06:12, 08/12/2009

Củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng.

Những năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (CB) là người dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 358 đại biểu HĐND cấp xã là người DTTS, chiếm 10,28%; cấp huyện 29 đại biểu, chiếm 10,36%; cấp tỉnh 3 đại biểu, chiếm 5,77%; 30% CB chủ chốt ở xã được đào tạo chuẩn hóa, 43% CB chuyên môn ở xã được đào tạo chuẩn hóa.

Để nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực tổ chức thực hiện ở cơ sở, tỉnh đã thực hiện luân chuyển CB và tăng cường CB về cơ sở, nhất là CB lãnh đạo, quản lý, CB chuyên môn cho các xã miền núi để tổ chức triển khai, quản lý các dự án, Chương trình 134, 135 giai đoạn 2. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường CB cấp huyện là người Kinh xuống giữ chức vụ Phó Bí thư cấp ủy phụ trách kinh tế ở các xã miền núi. Mặt trận và đoàn thể các xã tiếp tục được củng cố; lựa chọn bình bầu được 331 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thời gian qua, lực lượng này đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện gây chia rẽ, vi phạm chính sách dân tộc, hưởng ứng phong trào thi đua phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo (XĐGN), xây dựng đời sống văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại chỗ; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi.

Song song với việc xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) các cấp trong tỉnh cũng phối hợp triển khai tốt các cuộc vận động ở vùng đồng bào DTTS, miền núi. Tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với 6 nội dung, thực hiện chủ trương XĐGN, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở… Cùng với việc vận động xây dựng “Quỹ vì người nghèo”, các đoàn thể đã có những phong trào vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết trong đồng bào các DTTS, phấn đấu khắc phục khó khăn, từ bỏ hủ tục lạc hậu để tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Qua 5 năm (2003 - 2008) thực hiện các cuộc vận động, đồng bào DTTS đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng được những loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chôm chôm, hồ tiêu, mía…; biết trồng và thâm canh lúa nước, phát triển kinh tế trang trại, nuôi bò lai sind, nuôi dê, đào ao nuôi cá nước ngọt…; tham gia khôi phục và phát triển các nghề truyền thống ở địa phương, XĐGN, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. MTTQVN và các đoàn thể tăng cường vận động các già làng, trưởng bản tuyên truyền trong đồng bào DTTS, vận động bà con giúp nhau cùng tiến bộ trong sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, XĐGN, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như: xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) đi đầu trong công tác ổn định cuộc sống, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, XĐGN; thôn Liên Hòa - xã Sơn Bình, thôn Tà Nỉa - xã Sơn Trung đoàn kết các dân tộc anh em giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến, Làng văn hóa nhiều năm liền; gia đình ông Mấu Hồng Thái, Cao Sa Nhân (xã Sơn Hiệp), Hà Văn Sây (xã Thành Sơn), Mấu Xuân Dương (Ba Cụm Bắc), Cao Long (xã Sơn Bình), Cao Văn Huỳnh (xã Sơn Trung)… Ở huyện Khánh Vĩnh: xã Khánh Phú, Khánh Bình luôn đi đầu trong phong trào XĐGN với chương trình trồng cây công nghiệp mía đường, phát triển vườn nhà với nhiều giống cây ăn quả có giá trị cao. Đặc biệt, ông Mà Giá A (xã Giang Ly) có mô hình du lịch sinh thái được đánh giá là sáng tạo và năng động, cần được nhân rộng và phát huy… Huyện Diên Khánh có ông Mang Thành (thôn Đồng Cau, xã Suối Tân), ông Bo Bo Thanh Minh (thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên), ông Cao Xuân Ngân (thôn Đá Mài, xã Diên Tân)… Ngoài ra, còn có nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở thị xã Cam Ranh, huyện Ninh Hòa, Cam Lâm biết khai hoang lập vườn, chăn nuôi gia súc, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đạt được kết quả trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, phải kể đến đội ngũ CB chủ chốt, CB chuyên môn cấp xã. Những năm qua, đội ngũ này không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và ở một chừng mực nhất định, họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

NGỌC KHÁNH