Từ thị trấn Tô Hạp, phải vượt qua hơn 10km, chúng tôi mới đến được điểm trường Đỉnh Đèo thuộc Trường Tiểu học Ba Cụm Bắc. Xung quanh ngôi trường là rừng núi bao phủ, những ngôi nhà dân thưa thớt. Trường hiện có 3 lớp học với…
Từ thị trấn Tô Hạp, phải vượt qua hơn 10km, chúng tôi mới đến được điểm trường Đỉnh Đèo thuộc Trường Tiểu học Ba Cụm Bắc. Xung quanh ngôi trường là rừng núi bao phủ, những ngôi nhà dân thưa thớt. Trường hiện có 3 lớp học với… 36 học sinh, đa số là người dân tộc Raglai, sống tập trung ở xóm Đỉnh Đèo. Đến đây, tôi mới cảm nhận được không khí học tập của các em và càng thêm khâm phục những người thầy, người cô đã không quản đường sá xa xôi, kiên trì bám trường, bám lớp…
Dù khó khăn, nhưng học sinh lớp 3E vẫn say sưa học bài. |
Đến thăm lớp 3E vào buổi chiều, chúng tôi gặp những học sinh với đôi mắt tròn xoe, say sưa nhìn lên bảng đen. Nhiều em còn mặc bộ quần áo cũ kĩ, mái tóc vàng hoe cháy nắng nhưng vẫn hăng hái giơ tay xin phát biểu. Không khí học tập ở đây sôi nổi chẳng khác gì ở thị trấn Tô Hạp, tuy lớp học chỉ có 9 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Raglai.
Điểm trường Đỉnh Đèo thuộc Trường Tiểu học Ba Cụm Bắc còn rất sơ sài. |
Điểm trường Đỉnh Đèo có 3 lớp. Ngoài 3 thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp còn có 2 cô giáo tham gia dạy môn Mỹ thuật và Âm nhạc. Các em học từ Thứ hai đến Thứ sáu; buổi sáng lớp 1 và lớp 2 học, buổi chiều lớp 3 học. Việc dạy và học ở điểm trường này hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác vận động học sinh đến trường. Đa số các em là người dân tộc Raglai, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Có khi các em theo bố mẹ đi làm rẫy cả tuần mới về nhà. Vào mùa mưa lũ, để đến lớp, các thầy cô phải lội suối, qua cầu… Thầy giáo Bo Bo Xíu tâm sự: “Nhà tôi ở tận thôn Tà Nỉa, xã Sơn Trung, từ nhà đến đây phải hơn 12km, đường lại lắm dốc, nên việc đi lại khó khăn. Hơn 2 năm đứng trên bục giảng, tôi nhận thấy, tuy điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng các em rất ngoan, lễ phép. Tuy học lực còn yếu, nhưng các em rất say sưa học bài và chú ý nghe giảng”.
Việc dạy chữ cho các em không hề đơn giản. Đối với các em lớp 1, do không học qua các lớp mẫu giáo nên việc phát âm tiếng phổ thông rất khó khăn. Ngoài ra, các em viết, đọc còn sai chính tả rất nhiều, việc tiếp nhận kiến thức cũng chậm do các em không tiếp xúc với tiếng phổ thông sớm. Vì vậy, học lực của đại đa số các em ở đây chỉ đạt trung bình. Để dạy cho các em biết đọc, biết viết, ngay khi bước vào lớp 1, các thầy cô phải uốn nắn từng nét chữ, viết đi viết lại nhiều lần 1 chữ cái. Trong các buổi học phải kèm từng em, dạy từng chữ cái, từng con số. Nhiều bài giảng, giáo viên phải giảng đi, giảng lại nhiều lần các em mới hiểu. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là dạy cho các em phát âm chuẩn, luyện đọc tiếng phổ thông… Sau khi học xong lớp 3, các em sẽ được chuyển về Trường Tiểu học Dốc Trầu (điểm trường Dốc Trầu) để học tiếp lớp 4.
Anh Cao Chen, xóm trưởng xóm Đỉnh Đèo cho biết: “Thôn có 42 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Đa số bà con sống bằng nghề phát nương làm rẫy nên đời sống còn nhiều khó khăn. Các em trong thôn đi học không phải đóng học phí, mỗi tháng còn được hỗ trợ 90 ngàn đồng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô rất nhiệt tình dạy các em”.
Trò chuyện với một số học sinh ở đây, chúng tôi mới biết các em phải rất cố gắng mới có thể đến trường. 2 chị em Cao Thị Băng và Cao Thị Chút, học sinh lớp 3E cho biết: “Chúng em mồ côi cha từ khi còn học lớp 1. Nhà có 8 người, đa số anh em đi làm rẫy. Gia đình khó khăn lắm, nhưng nhờ sự động viên của các thầy cô nên chúng em được đến trường. Bây giờ chúng em đã biết đọc, biết viết”. Gia đình em Cao Hoãn (lớp 3E) cũng có đến 8 anh em, nhưng chỉ có 3 người may mắn được đi học, 5 anh chị khác phải làm rẫy hoặc làm thuê mướn để kiếm sống.
Chúng tôi chia tay ngôi trường “đặc biệt” nằm trên xóm Đỉnh Đèo khi không khí trong làng đã trở nên vắng lặng. Có lẽ, người dân xóm Đỉnh Đèo đã đi làm rẫy, những ngôi nhà còn rất ít người ở lại. Giữa không gian im ắng đó, văng vẳng tiếng giảng bài của thầy Bo Bo Xíu…
PHONG BA