Sau khoảng 12 năm đi vào hoạt động, kho chứa nix thải của Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin (HVS) ngày càng đầy lên. Trong thời gian qua, với những kết luận của các cơ quan chức năng về ô nhiễm môi trường do hạt nix thải gây ra, HVS đã hạn chế hoạt động sửa chữa tàu đến mức thấp nhất. Sự kiện xây dựng Nhà máy Xử lý phế thải nix Ninh Thủy đang tạo ra một cơ hội lớn để giải quyết nhiều vấn đề như: bảo vệ môi trường, xử lý dứt điểm nguồn nix thải tồn tại trong thời gian qua tại HVS…
Bài 1: Ô nhiễm từ hạt nix được giải quyết
Sau khoảng 12 năm đi vào hoạt động, kho chứa nix thải của Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin (HVS) ngày càng đầy lên. Trong thời gian qua, với những kết luận của các cơ quan chức năng về ô nhiễm môi trường do hạt nix thải gây ra, HVS đã hạn chế hoạt động sửa chữa tàu đến mức thấp nhất. Sự kiện xây dựng Nhà máy Xử lý phế thải nix Ninh Thủy đang tạo ra một cơ hội lớn để giải quyết nhiều vấn đề như: bảo vệ môi trường, xử lý dứt điểm nguồn nix thải tồn tại trong thời gian qua tại HVS…
Nhà máy xử lý phế thải nix Ninh Thủy được xây dựng sát kho nix thải của HVS |
°Nỗ lực giảm hạt nix của HVS
Sau khi đi vào hoạt động, HVS đã xin các cơ quan chức năng nhập hạt nix để thuận lợi hơn trong việc sửa chữa tàu biển. HVS đã nhập khẩu hạt nix trung bình khoảng 80 ngàn tấn/năm. Sau khoảng 12 năm đi vào hoạt động, tại kho chứa của HVS đã có khoảng 1 triệu tấn nix thải.
Quá trình sử dụng hạt nix để sửa chữa tàu đã gây ô nhiễm môi trường, buộc các cơ quan chức năng phải yêu cầu HVS giảm dần và hướng đến chấm dứt hoạt động sửa chữa để chuyển sang đóng mới tàu. Tháng 8-2008, HVS tổ chức lễ cắt tấm thép đầu tiên để đóng tàu, đánh dấu một bước ngoặt mới trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, việc làm sao giải quyết hết lượng nix thải tồn đọng vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Đây cũng là nỗi băn khoăn thường trực của HVS. Cũng cần nói rõ thêm, thời gian qua, môi trường là một trong những vấn đề được HVS quan tâm hàng đầu. Bằng mọi giải pháp, HVS đã hạn chế tối đa những tác động xấu có thể gây ra đối với môi trường xung quanh trong quá trình sử dụng hạt nix. Đơn vị chứa giữ nix đã qua sử dụng trong kho biệt lập. Ngoài ra, HVS còn liên hệ với một số doanh nghiệp chế biến các sản phẩm xây dựng để giải quyết hạt nix thải. Điển hình như: Công ty Cổ phần Savaco sử dụng nix thải để phối trộn làm vật liệu xây dựng; Công ty Xây dựng 505 sử dụng hạt nix thải để phối trộn làm bê tông nhựa đường (tỷ lệ 10%); Công ty Dịch vụ vận chuyển Tranaco nghiên cứu sử dụng nix để xây dựng bến thùng chìm ở các cảng biển; Công ty Cổ phần Thép Vân Thái (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - VinaShin) xây dựng nhà máy sản xuất cọc bê tông các loại… Ngoài ra, trong kế hoạch hạn chế sử dụng hạt nix, có lần đơn vị đã hủy 11 hợp đồng sửa chữa tàu có liên quan đến sơn vỏ tàu. Tổng giá trị các hợp đồng đã hủy lên đến 34 triệu USD…
° Cơ hội xử lý triệt để nguồn nix thải
Bên cạnh việc liên kết với một số doanh nghiệp xử lý dần hạt nix thải, HVS cũng sử dụng các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần hạn chế lượng nix thải ngày càng lớn hơn. Kể từ khi có Quyết định 23/2006/QĐ-BTNMT về ban hành danh mục chất thải nguy hại, HVS đã gấp rút thực hiện phương án tái sử dụng hạt nix thải vào một số ngành công nghiệp khác. Đặc biệt, việc ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội để tái chế hạt nix thải là một trong những hướng đi mang tính quyết định để xử lý hết lượng hạt nix nói trên.
