08:04, 07/04/2010

Chị em vẫn chịu nhiều thiệt thòi

Theo quy định của Nhà nước, khi làm việc, lao động nữ được ưu tiên hưởng một số chính sách mang tính đặc thù. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách đó ở nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước vẫn còn là điều xa vời.

Theo quy định của Nhà nước, khi làm việc, lao động nữ (LĐN) được ưu tiên hưởng một số chính sách mang tính đặc thù. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách đó ở nhiều doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước vẫn còn là điều xa vời. Có rất nhiều LĐN không biết những quy định đó, hoặc biết nhưng lại không dám lên tiếng vì sợ bị mất việc.

Theo báo cáo của Ban nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa), trong năm 2009, một số DN ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có sử dụng LĐN gặp khó khăn khi thực hiện những quy định riêng đối với LĐN như: thời gian nghỉ trong giờ làm việc có hưởng lương dành cho LĐN nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, hành kinh… Bên cạnh đó, phần lớn LĐN (nhất là lao động ngoại tỉnh) sau khi nghỉ thai sản không có chỗ gửi con để đi làm, bởi theo quy định, LĐN sinh con được nghỉ 4 - 6 tháng (tùy điều kiện), nhưng các nhà trẻ của Nhà nước thực tế chỉ nhận giữ trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Có những DN, hệ thống nhà ăn, công trình vệ sinh cho LĐN chưa đầy đủ và thuận lợi. Việc làm thêm giờ ở các DN sử dụng nhiều LĐN như may mặc, chế biến thủy sản, hàng song mây… quá quy định của Nhà nước chiếm tỷ lệ khá cao (70,3%)…

Lao động nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi.

Các quy định riêng đối với LĐN như: chế độ thai sản; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; dạy nghề dự phòng; xây dựng nhà trẻ… thường bị các DN phớt lờ trách nhiệm. Chị Đ.T.L, làm việc tại một DN may mặc ở Khu Công nghiệp Suối Dầu bức xúc “Trong công ty chúng tôi, có lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và không ký lại. Dù trước đó, công ty vẫn thực hiện đầy đủ các chế độ theo đúng HĐLĐ đã ký kết giữa hai bên. LĐN chúng tôi làm việc quanh năm suốt tháng cho DN đến lúc sinh đẻ cần được hưởng chế độ ưu tiên thì công ty lại rũ bỏ trách nhiệm…”. Thực tế cho thấy, có rất nhiều DN ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh đang cố tình “lách luật”. Theo quy định, DN không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với LĐN đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng. Nhưng đã có LĐN khi mang thai hoặc sắp đến ngày sinh đẻ cũng là lúc HĐLĐ của họ hết thời hạn và ngay lập tức “được” các chủ DN cho nghỉ việc. Sở dĩ các DN này có thể làm vậy là bởi họ chỉ ký HĐLĐ có thời hạn (1 năm). Theo quy định của pháp luật thì đối với loại hợp đồng này DN không được ký quá 2 lần và DN đã lợi dụng điều này để không ký tiếp HĐLĐ đối với các LĐN khi mang thai hoặc sinh đẻ. “Ở công ty tôi đang làm việc, tiền công được tính theo sản phẩm nên vào giờ nghỉ trưa, chị em vẫn tranh thủ làm việc để có thêm thu nhập. Tuy biết đây là do tự ý của các LĐN và công ty không ép buộc nhưng thực sự chúng tôi thấy rất mệt, sức khỏe của nhiều người đã giảm sút thấy rõ”, chị H.T.B.T hiện đang làm việc tại một công ty sản xuất hàng song mây ở TP. Nha Trang phản ánh. Với mức thu nhập bình quân của các LĐN khoảng từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng, nhiều LĐN đã phải làm thêm để tăng thu nhập. Có nhiều DN, thời gian làm việc trong ngày của LĐN quá quy định (10 - 11 giờ/ngày). Điều này đã dẫn đến sức khỏe của LĐN bị suy giảm. Hậu quả đã rõ ràng, nhưng LĐN cũng đành phải chấp nhận, còn với các DN thì việc tăng ca một cách “tự nguyện” như vậy cũng không ảnh hưởng đến họ mà còn làm lợi cho DN thì chẳng việc gì phải cấm.

Theo bà Phạm Thị Hạnh - Trưởng Ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa), đến thời điểm này, vẫn chưa có DN ngoài Nhà nước nào trên địa bàn tỉnh thực hiện giúp đỡ xây dựng nhà trẻ để LĐN trong công ty có thể gửi con của mình. Còn việc dạy nghề dự phòng cũng không được các DN thực hiện. Các DN chỉ tiến hành đào tạo nghề trước khi LĐN làm việc, chứ không có “khái niệm” dạy nghề dự phòng cho trường hợp LĐN thất nghiệp. Chính vì các DN không chấp hành, nên LĐN thường gặp nhiều khó khăn trong việc gửi con và tìm kiếm việc làm khi thất nghiệp.

Việc cho LĐN nghỉ 30 phút vào những ngày hành kinh; 60 phút/ngày làm việc trong thời gian nuôi con nhỏ cũng không được nhiều DN quan tâm. “Công ty chúng tôi làm việc theo dây chuyền, nếu một vị trí nghỉ làm thì những vị trí sau sẽ khó thực hiện được công việc của mình. Vậy nên, chúng tôi chỉ có thể bố trí để LĐN đang có kinh nguyệt đi “giải quyết” trong khoảng thời gian ngắn rồi tiếp tục trở lại làm việc”, giám đốc điều hành một công ty chế biến thủy sản cho biết. Quy định DN phải có phòng thay đồ cho LĐN, thực tế cũng rất ít DN tuân thủ. “Mô hình” phổ biến được các DN áp dụng là đánh đồng phòng vệ sinh và phòng thay đồ.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 21 DN vốn đầu tư nước ngoài, 110 DN là công ty cổ phần, công ty TNHH, DN tư nhân có bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Theo ý kiến của nhiều người, những TƯLĐTT này nhìn chung đã có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, nhưng  những chính sách đối với LĐN trong các TƯLĐTT này vẫn chưa thực sự cụ thể.

NHÂN TÂM