Họ là 3 trong số nhiều gương điển hình tiên tiến về lao động sản xuất của địa phương. Mỗi người có một cách làm khác nhau, nhưng đều cùng mục đích góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Họ là 3 trong số nhiều gương điển hình tiên tiến về lao động sản xuất của địa phương. Mỗi người có một cách làm khác nhau, nhưng đều cùng mục đích góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Bá (xã Ninh Quang): Phát triển mô hình kinh tế trang trại
Ông Nguyễn Hữu Bá (thôn Quang Vinh, xã Ninh Quang) là một điển hình về sự vượt khó vươn lên nhờ vào phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Ngày trước, kinh tế gia đình ông rất khó khăn, chỉ trông chờ vào 3 vụ lúa. Thấy cuộc sống quá bấp bênh, ông bắt đầu nghĩ đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, chăn nuôi. Ngoài tham gia các buổi tập huấn của xã về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, ông còn tìm tòi học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng về các mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi. Mô hình kinh tế trang trại được gia đình ông lựa chọn. Ông mạnh dạn vay vốn, chuyển một nửa diện tích đất trồng mía sang trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, biết áp dụng KHKT nên cây mía nhà ông phát triển tốt, cho năng suất cao; chăn nuôi cũng ổn định. Ông đã dùng nguồn vốn xoay vòng mua thêm đất, đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, gia đình ông có 9ha trồng cây xà cừ kết hợp với chăn nuôi; 25ha trồng mía và 2ha trồng lúa. Ngoài ra, ông còn mua thêm 2 ô tô vận chuyển mía cho bà con. Nhờ biết khai thác thế mạnh, ứng dụng KHKT vào thực tiễn và cần cù lao động, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 350 triệu đồng, giải quyết việc làm thời vụ cho 50 lao động và 7 lao động thường xuyên; hỗ trợ vốn chăn nuôi heo cho 4 hộ trong xã…
Ông Trần Văn Lía (xã Ninh Phụng) với sáng kiến chế tạo máy bắt muỗi
Từ bé, ông Trần Văn Lía đã phải vừa đi học, vừa đi làm phụ giúp gia đình. Ông học rất khá nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên học hết lớp 12, ông đành gác lại giấc mơ vào đại học. Mấy chục năm trôi qua, cuộc sống của gia đình ông luôn gắn liền với ruộng vườn, chăn nuôi. Môi trường nơi gia đình ông sinh sống có rất nhiều muỗi gây dịch bệnh cho người và ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông đã áp dụng nhiều biện pháp để đuổi và diệt muỗi như: hun rác lấy khói; giăng mùng; dùng vợt điện, nhang muỗi… nhưng không mấy hiệu quả. Ông cũng đi nhiều nơi để tìm mua dụng cụ diệt muỗi hàng loạt nhưng không có. Sau nhiều ngày trăn trở, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu ông: “Sao mình không thử sáng chế dụng cụ bắt muỗi?”. Nghĩ là làm, ngay lập tức, ông bắt tay vào nghiên cứu. Sau hơn 1 tháng suy nghĩ, mày mò áp dụng các tính chất của lực hút, lực đẩy và tận dụng sức gió, chiếc máy bắt muỗi (MBM) của ông đã ra đời. Cấu tạo của MBM rất đơn giản, chỉ cần 1 quạt điện, 1 bóng điện 75W hoặc 5W (bóng màu), 1m dây điện, 1m2 bìa cứng (hoặc bằng tole), 1m2 vải mùng mịn và 1 chai keo 502, ông đã chế tạo ra chiếc MBM gồm 3 bộ phận, hoạt động theo nguyên lý của lực hút và lực đẩy.
Tuy cấu tạo đơn giản nhưng chiếc MBM lại có nhiều ưu điểm như: Nguyên vật liệu dễ mua, dễ lắp đặt, quy trình vận hành đơn giản, dễ sử dụng, giá rẻ (khoảng 200 - 300 nghìn đồng/cái), chi phí điện thấp nhưng lại rất hiệu quả. Ở những khu vực nhiều muỗi như: chuồng bò, chuồng heo…, với MBM, mỗi đêm có thể bắt được từ 1 đến 2 lạng muỗi. MBM có thể được thiết kế to hay nhỏ tùy từng trường hợp nên dễ áp dụng rộng rãi trong hộ gia đình và những nơi công cộng hay bất cứ nơi nào có muỗi…
Với sáng kiến này, ông đã nhận được giải thưởng “Sao Thần nông năm 2009” do Trung ương Hội Nông dân trao tặng.
Anh Cao Truyền (xã Ninh Tân): Người cán bộ thôn gương mẫu
Là một trưởng thôn gương mẫu, tận tụy với công việc, thời gian qua, anh Truyền luôn tích cực vận động bà con dân tộc thiểu số thôn Suối Sâu (Ninh Tân) chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vận động bà con sống định canh, định cư, không phá rừng làm rẫy, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, sống đoàn kết, tương thân tương ái. Mặt khác, anh còn hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ thế, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Hiện nay, thôn Suối Sâu không còn hộ đói, chỉ còn 42 hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh.
Ngoài làm tốt công tác của một trưởng thôn, bản thân anh Truyền còn chịu khó phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình anh có 3ha mía, 1ha bắp, 5.000m2 lúa, 1ha rừng, 5.000m2 cây ăn quả lâu năm và 9 con heo (2 heo nái). Ngoài việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi, gia đình anh còn đào ao thả cá nước ngọt để cải thiện bữa ăn cho gia đình và bán cho người dân trong thôn. Với cách làm trên, gia đình anh thu lãi 80 triệu đồng/năm. Anh còn cho 2 hộ đồng bào dân tộc Raglai mượn 2 bò nái sinh sản để chăn lấy nghé và hỗ trợ tiền cho một số gia đình khác phát triển kinh tế không lấy lãi.
KHÁNH HÀ