Khánh Hòa hôm nay khang trang, năng động và là điểm đến hấp dẫn với bạn bè trong, ngoài nước. Có được những thành tựu ấy, chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh, mất mát của biết bao chiến sĩ kiên trung, những người mẹ, người vợ, những gia đình có công với cách mạng. Ghi nhận và thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với những cống hiến của cha anh...
Khánh Hòa hôm nay khang trang, năng động và là điểm đến hấp dẫn với bạn bè trong, ngoài nước. Có được những thành tựu ấy, chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh, mất mát của biết bao chiến sĩ kiên trung, những người mẹ, người vợ, những gia đình có công với cách mạng. Ghi nhận và thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với những cống hiến của cha anh, công tác chăm sóc đời sống của các đối tượng người có công (NCC) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn được thực hiện chu đáo và sâu nặng nghĩa tình.
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh đã kịp thời tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC một cách cơ bản, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Tháng 10-1998, UBND tỉnh thành lập đoàn khảo sát tồn đọng sau chiến tranh, trực tiếp điều tra trên toàn tỉnh, đặc biệt ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Kết quả đã giải quyết, công nhận cho 1.344 người, trong đó có 622 liệt sĩ (LS), 432 thương binh (TB) và người hưởng chính sách như TB, 67 bệnh binh, 53 hồ sơ thanh niên xung phong được giải quyết chế độ trợ cấp (31 người hưởng trợ cấp TB, 22 người hưởng trợ cấp một lần), 201 người hoạt động cách mạng (HĐCM) hoặc tham gia kháng chiến (TGKC) bị địch bắt tù, đày.
Trung đoàn Không quân 920 bàn giao nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ Hùng Thứ (huyện Khánh Vĩnh) |
Tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát, tìm kiếm, quy tập 7.120 mộ LS về 6 nghĩa trang trong tỉnh. Từ năm 2003 đến 2009, tổng kinh phí Trung ương và địa phương đầu tư cho tỉnh để nâng cấp và sửa chữa, tôn tạo mộ, nghĩa trang LS là gần 11 tỷ đồng. Sau gần 10 năm phát động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, toàn tỉnh huy động được 46,8 tỷ đồng để sửa chữa và xây dựng nhà tình nghĩa, nâng tổng số nhà tình nghĩa được xây dựng và sửa chữa cho các đối tượng gia đình chính sách, NCC là 1.060 nhà; tặng hơn 2.670 sổ tiết kiệm cho TB nặng, BMVNAH, bố mẹ có từ 2 LS trở lên (mỗi sổ trị giá 500.000 - 1.000.000 đồng). Ngoài ra, Quỹ còn giúp các gia đình xây dựng 459 giếng nước, 35 vườn cây tình nghĩa… Đến nay, 100% thương - bệnh binh nặng đều được cấp nhà tình nghĩa, được chăm sóc điều dưỡng tại Trung tâm Phục hồi sức khỏe NCC hoặc tại gia đình theo chỉ tiêu hàng năm. Hầu hết thương bệnh binh nặng đều ổn định về đời sống, được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt. 100% BMVNAH còn sống trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến cuối đời. Hàng năm, UBND tỉnh đều tổ chức thăm, tặng quà cho đối tượng chính sách vào các ngày lễ, Tết. Đến nay, 100% hộ gia đình chính sách, NCC trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân ở khu dân cư. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận làm tốt công tác TBLS, góp phần nâng cao đời sống gia đình chính sách gặp khó khăn.
Để công tác chăm sóc NCC đúng đối tượng, chính sách và thể hiện ý rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vấn đề thanh tra, kiểm tra luôn được chú trọng.
Những năm qua, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức 40 cuộc thanh tra ở 40 xã, phường, thị trấn. Kết quả cho thấy, các địa phương đều làm tốt công tác chi trả, thực hiện đúng đối tượng, quyết toán kịp thời, sổ sách rõ ràng, rành mạch. Hồ sơ thủ tục cũng được các địa phương làm đúng quy định, nguyên tắc và trình tự. Đặc biệt, với sự phối hợp của Thanh tra Nhà nước tỉnh, sau 4 đợt thanh tra, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào làm hồ sơ giả và có tiêu cực.
Nhận xét về những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc NCC thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Thấu - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Những năm qua, việc chăm sóc các đối tượng NCC trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được tinh thần, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như chính sách, chế độ của Nhà nước. Tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn, sự hy sinh mất mát của những BMVNAH, AHLLVT, TBLS, bệnh binh và người thân. Chúng ta đã thực hiện công tác chăm sóc NCC không chỉ bằng tinh thần trách nhiệm mà còn bằng cả trái tim sâu nặng nghĩa tình. Để công tác chăm sóc NCC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được chu đáo, toàn diện hơn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Pháp lệnh Ưu đãi NCC và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình TBLS, NCC một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, đặc biệt là mức trợ cấp, phụ cấp mới theo Nghị định số 54 ngày 26-5-2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; triển khai kịp thời hướng dẫn lập hồ sơ người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến chống Mỹ theo tinh thần Thông tư 08 ngày 7-4-2009 của Bộ LĐ-TB-XH. Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh hơn công tác xã hội hóa trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng gia đình chính sách, NCC qua phong trào “đền ơn đáp nghĩa” để có thể huy động nguồn lực của toàn dân. Cụ thể là phong trào “chăm sóc, phụng dưỡng BMVNAH, đỡ đầu con LS và con thương - bệnh binh nặng”; phong trào “xây dựng nhà tình nghĩa”…
NHÂN TÂM