôi cùng với một số anh chị em thanh niên cơ sở nội thành ngồi trên xe Jeep chạy khắp thị xã Nha Trang phát loa kêu gọi nhân dân bình tĩnh, giữ gìn trật tự an ninh, sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn trình diện và giao nộp vũ khí cho chính quyền quân quản. Chiều ngày 2-4, tôi nhận được thông báo sáng mai đến Đài Phát thanh đọc bản thông báo của Ban Quân quản. Tối hôm đó, tôi trằn trọc suốt đêm, hãnh diện cũng nhiều mà lo lắng và hồi hộp cũng không kém. 5 giờ sáng 3-4-1975, tôi được đồng chí Triệu Phong - cán bộ Ty Văn hóa - Thông tin Khánh Hòa đến đón đưa đến Đài Phát thanh (ở số 4 Mả Vòng - nay là cơ sở Truyền hình cáp Nha Trang).nhẩm đi nhẩm lại bản thông báo nhiều lần nhưng do hồi hộp nên lần phát sóng trực tiếp đó, giọng đọc của tôi hơi run. Tôi vẫn nhớ như in nội dung của bản thông báo với thời lượng 3 phút, báo cho người dân biết Nha Trang - Khánh Hòa đã được giải phóng hoàn toàn; kêu gọi sĩ quan, binh lính chế độ ngụy quyền ra trình diện chính quyền cách mạng, giao nộp vũ khí, nhân dân giữ gìn trật tự, an ninh… Được các đồng nghiệp góp ý bản đọc lần sau của tôi thực hiện khá tốt, sau đó được ghi âm vào băng và phát sóng nhiều lần trong ngày. Đó là ngày đầu tiên tôi bước vào nghề và ngày 3-4 cũng được chọn là ngày thành lập Đài Phát thanh Khánh Hòa (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa). Và từ ngày ấy, tôi gắn bó với nghề PTV”.

Chị Cao Thị Hương là người gốc Huế, sinh ra và lớn lên ở Nha Trang trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ thời học phổ thông, chị đã tích cực tham gia các hoạt động chống đối chiến tranh trong phong trào học sinh sinh viên của thị xã Nha Trang. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và về lại Khánh Hòa dạy học, được các đồng chí cán bộ cách mạng hoạt động ở nội thành Nha Trang giác ngộ, chị bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ phụ trách sinh viên học sinh và làm công tác thanh vận tổ chức đấu tranh chính trị công khai chống Mỹ ngụy tại Nha Trang; móc nối và giao tài liệu cho các cán bộ cơ sở cách mạng ở Cam Ranh. Chị hoạt động tích cực và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tháng 4-1975, chị được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng Nha Trang. Và từ đó đến nay, như duyên số, trong những lần truyền hình trực tiếp kỷ niệm ngày Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng (10 năm, 20 năm, 30 năm), chị luôn được chọn là người đọc chính trong lễ kỷ niệm.

Về hưu đã gần 5 năm nhưng chị Cao Thị Hương vẫn cộng tác với Đài trong chương trình đọc truyện, thuyết minh phim và các thể loại khác. Và có thể nói cho đến nay, chưa có giọng đọc nào vượt qua và thay thế được chị trong chương trình đọc truyện đêm khuya.

T.L

.