04:04, 08/04/2010

Hạnh phúc từ những bữa cơm gia đình

Từ xa xưa, đối với người Việt Nam, bữa cơm gia đình đã trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bữa cơm không những là không gian để mọi người có điều kiện gặp gỡ, chăm sóc nhau mà còn có dịp trao đổi, tâm tình bên nhau. Ấy vậy mà có những gia đình, bữa cơm thường vắng bóng người chồng…

Từ xa xưa, đối với người Việt Nam, bữa cơm gia đình đã trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bữa cơm không những là không gian để mọi người có điều kiện gặp gỡ, chăm sóc nhau mà còn có dịp trao đổi, tâm tình bên nhau. Ấy vậy mà có những gia đình, bữa cơm thường vắng bóng người chồng…

° Đầm ấm

Hãy nâng niu và quý trọng bữa cơm gia đình (Ảnh minh họa)
Tuy đạm bạc, chỉ một chút thịt hoặc cá và rau dưa, nhưng hầu như bữa cơm nào, vợ chồng anh chị Phước - Thủy cũng có mặt đầy đủ. Với anh Phước, ngày bé, hình ảnh người mẹ chuẩn bị bữa cơm gia đình đã in đậm trong tâm trí anh. Những chén cơm đầy thức ăn do ba mẹ gắp cho; những câu chuyện đầu đời, hay cách đối nhân xử thế… như vẫn còn đâu đây, mặc dù anh xa nhà đã hơn chục năm nay. Chính vì vậy, từ khi lấy vợ, chỉ khi nào có lý do đặc biệt lắm, anh mới vắng mặt. Anh nói: “Hai vợ chồng đi làm, hàng ngày cha mẹ, con cái chỉ gặp nhau trong lúc ăn cơm, nên tôi quý bữa cơm gia đình lắm. Thằng cu Bi nhà tôi hôm nào được điểm cao là biết liền. Trong bữa ăn, nó nói hết chuyện nọ đến chuyện kia. Có bữa cu cậu ăn ít, nhìn con là tôi hiểu hoặc cháu vừa bị điểm kém, hoặc đang bị bệnh”. Chị Thủy tâm sự: “Ông xã mình ít khi vắng mặt trong mâm cơm gia đình. Mình thương anh ấy ở chỗ đó. Chính vì vậy, mình rất hạnh phúc khi được phục vụ chồng con. Có món nào mới, ngon đọc được trong sách báo hay do bạn bè mách bảo, mình áp dụng ngay. Nhiều khi thấy vợ mệt, ông xã cũng vào bếp một cách vui vẻ, nấu ăn ngon ra phết!”.

Vợ chồng anh Tư, chị Hải ở đường 2-4 Nha Trang có 2 đứa con. Anh chị là công nhân, làm theo ca ở 2 xí nghiệp khác nhau. Chính vì vậy, thỉnh thoảng vợ chồng không được ăn cơm cùng với con cái. Để duy trì bữa cơm hàng ngày, chị Hải lo chuẩn bị chu đáo đồ ăn. Anh Tư về sớm, chỉ việc vào bếp một lúc là có cơm dẻo canh ngọt. Anh chị dạy các con, trước khi ăn phải biết mời người lớn; biết nhường nhịn nhau, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Thậm chí có những điều rất nhỏ như chấm thức ăn không được đưa ngay lên miệng mà phải gắp vào chén, sau đó mới ăn; húp canh không để kêu thành tiếng; không được vừa ăn, vừa nói, văng thức ăn ra ngoài… cũng được anh chị chỉ bảo cặn kẽ. Được cha mẹ dạy dỗ chu đáo, 2 đứa con của anh chị rất ngoan.

Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có những lần phải xa gia đình. Sự xa cách làm cho nỗi nhớ tăng lên, nhưng nhớ nhất vẫn là cảnh gia đình đầm ấm bên mâm cơm. Là sinh viên sống xa nhà, bạn trẻ nào cũng có tâm sự thèm có được bữa cơm gia đình. Ước muốn ấy không hẳn do không đầy đủ về vật chất, mà chính là do thiếu thốn về tinh thần. Bạn Lan Hương, sinh viên, trong một lần gửi mail về nhà đã tâm sự: “Con thèm lắm bữa cơm giản dị ở quê nhà. Bữa cơm đạm bạc nhưng sao khi đi xa con lại nhớ đến vậy!”.

° Hãy quý trọng nó!

Cạnh nhà tôi trong khu tập thể có một gia đình, hễ đến giờ ăn là lại có chuyện. Khi thì cha mẹ quát mắng con cái, lúc thì cha mẹ cãi nhau, con cái nói lại cha mẹ. Việc xào xáo trong gia đình nọ đã làm nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao cứ đến giờ ăn, họ lại to tiếng với nhau. Hỏi ra mới biết, bữa nào ông chồng đi nhậu, bà vợ không thấy chồng về đã bực tức, trút cơn giận lên mấy đứa trẻ. Lúc có mặt chồng, bà vợ lại cằn nhằn, rằng đứa này hư, đứa kia hư. Ông chồng nghe được, sẵn có tính nóng, đã nạt nộ con ngay trong bữa ăn. Con cái thấy cha mẹ la không chịu tiếp thu, còn cãi lại. Cứ như thế, gia đình ấy chẳng có bữa cơm ngon. Đó là chưa kể có lúc ông chồng còn lật đổ cả mâm cơm chỉ vì tức giận chuyện gì đó.

Có gia đình đến bữa, cha mẹ con cái mỗi người bưng một tô, ngồi một góc. Ai muốn ăn gì thì lấy ở xoong trên bếp, tự “phục vụ”. Lúc nhỏ, mấy đứa trẻ mang tô cơm sang nhà hàng xóm ăn; lớn lên chúng không sang hàng xóm nữa mà ở nhà, vừa ăn vừa… đọc sách.

Hiện nay, cuộc sống công nghiệp đang dần dần len lỏi vào mỗi gia đình, làm cho nếp nghĩ có phần thay đổi so với trước. Có cặp vợ chồng không coi bữa cơm gia đình là quan trọng nên không tổ chức nấu nướng vì lý do thiếu thời gian. Gia đình chị Phương ở đường Lê Hồng Phong (Nha Trang) là một trong số đó. Hàng tháng, chị gọi điện thoại đến cơ sở nấu nướng đặt cơm tháng. Dịch vụ này mang cơm tới tận nhà, đến bữa chỉ việc ăn. Rất ít khi bếp nhà chị đỏ lửa. Cô con gái của chị học lớp 11 nhưng chẳng hề biết nấu nướng. Hỏi chị, sao không nấu cơm ở nhà, qua đó có điều kiện dạy cho con cách nấu ăn, chị thản nhiên trả lời: “Lớn lên tự nó sẽ biết!”.

Những cặp vợ chồng không quý trọng bữa cơm gia đình có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong giáo dục con cái cũng như trong việc bảo vệ tổ ấm của mình. Bởi lẽ, không khí đầm ấm sum vầy của gia đình hàng ngày không có thời gian nào khác ngoài thời gian các thành viên cùng được thưởng thức hương vị mặn, nồng, chua, cay của thức ăn và “vị” ngọt ngào của tình cảm cha mẹ - con cái. Hãy nâng niu và quý trọng nó!

HOÀNG NGÂN