05:01, 10/01/2010

Hàng Việt Nam, tại sao không?

Trong nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế nước nhà ngày càng phát triển, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp không thua kém hàng ngoại nhập.

LTS: Trong nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế nước nhà ngày càng phát triển, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp không thua kém hàng ngoại nhập. Nhưng vì lý do nào đó, nhiều người dân vẫn quay lưng với hàng Việt. Báo Khánh Hòa mở diễn đàn “Người Việt dùng hàng Việt”. Diễn đàn này sẽ là nơi trao đổi ý kiến, hiến kế giải pháp nhằm tạo thói quen ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho mỗi người dân. Tòa soạn rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc về chủ đề này. Mọi tin bài cộng tác xin ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc và gửi về: Báo Khánh Hòa, 77 Yersin, Nha Trang, Khánh Hòa hoặc baokhanhhoadientu@dng.vnn.vn.

Hàng Việt Nam, tại sao không?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một thời gian dài, nền kinh tế của chúng ta tỏ ra trì trệ với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng khan hiếm đến độ mua được đã là tốt chứ đừng nói đến chuyện lựa chọn. Chẳng hạn, cách đây khoảng 30 năm, cục xà phòng thì đen nhẻm, thô kệch, mùi chẳng thơm tí nào. Nhưng hễ nó xuất hiện ở các cửa hàng là người ta “rồng rắn” mua sạch. Cho nên, ai mà mua được cục xà phòng Zest, “Pa-bông-luya” (Palmolive), Coast… là mừng lắm. So với xà phòng trong nước sản xuất thì các loại xà phòng này là “một trời một vực” từ mẫu mã đến chất lượng. Không chỉ xà phòng mà hầu như tất cả các mặt hàng tiêu dùng đều như vậy, cả xã hội thiếu hàng tiêu dùng trầm trọng. Giai đoạn này chính là thời gian hình thành tâm lý e dè, thậm chí coi thường của người dân đối với hàng hóa sản xuất trong nước và kéo dài cho đến tận bây giờ. Thói quen theo kiểu “bụt chùa nhà không thiêng” ấy dẫn đến một hệ lụy là tâm lý sính ngoại đến mức cực đoan của người tiêu dùng.

Thật ra, tâm lý sính ngoại không phải hình thành ở thời điểm ấy mà đã có từ rất lâu. Thời kỳ phong kiến, nền kinh tế của chúng ta là thuần nông, tự cung tự cấp nên người dân chưa có nhiều về nhu cầu tiêu dùng, lượng hàng hóa không nhiều. Trải qua cả trăm năm bị Pháp xâm lược, người dân Việt bắt đầu làm quen với hàng hóa nước ngoài, ban đầu chỉ là các món ăn như bơ, sữa… sau là các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, xe cộ… Sau đó khi đất nước bị chia cắt, người dân ở miền Nam lại được thụ hưởng hàng tiêu dùng của người Mỹ, hàng hóa viện trợ tràn ngập thị trường với chất lượng, mẫu mã không thể chê. Cho nên khi đất nước giải phóng, các loại hàng hóa đó không còn nữa, mà chỉ còn những loại hàng tiêu dùng sản xuất trong nước với chất lượng mẫu mã tồi tàn, tâm lý sính ngoại và quay lưng với hàng nội phát sinh là điều dễ hiểu.

Một thói quen được hình thành từ rất lâu thì cũng không dễ gì xóa đi trong một sớm một chiều. Cho nên trước đây, chúng ta đã có những cuộc vận động nhằm bài trừ tâm lý sính ngoại theo kiểu “Dùng hàng Việt là yêu nước”… nhưng rất ít kết quả là vì vậy. Hàn Quốc, Nhật Bản đã rất thành công trong việc vận động người dân nước họ dùng hàng trong nước. Hiện nay Trung Quốc cũng đang thực hiện vấn đề này. Mọi người dân đều được tuyên truyền và ý thức được rằng họ có thể hy sinh nhu cầu bản thân khi tiêu dùng tức là góp phần vào việc xây dựng đất nước. Nhật Bản luôn sản xuất một dòng sản phẩm nội địa cho riêng người dân trong nước, Hàn Quốc còn “ghê” hơn khi họ kiên quyết dùng hàng trong nước dù chất lượng, mẫu mã kém hơn rất nhiều so với hàng ngoại nhập.

Nhưng đó là thời xưa. Hiện nay, khi chúng ta đã gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), khó mà bê nguyên xi cái hình mẫu ấy để áp dụng vào nước ta. Việc vận động người Việt dùng hàng Việt cần phải phối hợp giữa hai yếu tố: chất lượng hàng hóa và tâm lý dùng hàng nội của người dân. Yếu tố thứ nhất phụ thuộc vào năng lực sản xuất của nền kinh tế, yếu tố thứ hai là ý thức chủ quan của con người. Hàng hóa có tốt thì người tiêu dùng mới tin tưởng và sử dụng và ngược lại, khi hàng hóa trong nước được tiêu thụ chính là điều kiện để nền kinh tế ổn định và phát triển. Do đó, giữa hai yếu tố này luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.

Thời gian gần đây, có thể thấy nỗ lực của các doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. Nhiều mặt hàng Việt Nam có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đẹp không thua hàng ngoại nhập. Nhưng đôi khi, những mặt hàng như vậy lại bị người tiêu dùng trong nước quay lưng chỉ bởi vì tâm lý sính ngoại vẫn tồn tại dai dẳng. Chẳng hạn, hàng Việt Nam tốt, đẹp, rẻ nhưng người tiêu dùng không mua. Nhưng khi doanh nghiệp nước ngoài nhập mặt hàng đó về, dán nhãn mác của họ rồi xuất ngược lại Việt Nam thì lại được tiêu thụ ào ào. Chúng ta thua ngay trên sân nhà, một nghịch lý rất đau lòng!

Một điều đáng nói nữa là do thu nhập thấp, người dân vẫn thích mua đồ rẻ, những mặt hàng ngoại giá rẻ lại càng được ưa chuộng. Bởi thế cho nên mới có chuyện người dân đổ xô mua hàng xuất xứ từ những chợ ở vùng ở biên giới phía Bắc, bất kể hậu quả tiềm ẩn. Hàng ở đây được làm nhái, chất lượng rất tệ so với sản phẩm thật nhưng được tiêu thụ mạnh vì nó quá rẻ. Hầu như mặt hàng gì cũng có, từ trái cây, thực phẩm đến hàng gia dụng, máy móc thiết bị… Hậu quả thì đã rõ, nhiều loại thực phẩm, trái cây không rõ được tẩm ướp kiểu gì mà để cả tháng vẫn tươi ngon, còn hàng hóa dùng một thời gian thì hỏng. Thử làm một phép tính đơn giản: Khi mua những món hàng kiểu này, người dân vừa mất tiền (thậm chí còn hại cho sức khỏe), kích thích kinh tế của nước khác phát triển nhưng lại làm cho ngành sản xuất trong nước lao đao vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Cho nên, khi chúng ta dùng hàng nội cũng là cách góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước, giúp ổn định kinh tế nước nhà, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

LÊ MINH