Gần đến Tết, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí, du lịch… bắt đầu “rầm rộ” tuyển dụng lao động với những công việc làm thêm mang tính thời vụ. Tuy nhiên, nhìn một cách bao quát, thị trường lao động cuối năm ở Nha Trang không sôi nổi và đang có dấu hiệu chững lại, dẫn đến tình trạng cầu tăng nhưng cung… “khan hiếm”.
Gần đến Tết, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí, du lịch… bắt đầu “rầm rộ” tuyển dụng lao động với những công việc làm thêm mang tính thời vụ. Tuy nhiên, nhìn một cách bao quát, thị trường lao động cuối năm ở Nha Trang không sôi nổi và đang có dấu hiệu chững lại, dẫn đến tình trạng cầu tăng nhưng cung… “khan hiếm”.
Lao động phổ thông khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định. |
Chúng tôi tìm đến Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Khánh Hòa vào những ngày cuối tháng 12-2009, thời điểm được cho là khá sôi động đối với thị trường việc làm thêm cuối năm. Tuy nhiên, không khí ở đây có phần ảm đạm, người lao động đến tìm hiểu thông tin, nhu cầu tuyển dụng việc làm thêm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong khi các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, khu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí… lại đang “rầm rộ” tuyển dụng lao động làm việc thời vụ phục vụ Tết. Nhìn một cách tổng thể, thị trường lao động, làm thêm ở Nha Trang những tháng cuối năm đang trong tình trạng “khan hiếm” nguồn lao động phổ thông. Theo thống kê (chưa đầy đủ) của Trung tâm GTVL Khánh Hòa, những tháng cuối năm, mỗi tháng nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm thêm của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Nha Trang khoảng hơn 1.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. Tuy nhiên, hiện mỗi tháng, Trung tâm chỉ nhận được khoảng từ 200 - 300 hồ sơ đăng ký của người lao động. So với năm 2008, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các ngành nghề không đồng đều. Chẳng hạn lĩnh vực công nghiệp như: chế biến, xây dựng, xuất nhập khẩu… có nhu cầu tuyển dụng không nhiều nhưng lại có khá đông người lao động đến đăng ký xin việc (khoảng hơn 2/3 số hồ sơ). Trong khi các công việc như: nhân viên kinh doanh, tiếp thị, nhân viên phục vụ, tạp vụ, nhân viên bán hàng tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, quán bar; các công ty kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm… có nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng lại không thu hút được lao động, dẫn đến tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Anh Cường, chuyên viên tư vấn việc làm Trung tâm GTVL Khánh Hòa cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động trong thời điểm cuối năm. Song nguyên nhân chính là do các công ty, doanh nghiệp… chỉ tuyển dụng lao động làm việc theo kiểu thời vụ (phục vụ khách tăng trong các dịp lễ, Tết) và các đơn vị này phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động là sinh viên, học sinh”. Song, lực lượng lao động này lại không có tính ổn định, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, các trường đại học, cao đẳng đang bước vào giai đoạn thi học kỳ. Thêm vào đó, đối với các em học sinh, sinh viên ngoài tỉnh, khả năng ở lại tìm việc làm thêm trong dịp Tết âm lịch là rất thấp. Đối với lực lượng lao động trong tỉnh, những chế độ hậu đãi như: lương, thưởng, thời gian làm việc, tính ổn định của công việc, quyền lợi của người lao động… do các doanh nghiệp đưa ra không thật sự thu hút, nên đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn lao động phổ thông đối với các công việc làm thêm.
Như vậy, người lao động phổ thông hiện đang rơi vào tình trạng “tự” thất nghiệp. Họ thất nghiệp không phải vì không kiếm được việc làm mà là do họ không thích làm những công việc thời vụ, thiếu tính ổn định. Điều này đã dẫn đến nghịch lý nguồn lao động nhàn rỗi tăng cao, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ cũng tăng trong khi nguồn lao động phổ thông lại khan hiếm.
THIÊN BẢO