Sau thời gian khảo sát, chọn địa điểm, Công ty Cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội đã đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý phế thải nix Ninh Thủy tại thôn Mỹ Á, xã Ninh Thủy (Ninh Hòa) với quy mô 25 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Nhà máy xử lý phế thải nix này sẽ được đầu tư hoàn chỉnh với dây chuyền công nghệ đồng bộ, có công suất xử lý 330.000 tấn phế thải nix/năm. Dự án này đang được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao, bởi đây là dây chuyền xử lý hạt nix thải khép kín đầu tiên tại Việt Nam có quy mô lớn. Bằng những thiết bị, công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ đầu tư 1 dây chuyền hoàn nguyên sắt trực tiếp từ phế thải nix để tạo ra sản lượng sắt xốp khoảng 104.000 tấn/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm trên cơ sở công nghệ hiện đại như: lắp đặt dây chuyền sản xuất xi măng sử dụng phụ gia là xỉ thải sau hoàn nguyên, công suất của dây chuyền này lên đến 600.000 tấn xi măng poóc lăng hỗn hợp/năm theo tiêu chuẩn TCVN6260:1997; dây chuyền sản xuất gạch ốp lát cao cấp sử dụng toàn bộ xỉ than từ trạm khí hóa than và dây chuyền hoàn nguyên sắt, công suất 750.000m2/năm, đạt các tiêu chuẩn Việt Nam; dây chuyền sản xuất bao bì công suất 12 triệu vỏ bao/năm; trạm khí hóa than công suất 17.280.000m3 khí/năm. Bên cạnh đó, từ nguồn nhiệt phát ra trong quá trình xử lý nix thải, chủ đầu tư cũng xây dựng một trạm phát điện dư nhiệt có sản lượng 40.320.000 kW/năm để tái phục vụ cho nhu cầu điện của các phân xưởng sản xuất. Ông Hoàng Đình Phi - Phó Trưởng ban Ban quản lý (BQL) Khu Kinh tế Vân Phong cho biết: Nhà máy xử lý phế thải nix có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường khu vực. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần giúp cho các doanh nghiệp sửa chữa tàu biển ở Việt Nam không còn lo ngại về vấn đề hạt nix.
Hiện nay, kho nix của HVS đã được bàn giao cho Công ty Cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội quản lý. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu vực. Nhà đầu tư cũng cho biết, về lâu dài, nhà máy sẽ mở rộng việc xử lý chất thải rắn ở nhiều địa phương và các ngành công nghiệp khác, góp phần cải thiện môi trường và thực hiện điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam cam kết.
Bài 2: Cần có giải pháp về nguồn nguyên liệu
Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Xử lý phế thải (XLPT) nix Ninh Thủy không chỉ xử lý chất thải rắn công nghiệp, bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm có tính thương mại mà còn giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động trực tiếp và thúc đẩy hoạt động sửa chữa tàu biển. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, nếu không có sự chuẩn bị thì nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu cho Nhà máy XLPT nix sẽ xảy ra. Vì vậy, điều cần làm hiện nay là phải thúc đẩy nhập hạt nix để… “lợi cả đôi đường”.
Chỉ có sửa chữa tàu, HVS mới cung cấp được nguyên liệu nix thải ổn định cho Nhà máy Xử lý phế thải nix Ninh Thủy. |
° Sẽ thiếu nguyên liệu
Ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong nhận định: Dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xử lý môi trường; đồng thời, tạo điều kiện để Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin (HVS) tiếp tục sửa chữa tàu, giải quyết việc làm cho người lao động và góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo kế hoạch, Nhà máy XLPT nix Ninh Thủy chính thức đi vào hoạt động trong tháng 5-2011. Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. Chủ đầu tư đang áp dụng các quy chuẩn Việt Nam và quốc tế hiện hành vào xây dựng nhà máy. Theo chủ đầu tư, dây chuyền công nghệ lắp đặt tại nhà máy được nhập ngoại, thiết bị tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường nhằm tận dụng triệt để nguồn chất thải để sản xuất ra các sản phẩm có tính thương mại… Với công suất xử lý thiết kế 330.000 tấn nix thải/năm thì chỉ sau khoảng 3 năm hoạt động, lượng nix thải hiện có sẽ được xử lý hết. Nhà máy sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu vực. Chủ đầu tư cũng cho biết, về lâu dài, nhà máy sẽ mở rộng xử lý chất thải rắn ở nhiều địa phương và các ngành công nghiệp khác, góp phần cải thiện môi trường. Nhà máy cũng tính đến việc linh động xử lý sắt vụn và một số chất thải rắn công nghiệp khác để phát huy tối đa công nghệ…
Tuy nhiên, những định hướng trên vẫn chưa đủ đối với một nhà máy có công suất lớn và hiện đại. Việc phát huy tối đa công năng của máy móc không chỉ là chuyện xử lý được nhiều loại chất thải rắn công nghiệp mà còn phải có nguồn nguyên liệu ổn định để nhà máy hoạt động liên tục. Hiện nay, Việt Nam đã có những bài học về việc thiếu nguyên liệu. Chẳng hạn: Vì thiếu mía nguyên liệu, nhiều nhà máy đường phải hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả; thậm chí, một số nhà máy phải dừng hoạt động. Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, tuy Việt Nam có nguồn lợi thủy sản phong phú, nhưng do thiếu phương tiện khai thác, đánh bắt nên vẫn không đủ nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến. Nhiều doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến rồi xuất khẩu… Khánh Hòa cũng không tránh khỏi những hạn chế này. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, tính đến nguồn nguyên liệu ổn định cho Nhà máy XLPT nix Ninh Thủy là không thừa.
