10:04, 05/04/2010

Giúp bệnh nhân tránh khỏi tàn phế

Hàng năm, cứ từ sau Tết âm lịch cho đến khoảng tháng 8, số bệnh nhân đến Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Khánh Hòa để điều trị bệnh giảm áp do lặn lại tăng lên đáng kể.

Hàng năm, cứ từ sau Tết âm lịch cho đến khoảng tháng 8, số bệnh nhân (BN) đến Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (BV ĐD-PHCN) Khánh Hòa để điều trị bệnh giảm áp do lặn lại tăng lên đáng kể. Hiện nay, với 3 máy ô xi cao áp được trang bị, BV ĐD-PHCN đã điều trị hiệu quả cho nhiều BN bị giảm áp do lặn, giúp họ hồi phục nhanh, tránh tàn phế.

 Nhờ được điều trị kịp thời, bệnh nhân Nguyễn Thành Kết và Nguyễn Văn Hoàng đã tránh được tàn phế.

Khi chúng tôi đến, 3 BN bị giảm áp do lặn điều trị tại phòng Cấp cứu lưu, khoa Khám, cấp cứu, cận lâm sàng và ô xi cao áp (BV ĐD-PHCN) đang vui vẻ ăn trưa cùng gia đình. BN Nguyễn Thành Kết, 33 tuổi, ở Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết, anh đang chuẩn bị về quê sau gần 1 tháng điều trị. Phấn khởi khoe đôi chân đã có thể đi lại được nếu được trợ giúp, anh Kết nhớ lại: “Hôm đó tôi lặn bắt tôm hút ở độ sâu khoảng 50m. Lặn lần thứ nhất không sao, lần thứ hai khi ngoi lên tôi bỗng có cảm giác bất thường, co rút ở vùng thắt lưng. Với kinh nghiệm trong nghề thợ lặn, tôi vội nhảy lại xuống nước, đồng thời nhờ một bạn lặn nhảy theo xoa bóp dưới nước. Đến khi cảm thấy bình thường tôi mới trở về nhà. Nhưng khoảng 2 giờ sau, tôi bỗng bị tê từ 2 chân lên dần tới ngực. Biết đã bị bệnh giảm áp, gia đình vội thuê xe đưa tôi từ Quảng Ngãi vào đây điều trị. Khi đến BV, tôi đã mất cảm giác hoàn toàn từ rốn xuống ngón chân, không đi, không đứng được, tiểu tiện cũng không tự chủ”.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, một thợ lặn ở Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang cũng bị giảm áp khi ngoi lên từ độ sâu 40m. Do được gia đình đưa đến BV kịp thời (18 giờ kể từ khi có triệu chứng tê chân) nên chỉ sau 13 ngày điều trị, anh Hoàng đã đi lại được. Riêng anh Mông Trí Đụn, 27 tuổi, ở xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa thì vẫn phải ngồi xe lăn. Ông Mông Chơi, cha anh Đụn cho biết, anh là một thợ lặn có kinh nghiệm, biết lặn từ năm 13 tuổi. Hôm đó, anh Đụn lặn lần thứ nhất không sao, nhưng đến lần thứ hai thì xảy ra sự cố. Lúc vào viện, anh Đụn cũng bị mất cảm giác từ rốn xuống chân, nhưng bây giờ, sau nửa tháng điều trị, ngón chân của anh đã có thể cử động, dù chưa đi lại được.

Bác sĩ Bùi Minh Thuận, Giám đốc BV ĐD-PHCN cho biết, hàng năm, cứ từ sau Tết âm lịch đến khoảng tháng 8 là số BN nhập viện để điều trị bệnh giảm áp lại tăng lên đáng kể, do mùa này biển lặng, thợ lặn hành nghề nhiều. Theo bác sĩ Thuận, bệnh giảm áp do lặn thường xảy ra khi BN lặn nhiều lần trong ngày, lặn quá sâu nhưng lại lên quá nhanh khiến cơ thể không kịp thích nghi với môi trường, dẫn đến tình trạng tắc mạch do khí (tắc ở cơ quan nào thì sẽ tổn thương cơ quan đó: tắc ở não thì sẽ gây tai biến mạch máu não, tắc ở tim thì sẽ gây nhồi máu cơ tim, tắc ở tủy sống sẽ gây liệt 2 chi dưới và bí tiểu…). Còn theo bác sĩ Thiều Long, Trưởng khoa Khám, cấp cứu, cận lâm sàng và ô xi cao áp BV ĐD-PHCN, đối với bệnh giảm áp do lặn, việc điều trị bằng ô xi cao áp cho kết quả rất khả quan nếu BN đến BV sớm (trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện triệu chứng). “Thực tế, tỉ lệ bệnh này ở trong dân khá cao, nhưng do thiếu thông tin nên nhiều người không đến BV mà lại tìm thầy cúng bái, bắt gió… Có người đi khắp nơi không khỏi mới đến BV, lúc đó việc điều trị không còn hiệu quả và BN phải chịu thương tật vĩnh viễn. Cũng có trường hợp BN tử vong ngay trên ghe do bị tắc mạch ở tim, não. Những trường hợp đến được BV đa số đều bị tắc mạch ở tủy sống”, bác sĩ Long nói.

Điều khiển máy ô xi cao áp để điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Khánh Hòa.

Được biết hiện nay, ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chỉ có BV ĐD-PHCN Khánh Hòa là có máy ô xi cao áp dùng để điều trị bệnh giảm áp do lặn. Vào mùa này, phòng ô xi cao áp của BV thường quá tải do tiếp nhận nhiều BN đến từ các địa phương khác trong khu vực, trong khi máy ô xi cao áp của BV, ngoài điều trị bệnh giảm áp, còn dùng để điều trị nhiều bệnh nội, ngoại khoa khác như: viêm xương tủy mãn tính; viêm xương hậu phẫu sau vết mổ lớn; có dấu hiệu hoại tử hoặc nuôi dưỡng kém sau vi phẫu nối ghép mạch; thiếu máu cơ tim; suy nhược thần kinh; suy nhược cơ thể; thiếu máu tuần hoàn não; tai biến mạch máu não giai đoạn sớm; viêm loét dạ dày - hành tá tràng; viêm tắc mạch chi; viêm đại tràng; tình trạng thiếu dưỡng khí; thiếu dinh dưỡng cơ bắp sau lao động với cường độ lớn kéo dài… Theo bác sĩ Thiều Long, nguyên lý chữa trị bằng ô xi cao áp là cho người bệnh thở bằng ô xi nguyên chất dưới áp lực cao, làm cho lượng ô xi trong máu tăng 22 - 30 lần (so với máu người bình thường) hoặc cho thở ô xi trong môi trường áp suất khí trời. Ô xi nguyên chất sẽ khuếch tán, luân chuyển và hòa tan trong máu, đóng vai trò chất xúc tác thúc đẩy vận chuyển chất dinh dưỡng (máu và ô xi tinh khiết) đến các tổ chức thiếu ô xi, giúp các tế bào hồi phục nhanh.

Tâm sự với chúng tôi, ông Mông Chơi bày tỏ lòng quý trọng, biết ơn trước tinh thần làm việc tận tụy của các y, bác sĩ BV ĐD-PHCN. Ông cũng bày tỏ mong muốn BV sẽ sớm trang bị được máy ô xi cao áp hiện đại hơn, có thể điều trị cho BN bị giảm áp ở độ sâu lớn hơn nhằm tránh cho BN khỏi bị tàn phế.

NGỌC KHÁNH