Năm 2009, công tác xuất khẩu lao động của tỉnh Khánh Hòa chỉ đạt 55,6% kế hoạch. Năm 2010, cơ quan chức năng tiếp tục tìm được những thị trường có điều kiện thuận lợi để người lao động có thể tham gia...
Năm 2009, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh Khánh Hòa chỉ đạt 55,6% kế hoạch. Năm 2010, cơ quan chức năng tiếp tục tìm được những thị trường có điều kiện thuận lợi để người lao động (NLĐ) có thể tham gia XKLĐ. Nhưng đến thời điểm này, “điệp khúc” khó tìm lao động đi làm việc ở nước ngoài lại tiếp tục xảy ra; lượng người đăng ký và nhu cầu tuyển dụng chênh nhau quá nhiều.
Công tác xuất khẩu lao động của tỉnh gặp khó khăn do thiếu đối tượng đăng ký (ảnh minh họa). |
Dựa trên điều kiện, tình hình đặc điểm của tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tính toán và đề ra chỉ tiêu XKLĐ cho năm 2009 là đưa được 360 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kết thúc năm, toàn tỉnh chỉ có 200 người đi XKLĐ (đạt 55,6% kế hoạch). So với những địa phương khác trong cả nước, đây là con số quá khiêm tốn; bởi số lượng người tham gia XKLĐ của các địa phương khác tới hàng ngàn người.
Năm 2009, tuy hoạt động XKLĐ gặp khó khăn do nhiều thị trường lao động ở nước ngoài đóng cửa vì khủng hoảng, nhưng cơ quan chức năng vẫn khai thác được một số thị trường nước ngoài nhận lao động đi làm việc với nhu cầu tuyển dụng tối thiểu cần 600 người. Tuy các nhà tuyển dụng đã xuống tận các xã, phường để cung cấp thông tin, nhưng NLĐ vẫn không tham gia dự tuyển. Lý giải cho điều này, ông Hồ Viết Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh cho biết: “Đó là do đầu vào khan hiếm. Một số lao động có nhu cầu đi XKLĐ thực sự thì không có kinh phí, không có tài sản thế chấp ngân hàng để vay tiền. Những thị trường có thu nhập cao thì trình độ học vấn, trình độ tay nghề, kinh nghiệm làm việc của NLĐ chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, phổ biến thông tin XKLĐ có những lúc bị đứt đoạn nên NLĐ không nắm được thông tin liền mạch để yên tâm tham gia XKLĐ”.
Năm 2010, tỉnh tiếp tục đề ra chỉ tiêu đưa 360 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đến thời điểm này, TTGTVL tỉnh đã khai thác nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài từ nay đến tháng 6 cần 270 người. Nhìn chung, các thị trường này đều đưa ra những điều kiện thuận lợi để NLĐ có thể tham gia. Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản không còn buộc NLĐ phải đóng tiền đặt cọc như trước nên chi phí đã giảm xuống còn 2.300 USD, thời gian thực tập sinh cũng rút ngắn từ 2 năm xuống còn 6 tháng nên NLĐ có nhiều điều kiện làm việc; thị trường Dubai, NLĐ được đài thọ vé máy bay đi - về và hưởng các chế độ lao động theo quy định của nước này; các thị trường khác như: Malaysia, Đài Loan… mức thu nhập cao hơn trước, yêu cầu về trình độ học vấn, tay nghề cũng không khắt khe. Hiện tại, TTGTVL tỉnh đang cần 40 lao động đi làm việc ở Nhật Bản với mức thu nhập từ 1.000 đến 2.000 USD/tháng; 150 lao động phổ thông đi làm việc ở Malaysia với thu nhập 6 triệu đồng/tháng; 20 người đi làm việc ở Dubai với mức lương khởi điểm 850 USD/tháng và sẽ tăng dần theo thời gian làm việc; 60 lao động đi làm việc ở Đài Loan với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện mới có 12 lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc ở Nhật Bản, còn những thị trường khác vẫn đang vắng bóng.
Trước thực trạng XKLĐ nói trên, nên chăng, tỉnh cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng cận nghèo được vay vốn; đồng thời bổ sung nguồn vốn cho vay XKLĐ từ ngân sách của tỉnh để mở rộng đối tượng tham gia XKLĐ. Công tác XKLĐ cũng cần mở rộng sang các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho NLĐ; thực hiện các chính sách hỗ trợ thanh niên, người nghèo vay vốn, học nghề, làm thủ tục XKLĐ; kiểm tra giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, vi phạm trong vấn đề XKLĐ. Các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh cần có chính sách hỗ trợ tạo nguồn XKLĐ.
NHÂN TÂM