10:04, 27/04/2010

Phá vỡ “vành đai thép” của địch

Vào những ngày này cách đây 35 năm, khí thế tấn công của quân và dân ta trên toàn miền Nam hừng hực như thác lửa. Tất cả đều hướng về trung tâm đầu não chính quyền ngụy ở Sài Gòn. Để ngăn chặn bước chân của quân ta, đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ đạo thành lập một “lá chắn thép” tại Phan Rang.

Vào những ngày này cách đây 35 năm, khí thế tấn công của quân và dân ta trên toàn miền Nam hừng hực như thác lửa. Tất cả đều hướng về trung tâm đầu não chính quyền ngụy ở Sài Gòn. Để ngăn chặn bước chân của quân ta, đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ đạo thành lập một “lá chắn thép” tại Phan Rang. Tổng thống Thiệu giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân khu 3 Nguyễn Văn Toàn phải đi thị sát để lập phòng tuyến theo ý đồ do cố vấn Mỹ đưa ra. Trước khó khăn trên, quân ta, mà trực tiếp là Sư đoàn 3 Sao Vàng (Quân khu V) đã đập tan “vành đai thép” trên. Chúng tôi xin trích đăng hồi ức của đồng chí Xuân Tuynh, một chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh trên…

“Giờ đây, sau 35 năm giải phóng nhưng trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ cựu chiến binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn không quên được ngày hành quân hào hùng ấy. Bao nhiêu năm sống  trên rừng, quanh ra cũng đèo dốc, quanh lại cũng dốc với đèo, khó khăn gian khổ ngút ngàn, chỉ ước mong có một ngày được xuống đồng bằng, tự do đi trên con đường lớn. Ước mong ấy đã trở thành hiện thực. Ngồi trên xe vi vu trên Quốc lộ 1 giữa ban ngày, trong tiếng hò reo của đồng bào suốt hai bên đường dọc từ Bình Định vào Khánh Hòa, cùng với những ánh mắt, nụ cười của bao em thơ khiến cho hàng nghìn chiến sĩ Sư đoàn vui sướng, lòng ngập tràn niềm tự hào. Tất cả cùng nhau hát vang bài ca “Tiến về Sài Gòn”.

Do có sự chuẩn bị chiến trường kỹ càng, ngày 11-4-1975, toàn Sư đoàn 3 đã vào tới Phan Rang và nhanh chóng vào trận địa chờ khẩu lệnh tiêu diệt địch. Ninh Thuận là một tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ, cách Sài Gòn hơn 300km theo Quốc lộ 1. Toàn tỉnh có 5 huyện, hơn 30 vạn dân, phía Tây, phía Bắc, phía Nam và một phần phía Đông có nhiều dãy núi cao, rừng rậm ôm lấy một thung lũng rộng lớn kéo dài từ huyện Du Long ở phía Bắc, qua thị xã Phan Rang đến huyện An Phước ở phía Nam. Phía Đông là một dải bờ biển Thanh Hải, Mũi Dinh và Khánh Hội.

Sở chỉ huy quân ta được đặt trên núi xanh. Từ vị trí này, ta  quan sát được nhiều hướng và bao quát phần lớn thung lũng Ninh Thuận. Từ trên điểm cao nhìn khá rõ sân bay Thành Sơn. Trên đường băng, những chiếc trực thăng đen ngòm vẫn bay lên, hạ xuống. Thỉnh thoảng lại có một tốp máy bay phản lực cất cánh. Chúng không hề hay biết lực lượng pháo cao xạ, pháo mặt đất 57 ly và bộ binh của ta đã áp sát sân bay, bí mật nằm chờ lệnh nổ súng tiêu diệt chúng. Cái gọi là “vành đai thép” của Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Văn Toàn dựng lên đang bị lung lay mà chúng không hay biết.

Đúng 5 giờ 30 ngày 14-4, các trận địa pháo binh của Sư đoàn đồng loạt bắn vào các cứ điểm: Bà Râu, Du Long, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất, Thành Sơn, Núi Tháp… Sau hơn 1 giờ dập đạn pháo, xe tăng và bộ binh của Sư đoàn ở các hướng đồng loạt xông lên như nước lũ tràn về. Hàng ngàn tên địch ở các cứ điểm, kẻ chết, kẻ co chân chạy trốn, kẻ bỏ vũ khí ra hàng ... Quân ta hò reo vang trời. Lúc này, tôi và nhà văn Nguyễn Trí Huân ở trên đài quan sát của Sở chỉ huy Sư đoàn nhìn xuống cứ điểm Phan Rang thấy quân ta truy kích địch trên các nẻo đường dọc ngang. Sống trong giây phút hào hùng đó, mọi người ai nấy đều vui mừng khôn tả: “Chiến thắng rồi! Quân ta chiến thắng rồi các đồng chí ơi! “Vành đai thép” của địch đổ rồi!”.

Qua 2 ngày đêm ngoan cường chiến đấu, quân ta đã tiến công dứt điểm Phan Rang, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu được rất nhiều vũ khí các loại. Đặc biệt trong trận chiến này, Sư đoàn còn bắt sống 2 viên tướng ngụy: Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cùng 1 cố vấn Mỹ cao cấp. Đây là một sự kiện chưa từng có trong chiến tranh chống Mỹ - ngụy ở miền Nam. Người lập công bắt tướng ngụy là Binh nhất Nguyễn Văn Quân, thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2. Sự kiện này được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện khen ngợi. Cũng chính những thông tin tình báo khai thác được từ tướng giặc, quân ta đã có được những kế sách phù hợp, tiết kiệm xương máu cho chiến sĩ nhưng vẫn nhanh chóng giành được thắng lợi trong quá trình chiến đấu tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

Chiến thắng này đã làm sụp đổ toàn bộ “vành đai thép” của địch, phá vỡ ý đồ chiến thuật của quân đội Sài Gòn. Nó đã tạo đà cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Đó là mong ước ngàn đời của dân tộc ta”.

XUÂN TUYNH