Những ngày cuối năm, cuộc sống của những người xa xứ đến TP. Nha Trang mưu sinh dường như bận rộn hơn, vất vả hơn; có những người chỉ biết ước ao về một cái Tết đầm ấm nơi quê nhà…
Những ngày cuối năm, cuộc sống của những người xa xứ đến TP. Nha Trang mưu sinh dường như bận rộn hơn, vất vả hơn; có những người chỉ biết ước ao về một cái Tết đầm ấm nơi quê nhà…
° Muôn nẻo mưu sinh
Tôi gặp Nhi, cô bé tròn 7 tuổi ở thị xã Cam Ranh, Khánh Hòa khi đang ngồi nghỉ trưa tại một quán nước. Em lại gần tôi nhỏ nhẹ: “Anh ơi! Mua cho em tờ vé số! Từ sáng đến giờ em vẫn chưa bán được vé nào, chắc trưa nay không có tiền ăn cơm…”. Trò chuyện với em, tôi được biết, khi mới 5 tuổi, Nhi đã từ Cần Thơ theo các chị và mẹ đến Cam Ranh để bán vé số kiếm sống. Đã mấy năm nay, dù trời nắng hay mưa, Nhi vẫn đều đặn đi bán vé số kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ.
Gần Tết, thường có nhiều người lên phố bán cây cảnh. |
Trong bộ quần áo đã ngả màu, em Ngô Thanh Vân, quê ở Nga Sơn (Thanh Hóa) thẫn thờ khi ngồi nghỉ bên quán nước ven đường 23-10, Nha Trang. Vân cho biết: “Từ sáng đến giờ, em đi khắp các quán, nài nỉ mọi người đánh giày nhưng không ai thuê, nhiều người còn đuổi em đi. Nhiều lúc em muốn về nhà, nhưng nghĩ lại, bố mẹ giờ cũng đang ở Sài Gòn kiếm sống, nhà chẳng còn ai, về để làm gì? Thế là em đành trụ lại Nha Trang với hy vọng mỗi ngày kiếm được 5 -10 ngàn từ nghề đánh giày”.
Những ngày gần Tết, trên các ngả đường TP. Nha Trang, có nhiều người chở cây cảnh và hoa đi bán. Đây là những cây cảnh, cây hoa được họ mua ở Đồng Tháp, Đà Lạt…, mang đến Nha Trang hy vọng bán kiếm lời. Chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh tâm sự: “Gần Tết, người dân thường thích mua cây cảnh và cây hoa về trang trí, nên chị em chúng tôi thường đi mua cây từ các tỉnh khác mang đến Nha Trang bán lại lấy lời. Nhưng có nhiều ngày, đẩy xe trên phố dễ đến mấy chục km mà chẳng bán được cây nào!”.
° Những người không có Tết
Không phải ai ra thành phố mưu sinh cũng may mắn tích góp được tiền để ngày Tết về quê giúp đỡ gia đình. Có nhiều người phải dang dở ước mơ về quê đón Tết. Em Ngô Văn Hải, quê ở Bố Trạch(Quảng Bình) đưa tay lau những giọt mồ hôi lăn trên gò má, tâm sự: “Quê em nghèo lắm! Học xong lớp 3, em theo các anh chị trong làng vào Nha Trang nhặt phế liệu. Nhiều hôm mưa to gió lớn nhưng em cũng phải đi làm. 5 đứa tụi em thuê chung một phòng trọ. Ngày nào nhặt được nhiều phế liệu thì đủ tiền ăn và tích góp được ít tiền dành gửi cho ba mẹ. Nhưng ngày bão lụt, mưa gió, không đi làm được thì đành ở nhà nhịn đói. Năm ngoái, em không về quê ăn Tết được vì không đủ tiền mua vé xe. Năm nay cũng khó mà về được vì làm ăn khó khăn”.
Em Lê Thị Thu, quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cũng có hoàn cảnh éo le. Nhà nghèo, Thu theo các bạn vào Nha Trang bán vé số, rồi rửa chén bát cho các nhà hàng, quán cơm. Nhưng việc gì cũng chỉ cho thu nhập thấp. Thế là hơn 1 năm nay, Thu theo bạn đi hát rong bán kẹo. Nhìn mái tóc nhuộm vàng hoe, giọng hát ngọt ngào và vẻ “lì lợm” của Thu, tôi hiểu, để sống và tồn tại ở thành phố, Thu đã thay đổi rất nhiều. Từ một cô bé hiền lành, giản dị, Thu đã trở nên “sành điệu”. Thu cho biết: “Đêm nào em cũng theo bạn đi hát rong bán kẹo. Nhưng khi vào các quán nhậu hát, em cảm thấy rất tủi thân vì nhiều ánh mắt nhìn mình thiếu thiện cảm, thêm những lời nói khó nghe của các “bợm nhậu”. Tết này chắc em không về quê, vì ngày Tết, các quán rất đông người nhậu, bọn em phải tranh thủ hát rong mới mong có tiền sắm quần áo, còn lại để gửi về giúp bố mẹ…”.
Tôi biết, Tết này, vẫn còn nhiều người khác phải ở lại thành phố, đành lỡ hẹn đón Tết nơi quê nhà, cũng chỉ bởi “miếng cơm manh áo”…
ĐINH TIẾN GIANG