Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Trung ương và của tỉnh Khánh Hòa, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã từng bước được nâng cao.
Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Trung ương và của tỉnh Khánh Hòa, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã từng bước được nâng cao.
Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh ngày càng được nâng cao. |
Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, diện tích tự nhiên 1.165km2, dân số 33.293 người với 15 dân tộc anh em chung sống, trong đó DTTS 24.527 người, chiếm 73,7%. Những năm trước, đời sống của bà con DTTS ở Khánh Vĩnh gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phát nương làm rẫy, tình trạng đói giáp hạt liên tục xảy ra. Trước năm 2005, huyện Khánh Vĩnh có 8 xã khu vực 3 đặc biệt khó khăn, đời sống bà con tại các địa phương này rất vất vả; cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chị Cao Thị Tuyết Nhung, người dân tộc Raglai ở thôn Cà Hon, xã Khánh Bình, nhớ lại: “Tôi lập gia đình từ năm 1995 và là hộ đói nghèo ở địa phương, cuộc sống rất khó khăn, không có kế hoạch sản xuất, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cây trồng vật nuôi không cao. Lao động vất vả, nhưng lúc nào gia đình tôi cũng thiếu cái ăn, cái mặc…”.
Tuy khó khăn, nhưng đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện vẫn luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ buôn làng, bảo vệ quê hương, đất nước. Khi đất nước thống nhất, bà con lại cùng nhau vươn lên xóa đói giảm nghèo (XĐGN), đẩy lùi các tập tục lạc hậu. Những năm qua, nhờ các chính sách đầu tư hỗ trợ cho đồng bào DTTS, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) miền núi của Chính phủ, chương trình hành động của tỉnh về công tác dân tộc, đời sống của các hộ đồng bào nơi đây đã từng bước thay đổi. Ông Y Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết: “Những năm gần đây, nhờ các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi được tổ chức thường xuyên tại địa phương, bà con đã biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp như: trồng lúa rẫy chuyển sang trồng mì cao sản, trồng bắp lai; thực hiện Chương trình 132 nhiều hộ đăng ký trồng keo, lập vườn, chăn nuôi bò sinh sản… Người dân địa phương đã nỗ lực phát triển kinh tế hộ, XĐGN; đưa cuộc sống gia đình và buôn làng ngày càng phát triển”.
Qua thực hiện hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS của Trung ương và của tỉnh, huyện Khánh Vĩnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ chính sách định canh định cư mà cuộc sống của bà con đã đi vào ổn định. Nếu như trước năm 2005, huyện Khánh Vĩnh có 8 xã khu vực 3 đặc biệt khó khăn thì đến nay chỉ còn 1 xã và 4 thôn khu vực 3 đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Từ năm 2003, triển khai Chương trình đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình theo Quyết định 132/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh, toàn huyện có 4.607 hộ đồng bào được hỗ trợ 10,6 tỷ đồng để trồng mới 4.411 ha vườn rừng và vườn nhà, 1.000 con bò cái giống cho 1.000 hộ chăn nuôi sinh sản. Bên cạnh đó, từ năm 2006 đến năm 2008, bằng nguồn vốn ngân sách từ Trung ương và tỉnh, toàn huyện có 1.805 ngôi nhà hộ đồng bào DTTS nghèo khó được xây mới, 7 công trình nước sinh hoạt tự chảy phục vụ bà con được xây dựng. Việc đầu tư hỗ trợ nhà ở và nước sinh hoạt cho bà con các dân tộc đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS nghèo ổn định cuộc sống, xóa nhà tranh tre tạm bợ. Thực hiện Chương trình 135, tỉnh đã đầu tư hơn 23,1 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ định canh định cư cho người dân, xây dựng đường giao thông đến các trung tâm xã, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Huyện cũng thực hiện tốt việc hỗ trợ hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, học sinh con em đồng bào DTTS được đến trường; công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường được cải thiện… qua đó làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Từ chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS khai hoang phát triển sản xuất lúa nước, toàn huyện có 124,6 ha ruộng lúa nước do 794 hộ đồng bào DTTS tự khai hoang. Huyện cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo (bao gồm cả người Kinh và đồng bào DTTS) trên địa bàn…
Có thể nói, việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chương trình hỗ trợ cho đồng bào DTTS của Trung ương và của tỉnh đã tác động mạnh đến hiệu quả thực hiện công tác XĐGN ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, nhiều phong trào thi đua yêu nước được đồng bào DTTS hăng hái tham gia, tạo được chuyển biến mạnh trong đời sống KT-XH tại địa phương.
Đi khắp các buôn làng, đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con ca ngợi: “Nhờ ơn Đảng và Nhà nước hỗ trợ phát triển KT-XH nên chúng tôi có cuộc sống sung túc hơn, không còn phải lo cái đói, lo ốm đau… đồng bào biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”.
THỦY BA