° Hiệu quả kép
Trong chuyến công tác tại Khánh Hòa mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên đánh giá: Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở Khánh Hòa hầu hết đã được giải quyết. Giải quyết hạt nix thải của HVS là trăn trở của lãnh đạo tỉnh và Trung ương trong những năm qua. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh và Bộ TN-MT đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý hạt nix thải. Việc khởi công Nhà máy XLPT nix có ý nghĩa lịch sử cho ngành TN-MT và tỉnh Khánh Hòa.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, giải quyết được vấn đề hạt nix sẽ mang lại hiệu quả kép cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa như: giải quyết được ô nhiễm môi trường; sản xuất ra các sản phẩm như: sắt thép, phụ gia cho xi măng… từ phế thải công nghiệp; HVS còn có thể tiếp tục nhập nix sửa chữa tàu để phát triển; giải quyết lượng lớn việc làm cho người lao động…
Với quy mô lớn, khi đi vào hoạt động, Nhà máy XLPT nix Ninh Thủy sẽ tạo việc làm ổn định cho 700 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư ở Khánh Hòa và tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khu vực. Việc xử lý triệt để nguồn phế thải nix sẽ tạo điều kiện để Khánh Hòa phát triển công nghiệp bền vững, đặc biệt là lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển.
Cần nói thêm, trước khi có giải pháp xử lý nix thải của Công ty Cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội, HVS đã giảm tối đa sửa chữa tàu. Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm dài hạn hoặc luân phiên lượng lớn lao động. Hiện nay, khi đóng mới tàu, bình quân mỗi ngày, tại HVS có khoảng 300 công nhân nghỉ chờ việc. Theo ông Vũ Minh Phú - Phó Tổng Giám đốc HVS: Nếu cuối năm 2010 không có thêm hợp đồng đóng mới tàu thì nhà máy sẽ gặp khó khăn. Đơn vị đang có kế hoạch sử dụng linh hoạt các ụ tàu để đóng mới hoặc sửa chữa. Nhà máy đã đầu tư gần 100 triệu USD mua sắm máy móc, trang bị phục vụ cho việc đóng tàu, nên nếu hợp đồng sửa chữa sẽ gây thiệt hại lớn. Tuy vậy, đơn vị cũng vẫn quan tâm đến hoạt động sửa chữa nhằm giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.
Hoạt động sửa chữa tàu biển của HVS và nguồn nix thải cung cấp cho Nhà máy XLPT nix Ninh Thủy có quan hệ rất chặt chẽ. Nếu HVS không nhập hạt nix để sửa chữa tàu, về lâu dài, Nhà máy XLPT nix sẽ thiếu nguyên liệu. Ngoài ra, 2 nhà máy sẽ không tăng thêm được việc làm. Việc nhập hạt nix để sửa chữa tàu biển hiện là giải pháp tối ưu, có lợi cho HVS và Nhà máy XLPT nix Ninh Thủy. Theo tính toán, nếu HVS tăng hoạt động sửa chữa tàu biển, bình quân mỗi năm, nhà máy cũng chỉ nhập 80-100 ngàn tấn hạt nix. Số nix này, sau khi thành phế thải, cũng chỉ đáp ứng cung cấp được khoảng ¼ công suất Nhà máy XLPT nix Ninh Thủy.
HOÀNG TRIỀU