Vượt qua con đường ngoằn nghèo và những thửa ruộng còn ướt đẫm hơi sương, chúng tôi gặp anh Pi Năng Lim (39 tuổi), dân tộc Raglai (tổ 1, thôn Bến Lễ, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đang cần mẫn điều khiển chiếc máy cày để làm đất chuẩn bị cho vụ lúa mới.
Vượt qua con đường ngoằn nghèo và những thửa ruộng còn ướt đẫm hơi sương, chúng tôi gặp anh Pi Năng Lim (39 tuổi), dân tộc Raglai (tổ 1, thôn Bến Lễ, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đang cần mẫn điều khiển chiếc máy cày để làm đất chuẩn bị cho vụ lúa mới. Nhìn anh hăng say làm việc, chúng tôi cảm nhận được những nỗ lực của anh - một người nông dân “chân lấm tay bùn” đã biết vươn lên xóa đói giảm nghèo (XĐGN), làm giàu từ đôi bàn tay trắng.
Anh Lim đang cày làm đất để chuẩn bị vụ lúa mới. |
10 năm trước, gia đình anh Lim thuộc diện nghèo khó, tuy vất vả làm lụng quanh năm nhưng vẫn không đủ ăn. Nhận thấy bà con mình suốt ngày “đầu tắt mặt tối” mà cái đói, cái nghèo vẫn cứ bám riết quanh năm, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định sẽ vay vốn phát triển kinh tế. Năm 1993, anh Lim vay 2 triệu đồng từ nguồn vốn XĐGN để mua 2 con bò giống về nuôi. 10 năm sau, số bò giống của anh Lim đã phát triển thành đàn 16 con. Sau khi bán số bò trên, anh xây được một căn nhà khang trang trị giá 60 triệu đồng. Phấn khởi với kết quả đạt được, anh mạnh dạn vay vốn của Hội Nông dân 20 triệu đồng để phát triển sản xuất.
Do lúc đầu thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác, nên nhiều vụ anh Pi Năng Lim… trắng tay. Anh cho biết: “ Năm 1997, 2 vụ mì liên tiếp tôi đều thất bại do năng suất thấp, giá thành hạ, thua lỗ gần 40 triệu đồng. 4 năm sau, do không có nước tưới tiêu cho đồng ruộng, lúa không trổ hạt, tôi lại mất gần 9 tấn lúa. Những lúc đó tôi rất nản, nhưng rồi với ý chí, quyết tâm của bản thân, tôi đã vượt khó vươn lên…”.
Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, anh Lim chịu khó tham gia nhiều lớp học khuyến nông, khuyến công do Hội Nông dân xã tổ chức để áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, anh còn học hỏi, tìm tòi cách làm của những người đi trước, lặn lội đến địa phương khác để tìm giống cây mới, áp dụng trong sản xuất. Anh còn tham gia các lớp học kỹ thuật trồng lúa nước, trồng keo, sửa chữa máy cày, máy kéo, máy tuốt lúa…
Những nỗ lực của anh Lim đã mang lại kết quả. Đến nay, kinh tế gia đình anh đã ổn định, không những vậy anh còn vươn lên làm giàu. Hiện anh đang làm 1 ha lúa nước, mỗi năm 2 vụ cho thu nhập gần 35 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng 6 ha keo, dự kiến 2 năm nữa, 6 ha keo này sẽ cho anh thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Không bằng lòng với những gì đã có, anh còn trồng thêm 4 ha mì, hàng năm thu hoạch 80 tấn mì… có thu nhập từ lúa nước, mì… anh đã mua sắm được máy cày, máy tuốt lúa trị giá gần 80 triệu đồng để cày thuê, tuốt lúa thuê cho bà con.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác trong thôn về kỹ thuật trồng bắp, keo, lúa… Với những gia đình nghèo, anh hỗ trợ giống, ngày công để cùng phát triển sản xuất. Vào vụ mùa, người dân nghèo trong xã còn được anh cho nợ tiền cày thuê, tiền tuốt lúa, tiền công… Năm 2009, anh vinh dự được tỉnh tặng bằng khen “Nông dân sản xuất giỏi”.
Ông Huỳnh Văn Thúc, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết: “Anh Lim là người làm kinh tế giỏi, không những vậy, anh còn nhiệt tình giúp đỡ bà con trong xã phát triển kinh tế, XĐGN. Anh là một nông dân sản xuất giỏi của xã, là tấm gương sáng để bà con nông dân học tập, noi theo”.
DIỄM TRÂM