Năm nay, thời tiết ấm, lại là năm nhuận nên nhiều nhà vườn trồng mai đang lo hoa sẽ nở trước Tết.
Năm nay, thời tiết ấm, lại là năm nhuận nên nhiều nhà vườn trồng mai đang lo hoa sẽ nở trước Tết.
° Xuân đến sớm?
Đến thăm vườn mai của ông Huỳnh Kính (một lão nông có hàng chục năm trong nghề trồng mai cảnh và bonsai ở Vĩnh Thạnh - TP. Nha Trang), ông cho biết, năm nay, mai có thể nở sớm do thời tiết ấm, và lụt cũng hết sớm hơn mọi năm. Mai nở sớm còn do bị trận lũ lớn vừa qua. Toàn bộ số mai chậu cũng như mai đất bị ngâm hoàn toàn trong nước, khiến mai có thể ra hoa sớm. Hiện tượng vàng lá đã biểu hiện khắp vườn. Điều này trái ngược với năm ngoái, người trồng mai thấp thỏm mong chờ mai khoe sắc trong dịp Tết nhưng thời tiết giá lạnh kéo dài đã làm mai “nhỡ cả mùa xuân”.
Nhiều nhà vườn lo ngại mai năm nay ra nụ sớm. |
Cũng giống nhà ông Kính, vườn mai của ông Nguyễn Đình Dưỡng (Vĩnh Thạnh) vẫn chưa thấy hiện tượng mai nở. Ông Dưỡng cho biết, có thông tin rải rác mai vườn, mai đất đã có nụ, nở sớm ở một số tỉnh, thành phía Nam và tại một số vườn mai trong tỉnh. Tuy nhiên, ông vừa đi tham khảo các vườn mai ở TP. Nha Trang và Diên Khánh thì hiện vẫn chưa thấy nơi nào có mai nở. Ông Dưỡng cho rằng, năm nay, mai có hiện tượng vàng lá sớm. Trận lụt vừa rồi, tuy dữ dội nhưng qua nhanh, nên không ảnh hưởng nhiều đến cây mai. Còn khoảng 1 tháng rưỡi nữa mới đến Tết, vì vậy, chưa thể nói trước được gì.
Những năm gần đây, thời tiết có nhiều biến động bất thường khiến “nàng Xuân” cũng đôi lần “lỡ hẹn” với mai. Cây mai - biểu tượng của mùa xuân ở các tỉnh phía Nam, ngày càng khó “ép” nở hoa đúng dịp Tết. Nỗ lực làm mai nở đúng dịp Tết đã khiến nhiều người trồng mai mất ăn, mất ngủ, bỏ nhiều tâm trí, công sức.
° “Hãm” sức xuân
Những người có kinh nghiệm trong nghề trồng mai thường có nhiều biện pháp để “kéo giãn” hay “rút ngắn” thời gian mai ra hoa sớm hoặc muộn. Theo ông Kính, muốn mai nở đúng dịp Tết, thời điểm tác động lên cây mai phải trước Tết khoảng 2 tháng. Các biện pháp chủ yếu là: bắt sâu, bón phân, xịt thuốc kích thích, kể cả ủ ấm nụ hoa. Bón dinh dưỡng cho mai đầy đủ, cân đối các yếu tố NPK. Việc tưới nước phải đảm bảo đủ ẩm cho mai. Khi thời tiết lạnh giá, có thể trùm bao nilon, đặt chậu mai tránh nơi gió lùa. Nếu quá lạnh, phải thắp đèn sưởi ấm (loại bóng đèn 60W) kết hợp với lặt lá mai. Mai 5 cánh, lặt lá trước Tết 15 ngày; mai tai giảo (12 cánh) lặt lá trước 25 ngày, nếu quá lạnh, lặt trước 35 ngày để kích thích ra hoa. Đối với thời tiết ấm, hoa nở sớm, lại phải kìm bằng cách: Những cây lá vàng sắp rụng thì chỉ lặt lá cách Tết 12 ngày; hoa mai đang xé vỏ lụa thì không lặt lá bởi hoa sẽ nở sau 10 ngày, đợi đến 25 tháng Chạp âm lịch mới lặt lá. Nếu khoảng 17 - 18 tháng Chạp, một số hoa bắt đầu xé vỏ lụa là sẽ nở đúng Tết. Ông Kính cho biết thêm, nhiều trại chuyên trồng mai còn làm trại kín, thắp đèn duy trì nhiệt độ cho mai.
Hiện nay, cây mai có khá nhiều chủng loại như: mai 5 cánh, 8, 9, 12, 22 cánh, cúc mai 100 cánh, bạch mai, thanh mai, mai phúc lộc thọ, điểm ngày xuân…, nhưng nhiều nhất vẫn là mai tai giảo (12 cánh), là dòng đột biến của mai 5 cánh. Trước đây còn có nhiều loại mai quý như: huyết mai, hắc mai… nhưng hiện nay không còn. Nhưng cho dù là loại mai nào, đã chơi mai, người chơi phải tuyệt đối không để mai ở nơi gió lùa, hay đúng luồng gió quạt trực tiếp. Nếu là mai cành, khi mang về nhà phải lấy dao sắc chặt vát, chà sạch phần gốc để kích thích mạch nhựa dẫn nước lên nuôi cây, nếu không, nhựa cây bít kín làm mai không hút được dinh dưỡng, sẽ khô héo. Cành mai trước khi cắm vào bình cần đặt nghiêng 15o để cây có thể hút nước. Chú ý, nếu cành mai cắm trong nhà bị rụng bông, cần đem ra, chặt vát gốc ngay rồi chà sạch và bỏ vào bình cắm 1 viên aspirin để kích thích cây dẫn nước lên. Cần chú ý sâu ăn bông, phá hoại cây; sau 3 ngày Tết cần lặt lá, bắt sâu để khỏi phá hỏng nụ.
H.A