07:04, 02/04/2010

Đó là mùa Xuân đẹp nhất trong đời tôi

Cho đến hôm nay, tôi vẫn nhớ nguyên vẹn khí thế oanh liệt của đoàn quân chủ lực tiến về giải phóng Khánh Hòa trước sự rệu rã của Mỹ - ngụy, nhớ niềm hân hoan của toàn thể đồng bào khi nghe tin chiến thắng; đồng thời tôi rất biết ơn những người con của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống cho bình yên hôm nay. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, chưa khi nào tôi cảm thấy hạnh phúc và xúc động như vào mùa xuân lịch sử 1975 ấy.

Tuy đã 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Dân vẫn nhớ như in về những ngày giải phóng quê nhà năm xưa.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn nhớ nguyên vẹn khí thế oanh liệt của đoàn quân chủ lực tiến về giải phóng Khánh Hòa trước sự rệu rã của Mỹ - ngụy, nhớ niềm hân hoan của toàn thể đồng bào khi nghe tin chiến thắng; đồng thời tôi rất biết ơn những người con của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống cho bình yên hôm nay. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, chưa khi nào tôi cảm thấy hạnh phúc và xúc động như vào mùa xuân lịch sử 1975 ấy.

Còn nhớ, khoảng 17 giờ 30 ngày 2-4-1975, anh em chúng tôi đang dùng cơm, bỗng dừng cả lại, lặng yên lắng nghe thông báo đặc biệt từ Đài Tiếng nói Việt Nam: “Quân giải phóng được trang bị xe tăng, pháo binh đã tấn công Lữ đoàn dù tại đèo Phượng Hoàng, chiếm căn cứ quân sự Dục Mỹ, đánh chiếm huyện Ninh Hòa. Quân đội cộng hòa không chống cự nổi đã bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh”. Anh em ôm nhau hét lên sung sướng: “Quân chủ lực về giải phóng quê mình rồi anh em ơi!”. Cảm xúc vui mừng và hạnh phúc đó thật khó mà diễn tả hết được. Ngay trong chiều hôm ấy, tôi và một số đồng chí khác được cấp trên điều động về Phú Bình (Cam Ranh) để chuẩn bị tiếp quản Nha Trang. Chúng tôi soi đèn pin, đốt đuốc, vượt núi băng rừng thâu đêm, lòng rạo rực niềm vui, bước chân hăng hái đi quên cả mệt nhọc.

Khoảng 7 giờ 30 ngày 3-4-1975, chúng tôi chứng kiến cảnh các đơn vị xe tăng, bộ binh của quân giải phóng từ Diên Khánh tiến vào Đồng Bà Thìn (Cam Ranh), chở theo vũ khí đạn dược thu được của địch. Anh em ở đội công tác Phú Bình 1 và Phú Bình 2 cho chúng tôi hay: Vào những ngày cuối cùng của tháng 3, sĩ quan, binh lính ngụy quyền ở đây hoang mang tột độ và từng bước tan rã trước khí thế hừng hực của quân giải phóng. Nhiều lính ngụy đã xin đầu hàng và giao nộp vũ khí, nhưng không ít thành phần ngoan cố vẫn lăm lăm súng trong tay, sẵn sàng nã đạn vào bất cứ ai để cướp phá. Dọc các chiến trường, những đoàn xe quân sự của địch chạy vội vàng về hướng Sài Gòn giữa tiếng đạn bom nổ ầm trời. Trong khi đó, xe tăng, pháo binh của Sư đoàn 10 và quân chủ lực đang tiến vào giải phóng Cam Ranh, nhân dân mừng vui khôn xiết. Trước tình hình đó, được sự nhất trí của đội công tác Phú Bình, anh em chiến sĩ mượn một chiếc xe Jeep, một ít vũ khí để tiến ra Diên Khánh.

Đến xã Diên An (Diên Khánh), ông Nguyễn Hữu Lợi, đội trưởng đội công tác Diên An cùng nhiều người khác bỏ dở cuộc họp tới gặp chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo. Sau khi nghe ông Lợi báo cáo cụ thể tình hình địch tan rã trong những ngày trước đó và niềm phấn khởi của nhân dân, tất cả anh em thống nhất: Trước hết, phải làm sao ổn định tình hình nhân dân. Đối với ngụy quân, ngụy quyền, phải kêu gọi họ trở về với gia đình, làng xóm để được nhận sự khoan hồng của Mặt trận giải phóng, nếu lập công thì sẽ được khen thưởng. Bên cạnh đó, cử người vào núi Chín Khúc liên lạc với cơ quan Thị ủy Vĩnh Trang. Đồng thời, cử tự vệ xuống Tỉnh đường (nay là UBND tỉnh) liên lạc với Bộ Chỉ huy quân giải phóng - tự vệ.

Tại Tỉnh đường, chúng tôi gặp được anh Lê Tụng (tức Ba Sơn) và đoàn cán bộ đi dự Hội nghị Khu ủy V. Sau khi thông báo tình hình trên chiến trường, anh Ba Sơn cho biết, Bộ Chỉ huy tiền phương lệnh cho chúng tôi, đúng 10 giờ trưa nay (ngày 4-4-1975) phải giao đủ 20 xe GMC (mỗi xe có 5 phuy xăng lớn) cùng 20 lái xe và gạo, mắm đủ dùng trong 7 ngày để phục vụ cho chiến trường tại Nha Trang. Nhờ nhân dân ủng hộ, giúp đỡ về cả vật chất và con người, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng ngày, Ủy ban Quân quản TP. Nha Trang thông báo: “Mời viên chức của Đài Phát thanh Nha Trang, công nhân viên Nhà máy Nước, y bác sĩ, công nhân viên Trung tâm Y tế Toàn khoa Nha Trang (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và các công sở khác trong TP. Nha Trang trở lại làm việc, chú ý bảo vệ máy móc, tài liệu, trụ sở nơi công tác”. Nhận được thông báo, các cán bộ công nhân viên chức đã trở lại làm việc bình thường.

Những ngày sau đó, trong khi cán bộ và nhân dân lo tiếp quản thành phố thì quân địch đến bước đường cùng, tỏ ra hết sức ngoan cố, không từ thủ đoạn nào để chống lại ta. Khoảng 20 giờ ngày 11-4-1975, địch cho máy bay ném bom xuống cầu Hà Ra, cầu Xóm Bóng nhằm chặn bước tiến của quân giải phóng. 7 nhà dân đã bị bom đạn tàn phá tan tành; nhiều người bị chôn vùi mất xác; hơn 40 người bị thương nặng, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Sau khi máy bay địch đi khỏi, những người bị thương nhanh chóng được đưa vào Nhà thương Nguyễn Huệ và được các y, bác sĩ cứu chữa tận tình. Trước mặt bà con, các đồng chí cán bộ đã vạch rõ âm mưu đen tối và lên án tội ác tày trời của địch; đồng thời, động viên tinh thần nhân dân, chia sẻ nỗi đau với gia đình có người thân đã vĩnh viễn không trở về đoàn tụ sau bao ngày đợi chờ, mong ngóng. Chính quyền cách mạng cũng kịp thời có mặt, cùng quân đội ta tìm mọi cách tạo điều kiện cho đồng bào di tản sớm trở về quê cũ.

KIM DUNG (Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Dân - Nguyên Trưởng ban Cán bộ thuộc Ban Chính trị Tỉnh đội Khánh Hòa).