05:04, 01/04/2010

Nhiều đổi mới trong chăm sóc và giáo dục trẻ

15 cấp dưỡng (CD) và 28 giáo viên (GV) đạt loại xuất sắc và giỏi là kết quả của Hội thi CD, GV giỏi mầm non (MN) cấp tỉnh năm học 2009 - 2010. So với những năm trước, hội thi năm nay có nhiều nội dung đổi mới trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.

15 cấp dưỡng (CD) và 28 giáo viên (GV) đạt loại xuất sắc và giỏi là kết quả của Hội thi CD, GV giỏi mầm non (MN) cấp tỉnh năm học 2009 - 2010. So với những năm trước, hội thi năm nay có nhiều nội dung đổi mới trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.

° Một góc trưng bày sản phẩm đồ dùng tự làm của các đơn vị tại hội thi.

Được tổ chức 2 năm 1 lần, hội thi năm nay thu hút 20 CD và 44 GV MN công lập và dân lập tham gia. Năm học này là năm đầu tiên toàn tỉnh thực hiện chương trình giáo dục MN mới đại trà, năm thực hiện chủ đề: “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” và là năm thứ 2 thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên so với những năm trước, hội thi lần này có nhiều điểm mới. Về hình thức, hội thi năm nay được tổ chức theo 3 cụm: cụm Cam Ranh (gồm: huyện Khánh Sơn, Cam Lâm và thị xã Cam Ranh); cụm Nha Trang (TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và Trường MN Hương Sen); cụm Ninh Hòa (huyện Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh). Việc tổ chức thi theo cụm giúp thí sinh đi lại được thuận tiện, ít tốn kém. Về nội dung: ở vòng thi cấp trường, huyện, thị xã, thành phố, CD phải thi lý thuyết và thực hành chế biến món ăn cho trẻ; còn GV thi 1 nội dung chăm sóc và 1 nội dung giáo dục. Ở vòng thi cấp tỉnh, các thí sinh chỉ thi 1 nội dung: CD thi chế biến 1 bữa ăn phụ cho 10 cháu, GV tổ chức một hoạt động giáo dục dưới hình thức bốc thăm.

So với các hội thi trước, chất lượng của hội thi năm nay được nâng cao. Các món ăn do CD chế biến khá phong phú, thể hiện được thực đơn các vùng miền: xúp tôm cua (miền biển), xúp khoai mì - rau (miền núi), xôi gấc, rau câu, cháo dinh dưỡng cho trẻ ở nhà trẻ…; hình thức trình bày rõ ràng, đẹp; thực phẩm hợp lý, cân đối, các điều kiện để thực hành hợp vệ sinh an toàn thực phẩm; thao tác chế biến món ăn nhanh, gọn, sạch, kỹ thuật chế biến đúng quy trình… kích thích sự thèm ăn của trẻ. Một số CD thể hiện tốt bài thi của mình như: Châu Thị Kim Lan (Cam Ranh), Mấu Thị Thu Thảo (Khánh Sơn), Trương Thị Thu (Khánh Vĩnh), Phạm Thị Lệ Đoạt (Nha Trang)…

Do đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục MN mới đại trà và nội dung mới được áp dụng vào hội thi nên GV có phần lúng túng trong khâu tổ chức các hoạt động để các cháu được khám phá và trải nghiệm. Nhìn chung, đa số các kế hoạch được GV soạn rõ ràng, đưa ra yêu cầu phù hợp, phần trình bày cũng như các phương tiện dạy học được bố trí đầy đủ và hợp lý, kích thích trẻ hoạt động. Nhiều GV xây dựng nội dung hoạt động phù hợp, gần gũi với cuộc sống và vốn kinh nghiệm của trẻ, giúp trẻ khám phá có hiệu quả các chủ đề; tích hợp các nội dung hoạt động nhẹ nhàng, tự nhiên, phát huy tính tích cực của trẻ như: tiết dạy của cô giáo Minh Châm - Trường Mẫu giáo 2-4 (Cam Ranh), cô giáo Kim Chi - MN Diên An (Diên Khánh), cô giáo Lê Thị Yên - Trường MN Hương Sen (Nha Trang), cô giáo Đặng Trinh - Trường MN Bình Minh (Vạn Ninh)… Ngoài ra, nhiều GV khai thác đồ dùng dạy học có hiệu quả, sử dụng tốt các sản phẩm do trẻ làm ra để giúp trẻ tự học, tự chơi. Điểm nổi bật trong hội thi lần này là GV MN dân lập có nhiều chuyển biến tích cực trong việc đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ.

Một bước tiến khá lớn của hội thi năm nay là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của GV khá linh hoạt, hiệu quả. Nhiều GV đã biết ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ, làm tăng sự sinh động của giờ học; đồng thời góp phần chính xác hóa kiến thức, kỹ năng cần cho trẻ (cô Ngọc Trâm - Vạn Ninh, cô Xuân Trang - Khánh Vĩnh…).

Nhận xét về hội thi, bà Trần Thị Lẫy - Trưởng phòng MN, Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Bên cạnh những mặt đạt được, ở hội thi lần này vẫn còn nhiều “hạt sạn”, thể hiện một số kế hoạch GV xây dựng còn ôm đồm, ít phù hợp với khả năng và sự phát triển của trẻ; nhiều hoạt động còn nhầm lẫn giữa kiến thức và kỹ năng; một số nội dung hoạt động còn mang tính truyền đạt kiến thức chung, tích hợp nhiều nội dung không cần thiết (như các hoạt động: Tết trên quê hương em, Dưa món ngày Tết, Thêm bớt trong phạm vi 8, Chú gà trống dễ thương…). Ngoài ra, cách thức tổ chức hoạt động của nhiều GV còn mang tính áp đặt, chưa lấy trẻ làm trung tâm, một số GV chưa chú ý đến hoạt động theo nhóm; có hoạt động mang tính biểu diễn, diễn kịch hơn là dạy. Qua hội thi, chúng tôi cũng rút ra một số vấn đề cần lưu ý trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục MN thời gian tới như: cần bồi dưỡng cho GV MN cách tổ chức các hoạt thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức; đặc biệt tổ chức cho trẻ khám phá khoa học, phát triển ngôn ngữ; quan tâm hơn đến việc bồi dưỡng cho GV MN dân lập và tư thục”.

XUÂN SƠN