Khánh Hòa là 1 trong 38 tỉnh, thành phố trên cả nước được chọn tham gia Dự án Khí sinh học do Tổ chức Phát triển Hà Lan tài trợ giai đoạn 2 (2009 - 2011). Do vốn đối ứng cấp chậm nên đến tháng 10-2009, dự án mới triển khai đến các hộ dân. Thời gian triển khai cập rập đã làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là hiện dự án vẫn chưa thu hút được sự tham gia của các hộ nông dân do kinh phí hỗ trợ còn khiêm tốn.
Khánh Hòa là 1 trong 38 tỉnh, thành phố trên cả nước được chọn tham gia Dự án Khí sinh học (KSH) do Tổ chức Phát triển Hà Lan tài trợ giai đoạn 2 (2009 - 2011). Do vốn đối ứng cấp chậm nên đến tháng 10-2009, dự án mới triển khai đến các hộ dân. Thời gian triển khai cập rập đã làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là hiện dự án vẫn chưa thu hút được sự tham gia của các hộ nông dân do kinh phí hỗ trợ còn khiêm tốn.
° Vốn hỗ trợ chưa cao khiến nhiều nông dân chưa “mặn mà” với Dự án Khí sinh học. |
Xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) là một trong những địa phương đang triển khai Dự án KSH nói trên. Anh Bùi Quang Thọ - cán bộ khuyến nông xã dẫn chúng tôi đến xem mô hình của nhà chị Võ Thị Kim Tuyến (thôn Trung). Hiện công trình đang xây lắp công đoạn cuối của bể phân hủy. Chị Tuyến cho biết, gia đình chị thường xuyên nuôi 20 heo thịt để cải thiện kinh tế gia đình. Nhiều năm qua, chị vẫn sử dụng củi vườn và các loại chất đốt tại chỗ để nấu thức ăn cho heo, không những tốn tiền mua chất đốt mà còn tốn thời gian và gây ô nhiễm môi trường. Được UBND xã chọn tham gia mô hình, chị Tuyến rất phấn khởi; tuy nhiên, vốn đóng góp của mỗi hộ còn lớn, chưa phù hợp với khả năng người dân. “Bà con rất muốn sử dụng khí biogas để giảm bớt ô nhiễm và có chất đốt sử dụng, nhưng Nhà nước hỗ trợ còn ít (chỉ 20%), người dân bỏ ra gần 5 triệu đồng (tương đương 80%), điều này chưa phù hợp với mức thu nhập của gia đình nông dân hiện nay” - chị Tuyến nói.
Trao đổi những người hồ đang thi công công trình tại đây, anh Lê Tấn Vũ - thợ xây ở Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) cho biết: Khánh Hòa có 5 thợ xây tham gia khóa học về kỹ thuật xây dựng công trình KSH tại tỉnh Bình Định. Đây là dự án yêu cầu chất lượng công trình rất cao. Cái khó đối với thợ xây là tô chống thấm mặt trong của bể chứa khí. Tuy các thợ hồ không được đào tạo cũng có thể làm được, nhưng phải thi công đúng bản vẽ thiết kế, không được đặt lệch, hở để tránh thất thoát, không tích tụ được khí gas. Anh Thọ cho biết, việc triển khai dự án phải theo đúng thời gian, yêu cầu đặt ra của Văn phòng Dự án KSH tỉnh và Phòng Kinh tế thành phố.
Năm nay, xã Vĩnh Phương triển khai 2 mô hình, trong đó một mô hình đã hoàn tất. Việc triển khai mô hình KSH ở nông thôn có ý nghĩa lớn với bà con nông dân. Tuy mô hình sử dụng khí gas từ phân gia súc đã có từ lâu, nhưng việc áp dụng và nhân rộng vẫn còn hạn chế do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Hiện kinh phí thi công một công trình KSH trị giá 6,5 triệu đồng, trong đó phần vốn hỗ trợ là 1,2 triệu đồng (vốn đối ứng của tỉnh 575 ngàn đồng/công trình), phần còn lại do người dân đóng góp. Nhưng mức đóng góp 80% vẫn còn cao; bà con mong muốn được Nhà nước hỗ trợ từ 40 đến 50% giá trị công trình. Có như vậy, mới huy động được nhiều người đăng ký tham gia. Anh Thọ cho biết, do việc triển khai dự án vào cuối năm bị cập rập, giá nhân công, vật liệu xây dựng tăng; mức huy động từ người dân còn cao nên một số hộ không muốn tham gia.
Văn phòng Dự án KSH của tỉnh cho biết, đến hết năm 2009, tỉnh triển khai xây dựng được 69 công trình trong số 200 công trình KSH (năm 2009) theo chỉ tiêu do Tổ chức Phát triển Hà Lan tài trợ. Năm 2010 vẫn tiếp tục thực hiện các công trình đăng ký trong năm 2009. Do việc chuyển vốn đối ứng của tỉnh chậm nên đến tháng 10-2009, dự án mới triển khai. Do triển khai vào những tháng cuối năm, giá vật liệu, nhân công tăng làm bà con ngại đóng góp và nhiều người không tham gia. Ngoài ra, mấy năm qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc và giá cả thị trường, lợi nhuận thu được từ chăn nuôi không đủ khuyến khích các hộ dân đã khiến đàn gia súc sụt giảm. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tất cả những lý do này đã khiến tiến độ bị chậm, kéo theo khó khăn cho việc quyết toán cuối năm. Văn phòng Dự án KSH cũng cho biết, đây là dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan tài trợ nên việc triển khai rất chặt chẽ. Các tỉnh tham gia dự án phải thành lập Văn phòng Dự án KSH tại tỉnh; đưa kỹ thuật viên và thợ xây có kinh nghiệm đi đào tạo và tổ chức kiểm tra chất lượng công trình trước khi đưa vào sử dụng…
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện xây dựng được khoảng 800 công trình biogas các loại; phần lớn đều phát huy tác dụng, vừa giảm chi phí chất đốt, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Việc tham gia dự án KSH này cũng thúc đẩy phát triển nhanh phong trào KSH của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo chuyển vốn đối ứng kịp thời để bảo đảm tiến độ dự án và nâng mức hỗ trợ công trình để khuyến khích người dân tham gia.
QUANG VIÊN