. Ông Cao Điệp Phới - dân tộc Raglai, Phó Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Cam Ranh:
Tỉnh rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lần đầu tiên Đại hội đại biểu các DTTS được tổ chức, bản thân tôi và đồng bào các DTTS thị xã Cam Ranh rất phấn khởi, tự hào. Đại hội đã tạo điều kiện cho các DTTS có dịp giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, phát huy nhân tố tích cực để có cơ sở làm tốt công tác vận động và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi thấy, những năm qua, tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cho vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, hiện nay, mặt bằng dân trí của người DTTS ở Cam Ranh nâng cao hơn so với 10 năm trước, nhất là thế hệ trẻ đã được các gia đình quan tâm cho đến trường. Ngoài các chương trình KT-XH miền núi, chương trình định canh định cư giúp người dân nâng cao chất lượng sống thì bà con cũng đã biết tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) để phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bài trừ các hủ tục lạc hậu…
Tôi mong muốn, trên cơ sở chủ trương của Đảng, tỉnh cần định kỳ tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS. Đây là một sân chơi bổ ích, giúp anh em các dân tộc giao lưu, học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Đại hội cũng sẽ là dịp để Đảng và Nhà nước rà soát lại chủ trương, chính sách nhằm điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời cho phù hợp với xu thế hiện tại, tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
° Bà Cao Thị Tuyết Nhung - dân tộc Raglai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Bình; Thôn trưởng thôn Cà Hon, xã Khánh Bình, huyện khánh Vĩnh:
Mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để bà con thoát nghèo bền vững
Trước đây, gia đình tôi cũng thuộc diện đói nghèo như nhiều hộ đồng bào Raglai khác tại địa phương. Từ khi tham gia công tác phụ nữ và làm trưởng thôn, tôi tự thấy phải gương mẫu làm tốt công việc được giao, đồng thời phải cố gắng làm kinh tế, chăm sóc gia đình để chị em và bà con nhân dân tin yêu, quý mến. Vì vậy, tôi áp dụng kiến thức khuyến nông để nâng cao năng suất sản xuất, đồng thời hướng dẫn bà con trồng mì cao sản, bắp lai, trồng keo, lập vườn, chăn nuôi bò sinh sản…
Nhờ tham gia công tác xã hội, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học trong sản xuất và sự cố gắng của bản thân, nhiều năm qua, gia đình tôi trở thành hộ có thu nhập khá trong thôn. Bản thân tôi có điều kiện chăm sóc cha mẹ già yếu, nuôi 2 em trưởng thành có nghề nghiệp ổn định, nuôi dạy các con chu đáo.
Tham dự Đại hội, tôi rất vui khi được giao lưu gặp gỡ, học hỏi các anh chị em những cách làm ăn hay để về hướng dẫn lại cho bà con. Những năm gần đây, đời sống người dân thôn tôi khá hơn nhiều. Nhờ Nhà nước xây dựng nhà, người dân đã có chỗ ở ổn định. Những chương trình vườn nhà, vườn rừng đã giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghèo còn cao nên qua Đại hội, bà con mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa để người dân thoát nghèo bền vững.
. Chị Bo Bo Thị Hoài - dân tộc Raglai, Bí thư Xã đoàn Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn):
Tạo điều kiện để các dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó bền chặt hơn
Những năm qua, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai sâu rộng về địa phương. Với vai trò là thủ lĩnh thanh niên, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động các đoàn viên, thanh niên trong xã tham gia thực hiện tốt các chính sách. Ở xã Ba Cụm Bắc nói riêng và huyện Khánh Sơn nói chung, phần lớn thanh niên người DTTS đã biết tiếp thu kiến thức, áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. So với những năm trước, hiện nay, huyện Khánh Sơn đã có nhiều đổi thay trên các lĩnh vực KT-XH, các dân tộc anh em ngày càng gắn kết.
Tôi rất vinh dự là một trong những đại diện cho thanh niên các DTTS huyện Khánh Sơn tham dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần này. Đến với Đại hội, chúng tôi được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các dân tộc anh em trên địa bàn. Chúng tôi mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, có những chính sách mới, tạo điều kiện để các dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó bền chặt hơn, góp phần đưa KT-XH vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển.
° Ông Dương Đình Du - dân tộc Tày, tổ 5, thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh:
Phải tự giác, chăm chỉ làm ăn mới thoát nghèo
Gia đình tôi chọn Khánh Hòa làm quê hương từ năm 1992. Trước năm 2000, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến nay, cuộc sống đã ổn định. Gia đình tôi là một trong những điển hình phát triển kinh tế trang trại ở địa phương. Mỗi năm, trang trại của gia đình (trồng xoài, cam, quýt, bưởi…) cũng cho thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình tôi đã xây được nhà, mua sắm nhiều vật dụng gia đình có giá trị và nuôi 2 con ăn học.
Hiện nay, đa số các hộ người DTTS ở ngoài Bắc di cư vào làm ăn, sinh sống tại địa phương như gia đình tôi đều đã có cuộc sống ổn định nhờ chăm chỉ lao động sản xuất và sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước qua các chương trình như: 132, 134, 743… Qua trò chuyện, tôi thấy nhiều anh chị em tham dự Đại hội bày tỏ quyết tâm thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng nhiều năm nay và vươn lên làm giàu. Để làm được điều đó, cần phải tự giác, chăm chỉ làm ăn, đồng thời loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, chú trọng làm theo kiến thức KHKT được hướng dẫn.
HOÀNG TRIỀU - KHÁNH NINH (Lược ghi)