Thời gian gần đây, hàng chục người dân ở thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) thường xuyên ra biển khai thác san hô trái phép. Tuy chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản xử phạt các chủ phương tiện vận chuyển san hô nhưng xem ra các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Thời gian gần đây, hàng chục người dân ở thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) thường xuyên ra biển khai thác san hô trái phép. Tuy chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản xử phạt các chủ phương tiện vận chuyển san hô nhưng xem ra các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
San hô kêu cứu!
Giữa trưa tháng 12-2009, chúng tôi theo con đường làng thôn Xuân Đông từ Quốc lộ 1A ra bãi biển. Hai bên đường, những bãi đá san hô chất thành đống, nằm la liệt, có bãi nằm ngay mặt đường, có bãi được giấu sau lùm cây, có bãi nằm trong… nhà dân. Một số người dân cho biết: “Những năm trước, khai thác san hô là một trong những “nghề chính” của ngư dân vùng này. Từ đầu năm đến nay, do chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra xử lý nên tình trạng khai thác san hô đã giảm nhiều”. Tuy nhiên, nếu quan sát những đống san hô đang nằm ngổn ngang tại đây, có thể nhận thấy từ năm 2008 về trước, tình trạng khai thác san hô trái phép diễn ra rất phổ biến.
San hô khai thác, vận chuyển trái phép bị bắt giữ. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người dân khai thác cả san hô sống và san hô chết; san hô có nguồn gốc từ cải tạo đìa rất ít; trong khi đó, san hô bị khai thác từ ngoài biển rất nhiều. Những lúc thủy triều xuống, người dân ra biển cạy san hô thành từng mảng, khoảng 3 người có thể bưng được. Đến khi thủy triều lên, họ dùng bè chất san hô lên rồi kéo vào bờ. Tại điểm tập kết ngay sát mép biển, họ bỏ san hô lên các phương tiện như xe công nông, xe ba gác… để vận chuyển về làng, thậm chí có người đưa cả xe tải từ 3 - 10 tấn ra tận bờ biển để chở san hô đến nơi bán.
Ngồi nghỉ ở quán cà phê Thảo Nguyên X. (thôn Xuân Đông), chúng tôi lân la hỏi chuyện những người trong quán. Nghe giới thiệu chúng tôi là dân tìm mua đá san hô có kích thước lớn để làm hòn non bộ, người thanh niên tên Q. (số điện thoại: 0164345xxxx) vồn vã: “Các anh đến đây là đúng địa điểm rồi! Đá kích cỡ nào cũng có, nhưng đá lớn và đẹp thì giá thành cao hơn”. Qua câu chuyện, chúng tôi biết Q. chỉ khai thác san hô một cách nhỏ lẻ, những khối đá san hô dưới 1m3 có thể lấy được nhưng với những khối đá lớn hơn, cần đến phương tiện thì Q. không có. Ngồi trong quán cà phê Thảo Nguyên X lúc đó còn có 2 phụ nữ khoảng 35 - 40 tuổi. Nghe câu chuyện của chúng tôi, 2 người này chen vào: “Hay là các anh lấy số điện thoại của P. (098739xxxx). P. có máy cẩu, xe tải nên dễ dàng vận chuyển những tảng san hô lớn hơn 1m3”. Đề cập đến việc vận chuyển những khối san hô này đến TP. Nha Trang, người thanh niên tên Q. nói: “Chúng tôi có thể khai thác và đưa san hô từ ngoài biển vào bờ được thì việc vận chuyển vào TP. Nha Trang có gì khó. Chúng tôi “lo” được”.
Gian nan bảo vệ san hô
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước, nhiều thanh niên quê ở các tỉnh Bắc miền Trung (có họ hàng đang sống ở Vạn Ninh) đã đến thôn Xuân Đông khai thác san hô để bán. Từ đầu năm đến nay, do việc khai thác và vận chuyển gặp “trở ngại” nên họ đã chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, ở thôn Xuân Đông hiện vẫn còn hàng chục người ra biển khai thác san hô; nhiều đầu nậu buôn bán san hô có lãi nên vẫn tiếp tục vận chuyển san hô. Đá san hô khai thác tại vùng biển thôn Xuân Đông được chở vào TP. Hồ Chí Minh bán cho những người làm hòn non bộ; san hô chết, kích thước nhỏ được chở đến huyện Ninh Hòa bán cho các chủ lò nung vôi. San hô làm hòn non bộ có giá khoảng 6 - 7 triệu đồng/xe 8 - 10 tấn, san hô bán cho các lò nung vôi giá thấp hơn, khoảng 200 nghìn đồng/m3.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Quyện - Trưởng Công an xã Vạn Hưng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng xã Vạn Hưng đã bắt và lập biên bản xử phạt đối với 18 ô tô vận chuyển san hô trái phép, thu giữ hàng chục m3 san hô, phạt vi phạm hành chính các chủ phương tiện vận chuyển 36 triệu đồng”. Theo ông Quyện, do các đối tượng khai thác và vận chuyển san hô thường lén lút thực hiện vào đêm khuya nên việc xử lý gặp không ít khó khăn. Nhiều lần, người dân phát hiện có xe vận chuyển san hô đã báo với xã nhưng khi lực lượng chức năng tiến hành truy bắt thì “tai mắt” của những người vận chuyển đã báo cho xe vận chuyển bỏ chạy. Khi chúng tôi đề cập đến những đống san hô nằm ngổn ngang tại thôn Xuân Đông, ông Quyện cho rằng, do không có phương tiện vận chuyển và bãi chứa nên chưa thể xử lý.
Rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất, gồm nhiều loài đặc trưng, đại diện cho hầu hết các nhóm động vật biển, đây là “kho dự trữ” gien của biển. Theo các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Nha Trang, các khối san hô chỉ tăng trưởng khoảng 1cm/năm; vì thế, nếu một khối san hô đường kính 1m bị phá hủy thì hàng trăm năm sau, thiên nhiên chưa chắc đã tái tạo được… Tuy UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị định 128/2005/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thế nhưng người dân thôn Xuân Đông vẫn ra biển khai thác san hô gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học tại vùng biển này.
BÍCH LA