Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp ít xâm nhập dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu và ống nong đã chính thức được thực hiện tại khoa Ngoại Cột sống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa từ tháng 3-2010.
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) bằng phương pháp ít xâm nhập dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu và ống nong đã chính thức được thực hiện tại khoa Ngoại Cột sống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa từ tháng 3-2010. Do ít bị tổn thương, an toàn, bệnh nhân (BN) có thể ra viện sau phẫu thuật 1 - 2 ngày.
° Ra viện nhanh
Ê kíp mổ lấy nhân đĩa đệm bị thoát vị ra ngoài. |
Sau 1 ngày phẫu thuật điều trị TVĐĐ tại khoa Ngoại Cột sống BVĐK tỉnh, BN Ngô V.L., 42 tuổi (TP. Nha Trang) đã ngồi dậy và đi lại được, không còn cảm giác đau. Anh đã xuất viện sau phẫu thuật 2 ngày. Anh L. là BN đầu tiên được khoa phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm thoát vị bằng phương pháp ít xâm nhập có sử dụng hệ thống ống nong và kính vi phẫu. Trước mổ, anh L. bị đau cột sống thắt lưng, lan xuống chân phải, liệt chân phải không hoàn toàn do khối thoát vị lớn chèn ép ở tầng đĩa đệm L4L5. BN thứ hai tên là N.V.P cũng bị TVĐĐ cột sống thắt lưng, đau lan xuống chân phải, yếu chân phải. Sau mổ, BN đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt, hết đau ở vị trí mổ và chân vận động tốt hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hoàng Mạnh - Trưởng khoa Ngoại Cột sống cho biết: Phương pháp ít xâm nhập là một trong những phương pháp phẫu thuật điều trị TVĐĐ tiên tiến nhất hiện nay. Ưu điểm của phương pháp này là vết mổ nhỏ (khoảng 18mm), ít chảy máu, BN ít đau vùng bị can thiệp do ít tổn thương phần mềm, thời gian mổ ngắn, an toàn cao, giảm đau ngay sau mổ và có thể xuất viện ngay trong ngày, hôm sau hoặc BN có thể xuất viện về điều trị ngoại trú.
Cũng theo bác sĩ Mạnh, sở dĩ phương pháp này có tính an toàn cao là nhờ có hệ thống ống nong (các cơ không bị cắt mà được tách dọc theo thớ cơ) nên mô mềm ít bị tàn phá; đồng thời có hệ thống kính vi phẫu phóng đại điểm mổ gấp vài chục lần, giúp bác sĩ quan sát rõ được đĩa đệm thoát vị, các tổ chức thần kinh trong ống sống… Qua đó, ê kíp mổ dễ dàng lấy nhân đĩa đệm bị thoát vị ra ngoài một cách an toàn với độ chính xác cao, giảm các tai biến, giảm hình thành tổ chức xơ và dính sau mổ.
° Khi có biểu hiện bệnh, cần nhập viện sớm
TVĐĐ là một bệnh lý cột sống thường gặp. Theo thống kê, ở Việt Nam có tới 17% BN trên 60 tuổi bị đau lưng do thoát vị. Có nhiều nguyên nhân gây nên TVĐĐ như: chấn thương, tư thế xấu trong lao động, sinh hoạt, thoái hóa cột sống… Ở trạng thái bình thường, đĩa đệm nằm giữa 2 đốt sống, có một lớp vỏ sợi bọc nhân nhầy ở trung tâm. Nhờ tính đàn hồi, đĩa đệm có tác dụng bảo vệ cột sống, giảm các sang chấn và giúp cột sống di động dễ dàng. Ở người cao tuổi, nhân nhầy có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài bị xơ hóa, có thể rạn nứt hoặc rách. Nếu chịu tác động mạnh như: lao động quá sức, tai nạn bất ngờ, gây áp lực lớn lên cột sống, nhân nhầy ở trung tâm sẽ chui qua chỗ rách thoát vị ra ngoài ống sống, chèn ép lên rễ dây thần kinh gây đau, tê ở cột sống, làm giảm khả năng vận động ở tay hoặc chân… Nếu BN điều trị nội khoa một thời gian không đỡ mà không can thiệp mổ sớm, BN sẽ có nguy cơ bị liệt vận động, mất cảm giác, teo cơ, rối loạn đại - tiểu tiện và tàn phế. Đã có trường hợp vào viện điều trị quá muộn, tuy được bác sĩ can thiệp bằng phẫu thuật ngay, nhưng do lâu ngày nên các rễ thần kinh đã bị teo, không phục hồi được vận động, phải chịu tàn phế suốt đời. Chính vì vậy, khi có biểu hiện đau cột sống, đau tê lan xuống tay chân, yếu tay chân, người bệnh cần phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa cột sống để được khám và điều trị kịp thời.
Từ năm 2007 đến nay, BVĐK tỉnh đã phẫu thuật khoảng hơn 150 ca liên quan đến bệnh TVĐĐ bằng phương pháp mổ vi phẫu với đường mổ nhỏ. Trước năm 2007, BVĐK chưa triển khai mổ TVĐĐ, phần lớn BN đến khám rồi dùng thuốc hoặc đi điều trị tại các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay, với phương pháp mỗ ít xâm nhập với hệ thống ống nong và kính vi phẫu có nhiều ưu điểm hơn, tỷ lệ thành công đạt khoảng 95%. Đây là lợi thế để góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
MINH THIẾT