03:04, 15/04/2010

Lần đầu tiên, công nhân ở khu công nghiệp được tiếp cận các dịch vụ

Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 - 2020 đã triển khai được 1 năm, nhưng do thời gian quá ngắn, nên hiệu quả chưa cao. Năm 2010, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục triển khai đồng bộ tất cả các nội dung có trong Đề án; đặc biệt chú trọng tuyên truyền cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng dân số khi sinh…

Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 - 2020 đã triển khai được 1 năm, nhưng do thời gian quá ngắn, nên hiệu quả chưa cao. Năm 2010, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tiếp tục triển khai đồng bộ tất cả các nội dung có trong Đề án; đặc biệt chú trọng tuyên truyền cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng dân số khi sinh…

Kết quả thực hiện năm 2009 cho thấy, Đề án đã triển khai thực hiện được 1.335 buổi tuyên truyền nhóm, hơn 8.000 người tham gia; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), KHHGĐ cho trên 4.000 người trong độ tuổi sinh đẻ; cấp phát 32.000 tờ rơi và 720 túi truyền thông cho người dân; 31 người thực hiện triệt sản, 744 người đặt dụng cụ tử cung và 817 người tiêm thuốc tránh thai…

Công nhân ở một số khu công nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Năm 2010, Đề án tiếp tục được triển khai rộng rãi tại 47 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị, thành phố gồm: Nha Trang (11 xã); Cam Ranh (10 xã); Vạn Ninh (10 xã); Ninh Hòa (11 xã); Cam Lâm (5 xã). Theo kế hoạch, cuối tháng 4, Chi cục sẽ triển khai Đề án. Đối tượng thụ hưởng Đề án là người làm việc, sinh sống ven biển, trên đảo, trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế thuộc khu vực ven biển, đảo và trên biển; đặc biệt ưu tiên cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, người dân sống, làm việc tại vùng cửa sông ven biển…

Ngoài các nội dung triển khai trong năm 2009, năm nay, Chi cục tiếp tục triển khai đồng bộ tất cả các nội dung có trong Đề án; chú trọng tuyên truyền cung cấp dịch vụ, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và nhiều chương trình khác, đặc biệt là tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho đội lưu động y tế (LĐYT) - KHHGĐ và các cơ sở làm dịch vụ. Đội LĐYT-KHHGĐ có nhiệm vụ đến các xã ven biển, đảo, xã có đông người lao động nhập cư để truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSK bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ. Các hoạt động tư vấn, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, chăm sóc thai kỳ cũng được chú trọng… với mục tiêu nâng cao chất lượng DS khi sinh; phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn…

Ngoài đáp ứng nhu cầu CSSKSS, KHHGĐ cho người dân vùng biển, năm 2010, Đề án tập trung cung cấp dịch vụ tư vấn CSSK bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ cho người làm việc tại các KCN… Đây là lần đầu tiên, công nhân ở các KCN được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn CSSKSS, KHHGĐ. Chi cục dự kiến sẽ chọn 2 KCN làm điểm triển khai mô hình. Bà Hồ Thị Thi - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh đi khảo sát các KCN. Trước mắt, do kinh phí hạn hẹp nên chỉ làm mô hình điểm ở 2 KCN chính xem hiệu quả đến đâu, trên cơ sở đó mới triển khai rộng rãi. Các KCN hiện chưa có phòng khám SKSS, KHHGĐ nên phải dựa vào trạm y tế các xã nơi có KCN. Đồng thời, thành lập 1 đội LĐYT gồm cán bộ của Chi cục, Trung tâm CSSKSS và một số cán bộ khác trực tiếp khám và cung cấp dịch vụ cho công nhân vào thời điểm họ xuống ca”.

Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về CSSK, KHHGĐ cho người dân sinh sống ở các đảo. Dự kiến tổ chức thí điểm tại 2 xã đảo Ninh Vân (Ninh Hòa) và Vạn Thạnh (Vạn Ninh). Năm 2009, Đề án đã triển khai tại các cụm đảo Vĩnh Nguyên (Nha Trang).

Bên cạnh đó, Chi cục còn thành lập điểm cung cấp dịch vụ ngay tại nơi tập trung thuyền bè nhằm tuyên truyền, cung cấp dịch vụ cho lao động dài ngày trên biển. Các cộng tác viên (CTV) DS tại các điểm có trách nhiệm canh thời gian tàu bè cập bến để tuyên truyền và cung cấp dịch vụ cho họ. “Năm 2009, chúng tôi không tổ chức tập huấn cho CTV mà triển khai dàn trải nên chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, năm 2010 sẽ làm điểm tại 5 xã và có chương trình tập huấn cho CTV để họ biết cách tiếp cận và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người” - bà Thi cho biết. Song song với cung cấp dịch vụ cho người dân, năm 2010, Đề án còn hỗ trợ thêm kinh phí cho cán bộ DS ở các xã biển. Mỗi cán bộ DS sẽ được nhận thêm 100.000 đồng/tháng, còn CTV DS được hưởng thêm 50.000 đồng/tháng.

Bà Hồ Thị Thi nhận định: “Đề án có tính bền vững và hiệu quả chuyên môn là do có sự phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể nhiệm vụ giữa các tuyến y tế, các đơn vị y tế đảm trách về chuyên môn. Các trạm y tế được đầu tư, củng cố nhằm đáp ứng nhu cầu CSSKSS, KHHGĐ cho người dân. Đề án có quy mô lớn nhưng khá rõ ràng, cụ thể về mục tiêu, giải pháp thực hiện nên không quá khó để triển khai hiệu quả, qua đó sẽ có tác động rõ rệt nâng cao hiệu quả công tác DS-KHHGĐ của tỉnh trong thời gian tới”.

C.V